Phát huy ‘Sức mạnh mềm’ từ khối đại đoàn kết toàn dân

12/12/2023 1:48 PM

(Chinhphu.vn) - Chú trọng đổi mới, sáng tạo, qua 20 năm tổ chức, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành nét đẹp văn hóa tại nhiều địa phương, nhưng hơn thế, từ ngày hội này, tinh thần đoàn kết, chung tay thực hiện nhiệm vụ chung đã được các tầng lớp nhân dân phát huy, tạo nên nhiều thành tựu nổi bật của Thủ đô.

Phát huy ‘Sức mạnh mềm’ từ khối đại đoàn kết toàn dân- Ảnh 1.

Việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết tòa dân tộc góp phần củng cố thêm sức mạnh đoàn kết giữa chính quyền và nhân dân. Ảnh: VGP/DA

Củng cố thêm sức mạnh đoàn kết giữa chính quyền và nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: "Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc". Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc có vai trò rất quan trọng.

Năm 2023, lần đầu tiên, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp với UBND Thành phố tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc theo quy mô cấp Thành phố. Ngày hội đã gây ấn tượng với nhân dân bằng phần trình diễn "Vũ điệu kết đoàn"- Tác phẩm hiệu triệu tình đoàn kết dân tộc. Đây là cách làm mới, sáng tạo của thành phố Hà Nội trong việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết tòa dân tộc, thông qua đó củng cố thêm sức mạnh đoàn kết giữa chính quyền và nhân dân.

Ðã hơn nửa tháng trôi qua, bà Nguyễn Thị Châm (phường Xuân La, quận Tây Hồ), một trong 1.000 diễn viên không chuyên trình diễn "Vũ điệu kết đoàn" tại Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc thành phố Hà Nội năm 2023, vẫn còn nguyên cảm xúc phấn khởi, tự hào. "Trong quá trình tập luyện và biểu diễn, chúng tôi cảm nhận được cả tinh thần đoàn kết trong đó", bà Châm chia sẻ.

Tiết mục "Vũ điệu kết đoàn" của cán bộ, nhân dân quận Tây Hồ không chỉ là điểm nhấn của Ngày hội đại đoàn kết cấp thành phố, mà còn đạt kỷ lục là màn múa có sự tham gia đông nhất của các tầng lớp nhân dân từ trước tới nay, thể hiện sự quyết tâm, đồng lòng, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.

"Việc được tham gia "Vũ điệu kết đoàn" trên "sân nhà" trong sự kiện đặc biệt của Thành phố, khiến cán bộ, đảng viên và nhân dân quận Tây Hồ vô cùng tự hào. Sự kiện này là cầu nối để cấp ủy, chính quyền các cấp gần dân, sát dân và ngày càng hiểu dân hơn, qua đó củng cố tình đoàn kết, sự thống nhất cao trong toàn quận".

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, khi Quận vinh dự được Thành phố lựa chọn để tổ chức chương trình Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023. Bên cạnh việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, Quận tích cực luyện tập điệu múa "Vũ điệu kết đoàn". Đây là điệu múa có sự tham gia của cán bộ, đảng viên và nhân dân Tây Hồ đông nhất từ trước đến nay.

Trong các buổi tập, đồng chí Bí thư Quận ủy cũng như các đồng chí Thường trực Quận ủy thường xuyên trực tiếp đến động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân tập luyện. Việc được tham gia "Vũ điệu kết đoàn" trên "sân nhà" trong sự kiện đặc biệt của Thành phố khiến cán bộ, đảng viên và nhân dân vô cùng tự hào.

Là phường có 100 người tham gia tiết mục "Vũ điệu kết đoàn, bà Nguyễn Thục Lương, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân cho biế, qua việc vận động, huy động cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn tham gia, tôi nhận thấy nếu người dân được truyền đạt nội dung cụ thể, nhận thức đúng thì ai ai cũng vui vẻ, tinh thần đoàn kết trỗi dậy, mọi người nhắc nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

"Điểm sáng" trong tập hợp nhân dân

Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc là phương thức quan trọng trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; khơi dậy sức mạnh, ý chí, quyết tâm cống hiến vì đất nước của mỗi cá nhân, gia đình. Nhiều năm nay, Ngày hội đã trở nên thường xuyên, quen thuộc, đi vào nền nếp của người dân Thủ đô, bởi nó phù hợp và đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Từ năm 2003 đến 2023, Thành phố đã có 89.485 khu dân cư tổ chức Ngày hội Ðại đoàn kết; 78.903 khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội; 4.385 công trình dân sinh được xây dựng trong dịp tổ chức ngày hội, 9.978 nhà Ðại đoàn kết được xây mới, 3.940 nhà Ðại đoàn kết được sửa chữa, 5.878 nhà Ðại đoàn kết được trao tặng dịp ngày hội...

Việc tổ chức Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc đã góp phần khơi dậy, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, điển hình là sự gắn kết tình làng nghĩa xóm; sự đồng lòng, đoàn kết của cộng đồng dân cư; tạo sự gần gũi hơn giữa nhân dân với chính quyền...; từ đó, đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương và phát triển chung của Thủ đô và đất nước.

Mới đây, tại buổi làm việc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hà Nội, Trưởng đoàn khảo sát của Ban Dân vận Trung ương Đào Đoan Hùng ghi nhận những đổi mới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, nhất là việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành điểm sáng trong tập hợp nhân dân; sự đồng lòng của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, trong xây dựng luật, chính sách...

Qua đó cho thấy sự đồng thuận của người dân đối với các quyết sách của Thành phố và trong xây dựng Đảng, tham gia các cuộc vận động; niềm tin với Đảng của nhân dân ngày càng được củng cố, vai trò của Mặt trận Tổ quốc được nâng lên.

Diệu Anh

Top