Phấn đấu hoàn thành dự án đường Vành đai 4 trước năm 2027
(Chinhphu.vn) - Hà Nội sẽ cùng với các tỉnh, thành phố phấn đấu hoàn thành dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trước năm 2027 theo chủ trương đầu tư đã được Bộ Chính trị và Quốc hội thông qua; phấn đấu đến năm 2025 có từ 3 đến 5 huyện phát triển thành quận...
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết tại hội thảo "Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - Những vấn đề lý luận và thực tiễn" tổ chức chiều 17/6 do Thành ủy Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức.
Xây dựng Đảng bộ Hà Nội vững mạnh toàn diện, tiêu biểu
Phát biểu chào mừng hội thảo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, phương thức lãnh đạo của Đảng đã từng bước được đổi mới, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện. Kết quả đó đã khẳng định những giá trị to lớn của Nghị quyết Trung ương 5 khóa 10 đã đạt được cả về mặt lý luận và thực tiễn.
"Việc Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia ở cả 3 miền Bắc- Trung - Nam là nhằm phát huy trí tuệ tập thể của các cấp, các ngành, các địa phương trong toàn hệ thống chính trị, huy động sự tham gia tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học; Đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng, cách làm khoa học, kỹ lưỡng, bài bản của Đảng ta về công tác đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị"- Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Đảng bộ Hà Nội đã khẳng định việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu nổi bật, mang lại hiệu quả to lớn, góp phần quan trọng, có tính quyết định đối với những kết quả, thành tựu phát triển của Thủ đô trong các giai đoạn vừa qua.
Đặc biệt, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 "về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", cùng với Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 "về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045";
Đây là cơ sở chính trị, là chủ trương, định hướng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để Thủ đô Hà Nội cùng các tỉnh, thành phố phía Bắc phát triển nhanh, bền vững và toàn diện, với mục tiêu, định hướng, tầm nhìn trung và dài hạn.
Trong đó, Bộ Chính trị đã đề ra 4 quan điểm, 2 nhóm mục tiêu lớn đối với từng giai đoạn, 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội trong trung và dài hạn.
Đó là: Phát triển Thủ đô Hà Nội phải thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; Phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển;
Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thủ đô Hà Nội thực sự gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện, tiêu biểu; Xây dựng đội ngũ cán bộ Hà Nội có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam...
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, Đảng bộ thành phố Hà Nội thể hiện quyết tâm chính trị cao trong đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương đã nêu, sớm đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của Thủ đô Hà Nội.
Trước mắt, Hà Nội sẽ cùng với các tỉnh, thành phố phấn đấu hoàn thành Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trước năm 2027 theo chủ trương đầu tư đã được Bộ Chính trị và Quốc hội thông qua; tập trung chỉ đạo hoàn thiện các quy hoạch Thủ đô Hà Nội; Phấn đấu đến năm 2025 có từ 3 đến 5 huyện phát triển thành quận...
Đề xuất cho phép Thủ đô có đặc thù về cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế
Tham luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) được Đảng bộ Thủ đô thực hiện trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức.
Đảng bộ thành phố đã có nhiều cách làm sáng tạo, quyết liệt, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo; Xác định là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, là chìa khóa cho sự ổn định và phát triển.
Thành ủy đã ban hành Nghị quyết mới có tính chuyên đề và khi thực sự cần thiết; Chủ động tham mưu với Trung ương, Bộ Chính trị ban hành các chủ trương, nghị quyết để giúp Thủ đô có điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh, bền vững như: Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (năm 2012); quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội, Luật Thủ đô, và mới đây là Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong công tác tổ chức, cán bộ, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04 về Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp; Rà soát, ban hành đồng bộ hệ thống văn bản về công tác cán bộ như: Quy định về Quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; Về đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức; về Công tác quy hoạch cán bộ.
Từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X đến nay, Thành ủy, các cấp ủy đảng đã kiểm tra 24.106 lượt tổ chức đảng và 25.180 lượt đảng viên, giám sát 11.620 lượt tổ chức đảng và 35.633 lượt đảng viên.
Đánh giá lại 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) và thực tiễn đặt ra của quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, bà Nguyễn Thị Tuyến cho biết, việc đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc của một số cấp ủy còn chậm, hiệu quả chưa rõ nét.
Công tác lãnh đạo của cấp uỷ, điều hành của chính quyền tại một số địa phương, đơn vị chưa đồng bộ, thụ động, thiếu quyết liệt; Tình trạng trì trệ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhất là ở cơ sở chưa được khắc phục triệt để. Công tác cải cách hành chính trong Đảng chậm được đổi mới.
Cá biệt có trường hợp cán bộ lãnh đạo quản lý cấp thành phố thiếu gương mẫu, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vai trò hạt nhân chính trị, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp uỷ, tổ chức cơ sở đảng còn yếu.
Thành ủy Hà Nội đề xuất Trung ương nghiên cứu, ban hành Nghị quyết mới về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị giai đoạn hiện nay; chú trọng thể chế hóa nội dung, nguyên tắc trong phương thức cầm quyền của Đảng.
Hà Nội cũng đề xuất cho phép Thủ đô có đặc thù về cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tăng thẩm quyền, tự chủ cho Thủ đô; Nghiên cứu bố trí chức danh cán bộ văn phòng đảng ủy ở cấp xã, phường, thị trấn; Nghiên cứu sửa Luật Ngân sách Nhà nước phù hợp những nơi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo hướng "phân cấp, ủy quyền, tăng tính chủ động về ngân sách cho địa phương khi không còn HĐND phường".
Thành phố đề nghị Trung ương nghiên cứu thể chế hóa, cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị thành các quy định, quy chế, như: Quy định thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; Quy định quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu và mối quan hệ giữa tập thể cấp ủy, tổ chức đảng với người đứng đầu; Quy định về cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ".
Ban Tổ chức Trung ương phối hợp Bộ Nội vụ quan tâm giải quyết đề xuất bố trí cán bộ, công chức đảng, đoàn thể ở các phường khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị đảm bảo đồng bộ, thống nhất với công chức hành chính ở các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm mô hình này.
Gia Huy