Phát huy nghề gốm truyền thống gắn với phát triển du lịch

09/03/2022 11:36 AM

(Chinhphu.vn) - Người dân xã Bát Tràng đã và đang nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề đã tạo ra những sản phẩm gốm sứ tinh xảo, đa dạng, phong phú đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Để phát huy giá trị làng nghề, huyện Gia Lâm đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, đầu tư hệ thống “Du lịch thông minh” tại Bát Tràng.

Phát huy nghề gốm truyền thống gắn với phát triển du lịch - Ảnh 1.

Xã Bát Tràng có gần 1.000 hộ đang sản xuất, kinh doanh gốm sứ. Ảnh: VGP/Gia Huy

Nhiều giải pháp để bảo tồn nghề truyền thống

Theo bà Trần Thị Hoài Hương, Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Gia Lâm, xã Bát Tràng hiện có 5 thôn với gần 9.000 nhân khẩu; kinh tế - xã hội phát triển theo hướng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (chiếm khoảng 53%), thương mại - dịch vụ (chiếm khoảng 47%); không sản xuất nông nghiệp. Xã có gần 1.000 hộ đang sản xuất, kinh doanh gốm sứ, có hệ thống cửa hàng dọc theo tuyến đường từ làng Giang Cao - Bát Tràng giới thiệu và bán các sản phẩm gốm sứ phong phú, đa dạng, phù hợp với khách thăm quan, mua sắm.

Giá trị thu nhập từ du lịch, thương mại, dịch vụ ngày càng tăng góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 ước tính đạt trên 65 triệu đồng/người/năm, không có lao động thất nghiệp. Bên cạnh đó, làng nghề còn tạo việc làm với thu nhập ổn định cho khoảng 5.000 lao động đến từ các địa phương khác.

Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện đề án Bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống gốm Bát Tràng gắn với phát triển du lịch được huyện Gia Lâm chú trọng đặc biệt.

Năm 2016, với tiềm năng, lợi thế của Bát Tràng, UBND huyện Gia Lâm đã kiến nghị UBND Thành phố quan tâm đầu tư xây dựng Bát Tràng trở thành "Điểm du lịch tiêu biểu" của Thủ đô. Theo đó, UBND Thành phố đã chỉ đạo tổ chức cuộc thi thiết kế ý tưởng bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống gốm Bát Tràng gắn liền phát triển du lịch với nhiều đơn vị có uy tín trong nước và quốc tế tham gia. Triển khai xây dựng quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đối với làng Bát Tràng, lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học, chính quyền và nhân dân địa phương.

Huyện đã kiểm tra, rà soát các di tích lịch sử văn hóa, các nhà cổ, nhà thờ họ đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn để tu bổ, tôn tạo. Huyện đã tu bổ, tôn tạo xong Chùa Kim Trúc với tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng; chuẩn bị công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo Đình Giang Cao; lập dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo khu làng cổ Bát Tràng với diện tích 5,3ha.

Bên cạnh đó ban hành quy định tạm thời về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn xã Bát Tràng nhằm quản lý công tác xây dựng trong khi chờ UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500. Đề nghị Thành phố đặt tên đường Bát Tràng, Giang Cao gắn với địa danh truyền thống của 2 làng nghề. Đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ đường, biển chỉ dẫn du lịch, lắp đặt Wifi miễn phí trên địa bàn xã để thuận tiện cho khách thăm quan du lịch, mua sắm, giao dịch.

UBND huyện lập hồ sơ, kiến nghị và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận "Nghề truyền thống gốm làng Bát Tràng, xã Bát Tràng là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia". Thực hiện tư liệu hóa các giá trị phi vật thể gắn với làng nghề truyền thống Bát Tràng: lễ hội Đình Bát Tràng, bữa cơm người thợ gốm, nghi lễ tế "Tam sinh"...

Việc kiểm kê các hiện vật, di tích trên địa bàn xã cũng được thực hiện và đề nghị và được UBND thành phố công nhận 44 đạo sắc phong của Đình Bát Tràng là tài liệu lưu trữ quý hiếm. Thực hiện rập, dịch văn bia và các tư liệu hán nôm tại Đình Bát Tràng. Hồ sơ kiểm kê hiện vật tại các di tích được thực hiện và lưu giữ khoa học, lập thành 4 bộ phục vụ công tác lưu trữ và quản lý: Kho lưu trữ của UBND huyện, phòng Văn hóa và Thông tin, UBND xã, thị trấn, tiểu ban quản lý di tích thôn, tổ dân phố.

Phát huy nghề gốm truyền thống gắn với phát triển du lịch - Ảnh 2.

Sản phẩm làng nghề Bát Tràng. Ảnh: VGP/Gia Huy

Ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch

Theo bà Hoài Hương, sau khi Bát Tràng được công bố là "Điểm du lịch", lượng khách du lịch đến thăm Bát Tràng tăng gấp đôi, có thời điểm tăng gấp 3 lần so với trước đó.

Để phát huy giá trị làng nghề, huyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 triển khai đầu tư hệ thống "Du lịch thông minh" tại Bát Tràng. Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên số, bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch, dịch vụ, thương mại dưới dạng phim 3D, băng âm thanh, hình ảnh, văn bản (Audio guide & Multimedia); phần mềm du lịch thông minh ứng dụng trên thiết bị thông minh (SmartTour Apps)...; duy trì và khai thác có hiệu quả Cổng thông tin điện tử tổng hợp Bát Tràng; phát triển 2 "Trung tâm thông tin du lịch Bát Tràng, Giang Cao". Tạo mã QR giới thiệu các di tích bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

UBND xã Bát Tràng tuyên truyền, nhân rộng vẽ tranh bích họa tạo cảnh quan đẹp, thân thiện, hấp dẫn khách du lịch; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, không đổ rác ra ngoài đường, ngõ, xóm; đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, giữ gìn môi trường cảnh quan chung. Vận động các hộ gia đình có hố ga lắng cặn trước khi xả nước thải vào hệ thống tiêu thoát nước chung.

Huyện cũng thực hiện đồng bộ công tác tuyên truyền quảng bá, kết nối Du lịch Bát Tràng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên kênh truyền hình CNN, truyền hình trực tiếp bằng công nghệ 3600 trên website và bằng nhiều hình thức khác. UBND huyện cũng khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ Hiệp hội gốm sứ Bát Tràng, Ban đại diện các làng nghề, nghệ nhân thợ giỏi, các doanh nghiệp tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm, Festival trong và ngoài nước. Tăng cường liên kết giữa các quận, huyện, thị xã và các vùng, miền, các địa phương trong nước.

Bên cạnh đó, phối hợp Sở Công Thương và các đơn vị liên quan tổ chức khai trương điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) gắn với du lịch nông thôn Thành phố năm 2020 tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, xã Bát Tràng. Đến nay Bát Tràng có hàng chục sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, 5 sao.

Xây dựng hình ảnh điểm đến "An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn"

Trong thời gian tới, để góp phần phát huy làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng gắn với phát triển du lịch, huyện Gia Lâm sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Kết hợp các biện pháp phục hồi du lịch với nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19; xây dựng hình ảnh điểm đến "An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn".

Đặc biệt là chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch gắn với các điểm đến du lịch văn hóa, di sản, làng nghề, làng cổ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng thương hiệu, tăng cường khả năng cạnh tranh cho các điểm du lịch. Kết nối du lịch làng nghề gốm sứ Bát Tràng với các làng nghề: Kim Lan, nghề dát quỳ, vàng xã Kiêu Kỵ, làng nghề thuốc nam, thuốc bắc xã Ninh Hiệp, hoa giấy Phù Đổng; du lịch sinh thái, nông nghiệp trải nghiệm tại Văn Đức, Phù Đổng; du lịch tâm linh Đền - Chùa Bà Tấm (xã Dương Xá), Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng (xã Phù Đổng).

Để xây dựng điểm đến hấp dẫn, huyển chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm kích cầu du lịch nội địa chất lượng cao, thực sự hấp dẫn, giá cả hợp lý để thu khách du lịch; gắn với khai thác hiệu quả các tài nguyên du lịch sẵn có, phù hợp với giai đoạn hiện nay. Tăng cường kết nối với các khu vực lân cận: Khu vực nội thành, huyện Đông Anh, huyện Sóc Sơn, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hưng Yên để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.

Huyện cũng tiếp tục nâng cao kiến thức về du lịch cộng đồng, văn hóa kinh doanh, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, ngoại ngữ... nâng cao kỹ năng tổ chức, khai thác, phục vụ khách du lịch của các công ty lữ hành, cộng đồng địa phương trong phát triển các mô hình du lịch nói chung và du lịch làng nghề trên địa bàn huyện.

Huyện Gia Lâm được biết đến với các làng nghề nổi tiếng như làng nghề gốm Kim Lan, làng nghề dát quỳ vàng Kiêu Kỵ, làng nghề thuốc nam, thuốc bắc Ninh Hiệp và đặc biệt là làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm có 2 làng nghề truyền thống gốm sứ là làng Bát Tràng và làng Giang Cao.

Gia Huy



Top