Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa: Góp phần đưa Hà Nội phát triển bền vững
(Chinhphu.vn) - Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến; số hóa sách lịch sử - văn hóa của các địa phương trên địa bàn Hà Nội là một trong các giải pháp góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển bền vững.
Đẩy mạnh hoạt động kết nối di tích với hoạt động du lịch
Số lượng khá lớn di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn Hà Nội là bộ phận cấu thành hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa của Hà Nội, chứa những giá trị đặc biệt.
Theo Đại tá, TS. Lê Thanh Bài, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn Hà Nội luôn được thành phố và các cơ quan chuyên môn quan tâm. Nhờ đó, di tích cách mạng kháng chiến được giữ gìn khá nguyên trạng. Tư liệu, hiện vật gắn liền với các di tích cũng được lưu giữ, bảo quản và trưng bày tại chỗ để phục vụ các nhà nghiên cứu, khách tham quan, có những di tích đã trở thành địa chỉ quen thuộc của các tầng lớp nhân dân, khách trong nước và quốc tế như Nhà tù Hỏa Lò.
Tuy nhiên, số di tích như vậy chưa có nhiều, đa phần các di tích chưa được số đông biết đến, chỉ có khách tham quan nhân dịp kỷ niệm hoặc vào dịp lễ tết.
Vì vậy, để di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến thực sự là những trang sử sống động, gắn kết cộng đồng, giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng và truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, góp phần làm nên cốt cách, bản sắc văn hóa của người Hà Nội - giá trị bền vững, nguồn lực cho sự phát triển, công tác quản lý nhằm bảo vệ và phát huy hiệu quả của di tích tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, bổ sung thông tin cho các di tích; đồng thời sưu tầm các hiện vật có liên quan trực tiếp đến di tích để làm phong phú nội dung, cho di tích thực sự là địa chỉ lôi cuốn người dân và du khách.
TS. Lê Thanh Bài cũng cho rằng, Hà Nội cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, các dự án bảo tồn, tôn tạo. Đầu tư cho các dự án bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến là điều cần thiết nhằm bảo tồn lâu dài. Đòi hỏi thực hiện đúng quy trình khoa học và nguyên tắc bảo tồn trong quá trình triển khai dự án bảo đảm các yếu tố gốc vốn có.
Đồng thời làm tốt quy hoạch, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Công tác quy hoạch bảo tồn, tôn tạo di tích, phải gắn với việc quản lý đầu tư xây dựng, phát tiển các ngành kinh tế, cơ sở hạ tầng và các hoạt động kinh tế xã hội trong khu vực di tích, bảo đảm phát triển hợp lý và hài hòa giữa các hoạt động nhằm mục tiêu bảo tồn các di tích vừa kết hợp khai thác phát huy tác dụng có hiệu quả phục vụ phát triển du lịch địa phương và cả nước.
Để phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, TS. Lê Thanh Bài cũng nêu quan điểm Hà Nội cần xây dựng nội dung và hình ảnh điểm đến, gắn với việc quảng bá về các di tích, đẩy mạnh hoạt động kết nối di tích với hoạt động du lịch. Các cơ quan quản lý di tích và các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp du lịch cần phải phối hợp, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng các tour du lịch gắn với các di tích cách mạng, kháng chiến, xây dựng website liên kết giữa các điểm di tích để cung cấp thông tin cho khách du lịch, đồng thời chú trọng xây dựng những sản phẩm dịch vụ du lịch gắn với nội dung lịch sử của mỗi di tích.
Việc xây dựng nội dung và hình ảnh điểm đến, gắn với việc quảng bá về các di tích có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thu hút du khách đến tham quan du lịch, để phát huy giá trị của di tích.
Quản lý và bảo tồn di tích phải gắn liền và bảo đảm lợi ích của cộng đồng và trên hết phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa các nhà quản lý, các nhà khoa học và nhân dân. Phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ di tích với phương châm “đưa di tích về cộng đồng”; cư dân địa phương tham gia vào việc quản lý, bảo vệ di tích, và có được lợi ích từ di tích trong hoạt động du lịch.
Phát huy giá trị các địa phương qua số hóa sách lịch sử - văn hóa
Góp ý vào hội thảo khoa học "Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh và hiện đại" được Thành ủy Hà Nội tổ chức gần đây, theo TS. Đào Thị Hoàn, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội cần xây dựng hướng đi mới trong chuyển đổi mô hình xuất bản sách lịch sử - văn hóa sang dạng sách điện tử nhằm đáp ứng yêu cầu mới trong thời kỳ chuyển đổi số, bảo vệ bản sắc văn hóa, bảo tồn giá trị lịch sử - văn hóa tại mỗi địa phương,
Từ năm 2018 đến năm 2020, cả nước có tổng số 2.461 công trình lịch sử Đảng bộ, ban, ngành, đoàn thể đã hoàn thành và xuất bản. Trong đó, Hà Nội có tổng số 83 công trình, với 66 công trình cấp xã, 7 công trình cấp huyện, 6 công trình của các ban, ngành, đoàn thể và 4 công trình cấp tỉnh.
Một số đơn vị như huyện Đông Anh tổ chức phát hành 2 cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ huyện Đông Anh” (1930 - 2020), Đảng bộ huyện Đông Anh - Những dấu ấn tiêu biểu từ đại hội đến đại hội (1947 - 2020). Khai thác sử dụng Thư viện điện tử Huyện, huyện ủy Thường Tín biên soạn và phát hành cuốn sách “Nguyễn Trãi với quê hương Nhị Khê - Thường Tín, Thăng Long - Hà Nội” và xây dựng Dự án khu lưu niệm danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi tại huyện Thường Tín... Quận Ba Đình xây dựng cuốn tài liệu Đảng bộ quận Ba Đình từ Đại hội đến Đại hội, Lịch sử lực lượng vũ trang quận Ba Đình giai đoạn 1945 - 2021. Năm 2021, huyện Thanh Oai phát hành cuốn “Địa chí Thanh Oai” và huyện Mỹ Đức phát hành cuốn “Địa chí huyện Mỹ Đức”…
Trên cơ sở các cuốn lịch sử - văn hóa ở các địa phương thuộc thành phố Hà Nội đã xuất bản, một số cấp ủy ở các quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo ban tuyên giáo và phòng giáo dục - đào tạo sớm tổ chức biên soạn thành các tập bài giảng lịch sử truyền thống địa phương cho các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn.
Sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã khiến các hình thức thương mại điện tử diễn ra trong hoạt động xuất bản như tiêu thụ, quảng cáo xuất bản phẩm trên internet, phát hành sách online gia tăng. Để đáp ứng nhu cầu độc giả, Hà Nội sẽ không nằm ngoài xu hướng này, đây được xem là yêu cầu bức thiết đối với công tác xuất bản, đặc biệt là loại sách lịch sử - văn hóa. Không đổi mới phương thực tiếp cận, sách lịch sử - văn hóa ngày càng khó lan tỏa đến đông đảo độc giả.
Để công tác xuất bản sách lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt kết quả tốt hơn, Hà Nội cần nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, có kế hoạch số hóa các loại sách này, xuất bản dưới dạng sách điện tử, kết nối với cổng thông tin điện tử để lan tỏa rộng rãi các công trình này đến công chúng. T
Hà Nội cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu sách lịch sử - văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet và đội ngũ tuyên truyền các cấp. Đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng ở các nhà trường và các tầng lớp nhân dân; đa dạng hóa sản phẩm xuất bản để nâng cao năng lực xuất bản nói chung cũng như các sản phẩm số, sản phẩm sách lịch sử - văn hóa nói riêng.
Hà Nội hiện có 48 di tích cách mạng kháng chiến đã được xếp hạng, trong đó có 27 di tích cấp quốc gia, 21 di tích cấp thành phố. Cùng với đó là 341 địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến, trong đó có 296 địa điểm đã được gắn biển.
Hòa An