Phát huy truyền thống Thủ đô Anh hùng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

10/10/2021 6:02 AM

(Chinhphu.vn) – Năm nay, Hà Nội kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt, khi mà thành phố đang cùng cả nước căng mình chiến thắng đại dịch COVID-19. Giữa những ngày mua thu lịch sử, kỷ niệm 10/10 khiến cho chúng ta nhớ lại những giây phút hào hùng năm xưa và tiến trình phát triển của Hà Nội qua từng giai đoạn lịch sử, để thấy vững tin hơn vào chiến thắng trong cuộc chiến “chống giặc COVID”.

Nhân dân Thủ đô vui mừng chào đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Tư liệu

Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội là nơi hội tụ hồn thiêng liêng sông núi, là nơi đón nhận tinh hoa của mọi miền đất nước về đây hội tụ để tạo ra một kinh đô trải dài trên 1.000 năm lịch sử, một vùng đất linh thiêng và hào hoa.

Hằng năm, khi Hà Nội vào thu với nắng vàng dịu ngọt xen trong làn gió hanh hao mát dịu, chúng ta lại nhớ tới cột mốc lịch sử ngày 10 tháng 10 năm 1954,  Ngày Giải phóng Thủ đô. Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, là địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng ở miền Nam.

Được sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô, trên đất Hà Nội đã mọc lên những nhà máy lớn về dệt, về cơ khí, về hóa chất, trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô và đất nước. Một số trường đại học đã được xây dựng và được mở rộng như trường Đại học Bách Khoa, Đại học Tổng hợp, Đại học Y khoa, Dược khoa...Hệ thống giáo dục quốc dân đã được xây dựng từ lớp mẫu giáo đến các cấp cao hơn. Các trung tâm văn hóa nghệ thuật, các nhà hát, rạp chiếu phim được phục hồi và mở rộng góp phần cho đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Tiếp nối truyền thống ấy, từ năm 1964, khi giặc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, Thủ đô Hà Nội đã trở thành một pháo đài vững chắc tham gia cùng quân dân cả nước chống lại chiến tranh phá hoại bằng không quân của Đế quốc Mỹ, đặc biệt là quân dân Hà Nội đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, lập nên chiến công lịch sử 12 ngày đêm, lập nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, bắn rơi pháo đài bay B52 của Mỹ, buộc Mỹ, Nguỵ phải ký hiệp định Paris vào đầu năm 1973 chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Từ năm 1975 đến nay mặc dù nhân dân Hà Nội cũng đã có những lúc gặp khó khăn trong thời bao cấp như thiếu gạo, thiếu thực phẩm, nhu yếu phẩm, nhưng người Hà Nội đã biết cách đùm bọc lẫn nhau, chia sẻ khó khăn trong cho nhau để vượt qua thử thách. Chính quyền các cấp đã vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng và vận động các tổ chức chính trị xã hội tích cực tham gia vào quá trình đẩy mạnh sản xuất, thu hoạch và phân phối sản phẩm hợp lý cho các tầng lớp nhân dân. Trong khó khăn thiếu thốn nhưng lòng nhân ái, tình người luôn được đề cao, luôn luôn rộng mở, thực hiện Lẽ sống mình vì mọi người “Lá lành đùm lá rách”, yêu thương nhau để vươn lên.

Từ Đại hội VI của Đảng, năm 1986 đã xuất hiện tư tưởng đổi mới và tư tưởng đó đã mở đường cho nhân dân Hà Nội phấn đấu vươn lên trong những điều kiện thuận lợi hơn. Thực hiện đường lối đổi mới của đảng, Hà Nội đã tiến hành cải tổ, sắp xếp lại bộ máy hành chính để sản xuất năng suất, hiệu quả hơn. Nạn thất nghiệp được giải quyết, chất lượng cuộc sống nâng cao hơn thủ đô Hà Nội ngày càng được mở rộng, hệ thống giao thông đô thị được xây dựng hiện đại, nhiều đô thị mới ra đời, hệ thống nhà cao tầng mọc lên san sát ở các quận nội thành và huyện ngoại thành, nhiều khu công nghiệp được xây dựng…

Thu nhập của người dân được nâng cao hơn trước rất nhiều và thành phố đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người dân về ăn, ở và đi lại. Sức mạnh của văn hóa Thăng Long Hà Nội được gìn giữ và thể hiện trong cả thời bình lẫn thời chiến, trong cả những lúc kinh tế ổn định cũng như trong lúc có sự biến động của giá cả, thị trường, đó chính là tinh thần tự lập, chính trị tự cường luôn luôn phấn đấu vượt qua mọi thử thách, đồng thời luôn luôn chú ý tới tình nghĩa đồng bào, thương yêu đùm bọc, chia sẻ, giúp đỡ nhau một cách kịp thời, vô tư, trong sáng.

Hà Nội với chiến dịch tiêm phòng lớn nhất từ trước nay nhằm đẩy lùi dịch COVID-19. Ảnh: Lê Tuấn Thanh

Năm 2020, đại dịch COVID-19 lan tràn khắp thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta và Thủ đô Hà Nội cũng phải trải qua những khó khăn, gian khổ, những mất mát hy sinh vì sự tàn phá của đại dịch này. Có thể gọi đây là một “cuộc chiến không tiếng súng” với một kẻ thù khó phát hiện ra, không nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng nó cũng vô cùng khốc liệt và sự tàn phá, hủy diệt của loại virus này với con người thật khủng khiếp và khó lường.

Từ khi đại dịch xảy ra, gần 2 năm qua, 4 lần bùng phát tại Hà Nội, người Hà Nội đã phải trải qua những cam go thử thách khi xuất hiện ổ dịch và bùng phát tại các địa phương, trên địa bàn, khiến Thành phố đã phải đưa ra những quyết định phong tỏa, giãn cách nhiều cấp độ khác nhau để chống giặc COVID và đã được kịp thời kiểm soát, khống chế, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và sức khỏe nhân dân. Lãnh đạo Thành ủy, UBND Hà Nội đã tập trung lực lượng, thành lập Sở Chỉ huy phòng, chống dịch, toàn thể quân dân Thủ đô đã đồng tâm nhất trí, ý thức tự giác cao nhất để ngăn chặn, đầy lùi dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô.

Nhờ sự đồng lòng nhất trí, và hướng đi đúng trong “cuộc chiến” chống dịch, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, từ đầu tháng 10, hàng trăm chốt kiểm dịch ở các quận, huyện đã đươc dỡ bỏ chỉ còn giữ lại 32 chốt ở khu vực đi lại với các tỉnh lân cận, sinh hoạt của nhân dân được tiện lợi hơn, kinh tế dần hồi phục và dịch bệnh được ngăn chặn.

Trong hơn hai tháng thực hiện giãn cách xã hội, chúng ta đã chứng kiến những hình ảnh nghĩa tình của người Hà Nội trong đại dịch. Các cấp hội mặt trận tổ quốc tham gia chốt kiểm soát, các tình nguyện viên đi hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, những bà mẹ, các chị, các cháu thiếu nhi với mô hình nghĩa tình mang tên “Chuyến xe 0 đồng” “Bếp ấm yêu thương”, rồi may áo tặng các y bác sĩ.

Cảm động, khi người Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội, những chuyến xe, chuyến hàng chuyên chở cứu trợ những vùng bị cách ly. Chống dịch như chống giặc, chúng ta đã chống dịch bằng mọi sự đoàn kết, thương yêu nhau, bằng sự vận dụng khoa học kĩ thuật hiện đại cùng với truyền thống văn hóa của Việt Nam với những giá trị cốt lõi là tình yêu thương, sẻ chia, gắn bó, tinh thần tương thân tương ái như anh em ruột thịt.

Hà Nội luôn vững vàng để xây dựng và phát triển kinh tế xã hội. Ảnh: Tuấn Trần

Tinh thần kiên cường đấu tranh kẻ thù xâm lược năm xưa, khí thế hào hùng của Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội lại được thể hiện và khẳng định trong cuộc chiến chống kẻ thù mới ở thế kỷ 21.

Tinh thần quyết chiến quyết thắng của chín năm kháng chiến chống pháp, khí thế và sức mạnh vô địch của ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954) đã giúp cho người dân Hà Nội nội vươn lên, đoàn kết cùng nhau tìm ra cách giành chiến thắng trong cuộc chiến mới.

Với tinh thần cảnh giác cao, không chủ quan thỏa mãn, quyết tâm vận dụng những thành tựu của khoa học công nghê, từ nhanh chóng tiêm chủng phòng ngừa, chủ động các nguồn thuốc uống tăng cường sau khi tiêm, chúng ta tin tưởng dịch COVID -19 sẽ nhanh chóng bị đẩy lui, đi đến hạn chế và bị vô hiệu hóa.

Thủ đô Hà Nội sẽ sớm lại trở lai thanh bình như xưa, mùa thu này sẽ đẹp đẽ và tràn đầy hy vọng, trở thành dấu mốc lịch sử, tô thắm thêm truyền thống dũng cảm, kiên cường của thủ đô trong mọi hoàn cảnh.

 PGS.TS Phạm Ngọc Trung

Giảng viên cao cấp ngành Văn hóa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Top