Phân tuyến tuyển sinh, xây dựng thêm trường để đáp ứng nhu cầu học tập

09/05/2023 11:22 AM

(Chinhphu.vn) - Phân tuyến tuyển sinh cho từng trường; chuẩn bị tốt nhất cho công tác tuyển sinh, thi tốt nghiệp THPT; triển khai đầu tư 7 trường phổ thông có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại... là những việc TP. Hà Nội và ngành GD&ĐT đang thực hiện để bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh.

Phân tuyến tuyển sinh, xây dựng thêm trường để đáp ứng nhu cầu học tập - Ảnh 1.

Mỗi năm quy mô học sinh tại Hà Nội đều tăng so với các năm học trước - Ảnh: VGP/Gia Huy

Quy mô học sinh tăng mỗi năm

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, đến nay, toàn ngành đang chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để chuẩn bị tốt nhất và an toàn, đúng quy chế cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và tuyển sinh đầu cấp vào lớp 1, lớp 6, lớp 10.

Là địa bàn đông dân cư, mỗi năm quy mô học sinh tại Hà Nội đều tăng so với các năm học trước. Năm học 2023-2024 sắp tới, dự kiến số học sinh dự xét tốt nghiệp THCS tại Hà Nội khoảng trên 129.000 học sinh (tương đương năm học trước); trong đó có gần 110.000 thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 THPT công lập, tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học trước.

Trong đó, tuyển vào trường THPT công lập khoảng 72.000 học sinh (chiếm tỷ lệ 55,7%); tuyển vào trường THPT công lập tự chủ và tư thục khoảng 30.000 học sinh (chiếm tỷ lệ 23,2%); tuyển vào Trung tâm GDNN- GDTX khoảng 10.000 học sinh (chiếm tỷ lệ 7,7%); tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khoảng trên 17.200 học viên (chiếm tỷ lệ 13,4%)…

Số lượng học sinh tuyển vào lớp 1 và lớp 6 cũng đều tăng so với năm học trước. Dự kiến, số lượng tuyển sinh mẫu giáo 5 tuổi khoảng 157.000 trẻ; tuyển vào lớp 1 khoảng trên 156.000 học sinh, tăng khoảng 11.400 học sinh so với năm học 2022-2023; tuyển sinh vào lớp 6 khoảng trên 188.400 học sinh, tăng khoảng trên 38.500 học sinh so với năm học 2022-2023.

Đến nay, với tinh thần giữ ổn định như năm trước, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố phương thức tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2023-2024 theo hướng tạo thuận lợi và đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh học sinh, học sinh. Phương thức tuyển sinh trẻ mầm non, lớp 1 và lớp 6 ổn định là xét tuyển theo tuyến; kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập duy trì 3 môn (toán, ngữ văn, ngoại ngữ).

Đối với tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6, theo Sở GD&ĐT Hà Nội, từ đầu năm, Phòng GD&ĐT các địa phương và các nhà trường đã tiến hành điều tra số lượng học sinh trong độ tuổi, các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy học ở từng nhà trường. Từ đó, tổ chức phân tuyến tuyển sinh cho từng trường trên địa bàn bảo đảm đáp ứng nguyện vọng học tập, không để học sinh phải di chuyển quá xa, nhằm bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh trong bối cảnh quy mô học sinh trong độ tuổi tuyển sinh hằng năm tăng. Việc phân tuyến cũng nhằm mục tiêu không để xảy ra hiện tượng nơi quá tải, nơi lại không tuyển đủ chỉ tiêu.

Xây dựng 7 trường phổ thông có nhiều cấp học tiên tiến

Trước đó, báo cáo với Đoàn Giám sát của Quốc hội về thực hiện Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vào tháng 3/2023, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, Hà Nội là địa phương có quy mô mạng lưới giáo dục lớn nhất cả nước. 

Đến năm 2023, Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Năm học 2022 - 2023, toàn thành phố có 2.840 trường mầm non, phổ thông, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với gần 64.800 lớp; trên 2,1 triệu học sinh; gần 123.000 giáo viên; trên 65.000 phòng học. 

Tuy nhiên để đáp ứng quy mô học sinh các cấp đều tăng qua mỗi năm, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành kế hoạch xây dựng 7 trường phổ thông có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại theo Chương trình 06 của Thành ủy. UBND TP yêu cầu hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng đảm bảo tiến độ, chất lượng và quy định về quản lý đầu tư xây dựng.

Sở GD&ĐT Hà Nội được giao chủ trì phối hợp với các Sở, ngành và UBND các quận, huyện liên quan tham mưu, trình UBND Thành phố phê duyệt tiêu chuẩn cơ sở vật chất, quy mô đào tạo của 7 trường phổ thông có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại. Đối với những tiêu chuẩn cao hơn so với quy định hiện hành đề nghị xin ý kiến Bộ GD&ĐT trước khi trình UBND TP xem xét, phê duyệt;

Để triển khai nhiệm vụ, Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan và UBND 7 quận huyện thống nhất xây dựng cơ chế quản lý, mô hình tổ chức, cách thức vận hành, tuyển dụng, lựa chọn lãnh đạo quản lý và giáo viên. Thành lập tổ công tác của Sở GD&ĐT để đôn đốc, tổng hợp kịp thời tham mưu nhằm xây dựng tiêu chuẩn cơ sở vật chất 7 trường có nhiều cấp học đảm bảo đúng quy định.

Trên cơ sở tiêu chuẩn được phê duyệt, UBND các quận, huyện (chủ đầu tư dự án) căn cứ nhu cầu thực tế của từng địa phương, phân tích nhu cầu, sự cần thiết đầu tư, phân kỳ đầu tư để đảm bảo hiệu quả đầu tư, nhất là đối với các hạng mục cơ sở vật chất, thiết bị mang tính tiên tiến, hiện đại (như hội trường lớn; phòng xem phim; phòng kịch và biểu diễn nghệ thuật; Khu/Nhà thi đấu thể thao; bể bơi; phòng tập gym; sân tennis; phòng Yoga; Khu ký túc xá...) xác định quy mô đầu tư các hạng mục công trình, diện tích xây dựng.. làm cơ sở tính toán Tổng mức đầu tư dự án; lập và trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án...

Ngoài ra, tổ chức thi tuyển thiết kế, khuyến khích tuyển chọn mở rộng các Nhà thiết kế nước ngoài, nghiên cứu kỹ đưa ra yêu cầu thiết kế phù hợp với địa phương, xứng tầm trường có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại của khu vực.

Gia Huy

Top