Phát huy vai trò của HTX trong sản xuất an toàn thực phẩm

18/07/2024 6:15 PM

(Chinhphu.vn) - Sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn là một xu hướng tất yếu và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cộng đồng cũng như sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp. Tuy nhiên để đạt được điều đó thì cần có sự chung tay của nhiều bên liên quan từ nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, nông dân đến người tiêu dùng.

Phát huy vai trò của HTX trong sản xuất an toàn thực phẩm- Ảnh 1.

HTX nông sản an toàn và dịch vụ thương mại Đông Xuân, huyện Quốc Oai có nhiều thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp sạch, với các sản phẩm: rau củ, quả, chăn nuôi... Ảnh: VGP/TT.

Theo ông Hà Tiến Nghi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội, hiện nay quy mô sản xuất nông nghiệp của Hà Nội thuộc tốp đầu cả nước. Sản lượng 6 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 950 nghìn tấn lúa, 20 nghìn ha rau, củ; hơn 1 triệu tấn lương thực; đàn lợn 1,4 triệu con, đàn gia cầm đạt 40 triệu con (đứng đầu cả nước)....

Hà Nội đã xây dựng phát triển 159 chuỗi sản xuất, chế biến, cung ứng sản phẩm an toàn. Các chuỗi đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tích cực hưởng ứng tham gia. Nhiều chuỗi được tổ chức khép kín từ khâu sản xuất đến khâu phân phối tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các thương hiệu sản phẩm mạnh trên thị trường như: HTX Hoàng Long, thịt lợn Oganic Green, trứng gà Công ty CP Tiên Viên, nấm công ty Kinoko Thanh Cao,… Qua đó góp phần cung ứng nguồn lương thực, thực phẩm bảo đảm an toàn, rõ truy xuất nguồn gốc xuất xứ cho người tiêu dùng Thủ đô.

Bà Nguyễn Thị Lợi, Hợp tác xã nông sản và dịch vụ thương mại Đông Xuân, huyện Quốc Oai cho biết, tuy HTX mới ra mắt vào tháng 5/2024, với 7 thành viên, trong đó 3 thành viên nữ. Nhưng HTX đã trở thành mô hình kinh tế tập thể gắn kết được số đông là người dân tộc thiểu số của huyện Quốc Oai. Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm sạch từ thịt gà, thịt lợn, rau củ quả… gắn với dịch vụ du lịch sinh thái trải nghiệm bản địa.

HTX có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, tuy là một xã miền núi nhưng đất đai rộng, người dân có thu nhập chính từ trồng trọt và chăn nuôi nên nguồn cung cấp thực phẩm nông sản luôn dồi dào, đa dạng, sẵn có. Bên cạnh đó, các sáng lập viên của hợp tác xã đều có mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, các trang trại nuôi gà thả đồi, nuôi lợn rừng, lợn sạch, trồng rau nuôi cá và các thành viên đều chăn nuôi và sản xuất tại hộ gia đình.

Điểm đặc biệt là Đông Xuân được quy hoạch là xã phát triển các điểm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, xã có nhiều điểm du lịch nghỉ dưỡng. Vì vậy các sản phẩm nông sản của địa phương được tiêu thụ chính phục vụ khách du lịch. Đồng thời là địa chỉ tin cậy để cung cấp các mặt hàng nông sản, thực phẩm cho các homestay, khách du lịch, và nhu cầu của người dân tại địa phương.

Tuy nhiên do mới thành lập và các thành viên trong hợp tác xã tập trung chủ yếu là hội viên phụ nữ vùng dân tộc thiểu số nên còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình vận hành, quản lý cũng như kinh nghiệm thúc đẩy thương hiệu, giá trị tài nguyên bản địa sẵn có tại địa phương. Ngoài ra, quy mô sản xuất còn nhỏ, chưa có nguồn vốn và định hướng về đầu tư trang thiết bị máy móc trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm cũng như quy mô nhà xưởng để nâng cao quy mô sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo đó, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển, hợp tác xã rất cần có sự quan tâm hỗ trợ về mặt chủ trương, chính sách, đặc biệt là được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về vay vốn ưu đãi, máy móc, trang thiết bị, địa điểm để mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh giúp hợp tác xã nông sản và dịch vụ thương mại Đông Xuân phát huy thế mạnh, khẳng định vai trò người đứng đầu doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Đặc biệt có nhiều chính sách, hỗ trợ cho các mô hình hợp tác xã do nữ dân tộc thiểu số tham gia quản lý, điều hành.

Theo bà Nguyễn Thị Lợi, các hợp tác xã cần có nhiều cơ hội liên kết với nhau để tăng cường công tác điều tra nghiên cứu nhu cầu thị trường; xây dựng chiến lược sản phẩm; liên kết với các trang thương mại điện tử có uy tín để quảng bá, tiến hành hình thức phân phối sản phẩm. Tự thiết kế kênh phân phối riêng hoặc liên kết với một số hợp tác xã, doanh nghiệp khác thiết kế kênh phân phối cho riêng nhóm; sử dụng trung gian thương mại nhưng hạn chế tối đa việc sử dụng thương lái. Chú trọng đến hoạt động thương mại điện tử, quảng cáo, xúc tiến bán hàng...; lựa chọn thị trường mục tiêu, định vị thương hiệu sản phẩm, tạo bản sắc thương hiệu cho sản phẩm địa phương.

Huy động, bổ sung vốn bằng cách kêu gọi thành viên tăng vốn góp, huy động vốn nhàn rỗi của thành viên, kết nạp thành viên mới...; tiếp cận với nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng với một phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, khả thi, chi tiết, cụ thể cùng sự minh bạch rõ ràng, chặt chẽ trong cơ chế quản lý tài chính của hợp tác xã. Tìm kiếm nguồn nguyên, vật liệu đầu vào, các nhà cung ứng; phát triển liên kết chuỗi với các nhà cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào; xác định lượng nguyên, vật liệu dự trữ; ký kết hợp đồng mua sắm nguyên, vật liệu đầu vào với các nhà cung cấp; liên kết chặt chẽ với các nhà cung ứng công nghệ, thiết bị đầu vào cho hợp tác xã trong chuỗi giá trị sản phẩm.

Thiện Tâm

Top