Phát huy thế mạnh sản phẩm nông nghiệp chủ lực

26/01/2025 1:27 PM

(Chinhphu.vn) - Trong định hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực hướng tới thị trường xuất khẩu của Hà Nội, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã tập trung quy hoạch phát triển vùng tập trung và xây dựng thương hiệu cho 3 sản phẩm gồm: Chuối, bưởi và lúa hàng hóa.

Phát huy thế mạnh sản phẩm nông nghiệp chủ lực- Ảnh 1.

Hà Nội có nhiều sản phẩm nông sản chủ lực làm nên thương hiệu, thế mạnh của nông sản Thủ đô. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Từ đó ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, cấp mã vùng cho sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, nâng cao giá trị hàng nông sản đặc sản của Hà Nội.

Để nâng cao giá trị kinh tế, trên diện tích 15 ha tại xứ đồng bãi xa bồi, HTX Sản xuất và cung ứng rau quả sạch Thắng Lợi, xã Văn Khê, huyện Mê Linh với 4 thành viên đã thống nhất mục tiêu phát triển mô hình chuối phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Từ năm 2021 đến nay, để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, HTX Sản xuất và cung ứng rau quả sạch Thắng Lợi đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp mã số vùng trồng, sản phẩm chuối xuất khẩu được cấp giấy chứng nhận an toàn VietGAP. 

Ông Trương Văn Thường, Giám đốc HTX Thắng Lợi cho biết, việc cấp mã vùng trồng, quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, đạt chuẩn VietGAP đã giúp HTX tiêu thụ sản phẩm được dễ dàng. Hàng năm, HTX đã tiêu thụ được từ 600-800 tấn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản.

Ngoài sản phẩm chuối xuất khẩu, giống bưởi đỏ Đông Cao, huyện Mê Linh cũng đang được phát triển và nhân rộng để cung ứng cho thị trường. Hiện nay, giá mỗi quả bưởi đỏ bán vào dịp tết cho giá trị từ 280 nghìn đến 350 nghìn đồng/quả.

Ông Lương Văn Phương - Giám đốc HTX Bưởi đỏ Đông Cao - cho biết, bưởi đỏ được ưa chuộng bởi màu sắc độc lạ, hương vị thơm ngon, sản phẩm đã được đánh giá sản phẩm OCOP 4 sao, được lựa chọn tham gia trưng bày tại các hội chợ xúc tiến thương mại, nhờ vậy mà được nhiều người biết đến, lượng tiêu thụ ngày càng tăng, ổn định.

Trong giai đoạn từ 2021 - 2024, thành phố Hà Nội đã phát triển được 222.000 ha cây trồng, trong đó chủ lực gồm lúa 153.000 ha, cây ăn quả 20.000 ha. Với mục tiêu phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng, an toàn, thực hiện các kế hoạch phát triển nông nghiệp, đến nay, thành phố đã có 226 vùng lúa, 144 vùng bưởi, 72 vùng chuối tập trung, ứng dụng cơ giới hoá để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Phát huy thế mạnh sản phẩm nông nghiệp chủ lực- Ảnh 2.

Hà Nội có nhiều vùng trồng bưởi lâu năm, đây cũng là thế mạnh của Thành phố trong phát triển sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.=

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Ngoài việc phát triển vùng sản xuất tập trung, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã xây dựng được 4 chuỗi liên kết, 3 nhãn hiệu tập thể gạo, kết nối được 6 doanh nghiệp vào tiêu thụ. Với bưởi, hình thành và phát triển được 5 chuỗi liên kết sản xuất đến tiêu thụ có hiệu quả, xây dựng 2 nhãn hiệu, duy trì 5 nhãn hiệu tập thể. Về cây chuối đã xây dựng được 4 chuỗi và 4 cơ sở sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, duy trì được 3 nhãn hiệu chuối tập thể, cấp được 3 mã vùng OTAS phục vụ xuất khẩu chuối qua thị trường Trung Quốc và châu Âu.

Dù là Thủ đô của cả nước nhưng hiện nay Hà Nội là 1 trong 3 tỉnh, thành đứng đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Hà Nội có tiềm năng rất lớn để xuất khẩu trong lĩnh vực trồng trọt, cây ăn quả và hoa cây cảnh. Bởi vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang phối hợp với các địa phương tăng cường hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ địa phương về các quy định của nước nhập khẩu để cấp mã số vùng trồng, kiểm soát chất lượng xuất khẩu các mặt hàng nông sản đặc sản, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân.

Với những kết quả đạt được, theo ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ phát triển sản xuất nông nghiệp hướng hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Đồng thời phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái thông minh, gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch nông thôn, giáo dục trải nghiệm.

Phát triển các vùng chuyên canh tập trung, vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu. Hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp nông thôn; hình thành và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái. Cùng với đó là mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; nâng cao năng lực dự báo thị trường; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị. 

Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo Luật Thủ đô để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Thành phố.

Thiện Tâm

Top