Phát huy thế mạnh, đưa ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi

06/06/2022 6:24 PM

(Chinhphu.vn) - Chăn nuôi đã góp phần ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân Thủ đô. Tuy nhiên chăn nuôi của Hà Nội còn nhỏ lẻ chưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nên năng suất thấp, nhiều dịch bệnh, giá thành cao.

Phát huy thế mạnh, đưa ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi - Ảnh 1.

Chăn nuôi gia cầm theo mô hình khép kín, áp dụng công nghệ cao trên địa bàn TP. Hà Nội. Ảnh: VGP/ Thiện Tâm.

Hiệu quả kinh tế cao

Theo ông Nguyễn Ngọc Giang, Phó Chủ tịch Hội chăn nuôi Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi là xu thế tất yếu và phổ biến trên thế giới nói chung, của Việt Nam và Hà Nội nói riêng. Trong những năm tới chủ trương của Thành phố khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung số lượng lớn hình thức công nghiệp và bán công nghiệp: Tăng Số trang trại, số đầu vật nuôi/trang trại; xây dựng các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Bởi vậy ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi để nâng cao sản lượng, giảm giá thành chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh là nhu cầu cần thiết.

Yếu tố cốt lõi của nông nghiệp trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư - nông nghiệp 4.0 là ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo. 

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh từ nông trại đến chế biến, marketing và tiêu dùng được số hóa thông qua hệ thống kết nối internet. Vì thế, nông nghiệp 4.0 còn được gọi là nông nghiệp thông minh hay nông nghiệp số. 

Nhờ đó, ngành nông nghiệp đứng trước những thời cơ lớn, với sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản trị và quản lý. Chăn nuôi bao gồm các khâu: Giống, thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng, thú y, chuồng trại, quản lý và tiêu thụ sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ cao vào tất cả các khâu sản xuất sẽ mang lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi.

Hiênh nay, thành phố Hà Nội có 39 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình thủy sản, 1 mô hình kết hợp chăn nuôi – trồng trọt trong số 160 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung ở các huyện: Mê Linh; Đông Anh; Gia Lâm; Thường Tín; Thanh Oai; Đan Phượng... 

Các trang trại chăn nuôi đều có ứng dụng ít nhất một biện pháp công nghệ cao, vì thế 100% các sản phẩm chăn nuôi từ các trang trại lớn, quy mô công nghiệp đều có hàm lượng ứng dụng công nghệ cao. Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu là Công ty cổ phần giống gia súc Hà Nội, Công ty cổ phần giống gia cầm Ngọc Mừng (Đông Anh), HTX Hoàng Long, HTX Hòa Mỹ, HTX chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì…

Công nghệ được áp dụng là công nghệ thông minh trong quản lý chăn nuôi, công nghệ chuồng kín có hệ thống điều khiển tiểu khí hậu chuồng nuôi hay dây chuyền cho ăn và hệ thống uống nước tự động; nghiên cứu sản xuất phôi bò; các công nghệ xử lý môi trường tiên tiến như CDM, Biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm sinh học; công nghệ chăn nuôi tuần hoàn...

Các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao bước đầu đã đem lại kết quả tốt. Khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã làm tăng đáng kể khối lượng sản phẩm, giảm chi phí từ đó hạ giá thành sản phẩm, đem lại lãi và thu nhập cao hơn cho người chăn nuôi.  

Dự án lai tạo bò BBB x lai Zebu đến nay đã phối giống hơn 350.000 liều tinh, tạo ra trên 240.000 bê lai; bê lai BBB tăng trọng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 30 – 50% bê lai Zebu. Giá trị sản phẩm do đàn bò F1 BBB làm ra ước đạt trên 12.000 tỷ đồng, gia tăng so với giống bò thịt khác trên 2.400 tỷ đồng. Đồng thời tạo ra trên 160.000 việc làm cho hộ dân, tăng thêm thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/1 bê F1BBB sau cai sữa. So với bê giống thịt khác cùng tháng tuổi, đưa chăn nuôi bò thịt thành một nghề chăn nuôi mang tính sản xuất hàng hóa và chuyên môn hóa từng công đoạn từ chăn nuôi đến giết mổ.

Theo ông Giang, nhìn chung các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tuy quy mô chưa lớn nhưng đã đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội, góp phần đẩy nhanh tiến độ hình thành các vùng trọng điểm, các khu chăn nuôi tập trung, các trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi. Các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đang khẳng định được vai trò thúc đẩy phát triển sản xuất trong điều kiện hiện nay của thành phố.

Tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ vào sản xuất

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế do số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ cao còn ít, chỉ ở một số trang trại lớn. Chưa hình thành vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, việc nhân rộng mô hình còn hạn chế. Công tác hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tưứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Vấn đề dịch bệnh vẫn còn xảy ra nhiều và gây thiệt hại không nhỏ cho ngành chăn nuôi. 

Cùng với đó,  vấn đề giết mổ gia súc vẫn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thô sơ. Do giết mổ nhỏ lẻ nên rất khó trong kiểm dịch, quản lý thú y giết mổ khó khăn nên tiềm ẩn mất an toàn dịch bệnh và nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Bên cạnh đó là những hạn chế trong xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.

Vì vậy, để đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, ông Nguyễn Ngọc Giang cho biết: Như trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định "Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương... nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị". Vì vậy, để thực hiện chủ trương của Đảng, trong bối cảnh cách mạng 4.0, Hà Nội cần tạo lập các điều kiện tiền đề cần thiết để ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp. 

Một mặt, thành phố tăng nguồn lực đầu tư để tạo lập các điều kiện mà thị trường chưa thể tạo lập hoặc tạo lập chưa đầy đủ. Mặt khác, thành phố sử dụng các nguyên tắc thị trường trong việc phân bổ nguồn lực công theo nguyên tắc cạnh tranh và tạo lập đầy đủ các loại thị trường, nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp. Điển hình như rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch, hoàn thiện quy hoạch phát triển khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. 

Thành phố xác định và xây dựng các lĩnh vực, các sản phẩm thành các vùng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và địa phương. Trên cơ sở đó, xây dựng khung pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương; hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học - công nghệ sản xuất và chế biến sản phẩm chăn nuôi.

Tiếp tục hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung và chuỗi giá trị sản xuất. Tăng cường hỗ trợ vốn và đổi mới cơ chế quản lý của nhà nước về khoa học - công nghệ cho phát triển nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cần có sự chuyển biến mạnh mẽ ở cả nội dung, mô hình, chương trình và phương thức đào tạo. Nội dung đào tạo cần trang bị cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản để người lao động có tư duy sáng tạo mang tính liên ngành, đáp ứng yêu cầu công việc trong ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ sản xuất máy móc, hóa chất, chế phẩm, thức ăn, thiết bị chuồng nuôi cho chăn nuôi, thiết bị giết mổ gia súc gia cầm.

Thiện Tâm

Top