Phát triển bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại

17/12/2021 11:06 AM

(Chinhphu.vn) - Hội thảo “Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thông minh và hiện đại” sẽ giúp TP. Hà Nội nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị; đề xuất nội dung, phương thức, giải pháp giải quyết những thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị, bảo đảm tính bền vững.

Sáng 17/12, TP. Hà Nội và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo “Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thông minh và hiện đại”.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Gia Huy

Phát triển theo hướng đô thị thông minh và có bản sắc riêng

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, hội thảo là dịp rất quan trọng để Hà Nội làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển Hà Nội theo hướng “xanh - thông minh - hiện đại”, phát triển đô thị nhanh và bền vững trong bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước. Bên cạnh đó nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị; đề xuất nội dung, phương thức, giải pháp giải quyết những thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị, nhất là sự gia tăng về dân số cơ học, bảo đảm tính bền vững của quá trình phát triển.

Là một trong hai đô thị lớn, đặc biệt của Việt Nam, Hà Nội cũng gặp phải những vấn đề phát sinh do tốc độ đô thị hoá quá nhanh, do đó, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố đã xác định mục tiêu: Đến năm 2025, Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại” trên cơ sở phát huy các lợi thế, tiềm năng của Thủ đô.

Để đạt mục tiêu, Thành phố có những bước tiến trong quản lý, tạo nền tảng vững chắc; phát triển và hoàn thiện chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền thông minh thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, tạo đột phá trong cải cách hành chính, tăng tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức khi thực hiện thủ tục, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập.

Năm 2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Hà Nội đạt 100%, là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng các thủ tục hành chính cung ứng mức độ 3, 4; đã tích hợp 444 dịch vụ công trực tuyến của Thành phố lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo lộ trình của Chính phủ; hiện Thành phố đang tiếp tục yêu cầu rà soát và đề xuất các thủ tục hành chính đáp ứng đủ yêu cầu điều kiện cung cấp dịch vụ công mức độ 4 đạt tỷ lệ 100% trong năm 2021.

Hà Nội tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ vào giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị, tạo các thành tố vững chắc xây dựng thành phố thông minh, nhất là trong lĩnh vực giao thông (như xử lý vi phạm, phân tích, điều khiển giao thông tự động qua hệ thống camera, quản lý đỗ xe qua ứng dụng iParking, số hoá dữ liệu cấp bằng lái xe,…); trong lĩnh vực y tế (như triển khai phần mềm quản lý hồ sơ người bệnh bằng bệnh án điện tử, quản lý viện phí, quản lý dược, quản lý xét nghiệm, kê đơn thuốc và điều trị ngoại trú, áp dụng mã vạch QR code, thẻ từ trong việc xác định người bệnh, triển khai ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”…); trong lĩnh vực giáo dục (dạy và học trực tuyến), trong lĩnh vực quản lý thuế và nhiều lĩnh vực khác.

Có thể thấy, những năm qua, Hà Nội đã hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh, sở hữu những cơ hội lớn để phát triển đô thị xanh, thông minh bền vững, vận hành hiệu quả bằng công nghệ và hài hòa với môi trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Hà Nội cũng nhận thức rõ vẫn còn những tồn tại, hạn chế và thách thức: Công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Năm 2020, Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của Hà Nội xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố, giảm 6 bậc sau 3 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019).

Nguồn nhân lực chất lượng cao đủ năng lực đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) vẫn còn thiếu. Cơ sở vật chất phục vụ giáo dục - đào tạo ở những khu vực mật độ dân số cao, đô thị hóa nhanh còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Quy mô, mật độ và tốc độ gia tăng dân số đô thị của Thành phố diễn ra nhanh gây ra những áp lực không nhỏ trong giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và quản lý quy hoạch, quản lý dân cư, quản lý đất đai; hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được so với tốc độ đô thị hóa…

Theo bà Nguyễn Thị Tuyến, ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hoá, phát triển Thủ đô “xanh, thông minh, hiện đại” là hướng đi đúng đắn, tất yếu cho sự phát triển bền vững không chỉ của Hà Nội mà của nhiều thành phố khác trên thế giới.

Tuy nhiên, việc triển khai hướng đi trên lại theo những cách thức khác nhau tùy thuộc vào nguồn lực, chính sách, mục tiêu, và phạm vi cụ thể của mỗi thành phố. Mặt khác, đô thị xanh, thông minh ở Hà Nội dù có tiệm cận với tiêu chí chung của đô thị thông minh hiện đại trên thế giới vẫn cần phải có bản sắc riêng, đặc trưng riêng của Hà Nội.

Hội thảo “Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thông minh và hiện đại” - Ảnh: Gia Huy

Cần thực hiện nhiều mục tiêu để phát triển đô thị “thông minh - xanh - bền vững”

Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu ý kiến đánh giá những lợi thế, tiềm năng, kết quả đã đạt được trong phát triển đô thị Hà Nội. Làm rõ các mối quan hệ cơ bản trong quản lý phát triển nhanh, bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh và hiện đại nhằm giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong phát triển bền vững, xây dựng và quản lý đô thị đồng bộ.

Tại hội thảo, PGS. TS Lưu Đức Cường, Viện trưởng Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng) đánh giá, trong những năm qua, công tác quy hoạch và phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, kỷ cương xã hội được tăng cường.

Để Hà Nội thực hiện được mục tiêu phát triển đô thị “thông minh - xanh - bền vững”, mô hình phát triển thành phố thông minh của Hà Nội phải hướng đến các mục tiêu, như là đô thị đáng sống, Hà Nội trước hết phải là đô thị sống tốt, chất lượng sống đô thị luôn được cải thiện về mọi mặt, hướng tới phục vụ người dân.

Đó là Hà Nội là đô thị kết nối (có hệ thống giao thông thuận lợi, thông minh, kết cấu hạ tầng thông tin đô thị được chia sẻ, kết nối trong hệ thống các đô thị bảo đảm thuận lợi cho điều hành quản lý đô thị; thuận lợi cho sự phát triển các ứng dụng thông minh; thuận lợi cho cộng đồng sử dụng...); Hà Nội là đô thị cạnh tranh (trong đó ưu tiên phát triển kinh tế thông minh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp).

Hà Nội là đô thị hiện đại và có bản sắc (thể hiện ở việc giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của đô thị như giao thông, môi trường, giáo dục, y tế... bằng những công nghệ thông minh, đồng thời cũng có cư dân thông minh, năng động, biết giữ gìn bản sắc văn hóa, lối sống của Thủ đô); Hà Nội là đô thị thích ứng (nâng cao khả năng chống chịu với các tác động của các hoạt phát triển cũng như ô nhiễm môi trường, các cú sốc từ bên ngoài bằng việc cải thiện các điều kiện kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng hoảng...).

Từ kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh của một số thủ đô các nước Châu Âu, PGS.TS Phạm Minh Anh, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho rằng, Hà Nội cần tập trung quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, bảo mật cao bảo đảm tạo ra không gian số có mạng lưới chia sẻ thông tin rộng khắp, có khả năng kết nối ở tốc độ cao và tương tác, trải nghiệm liền mạch, đáp ứng nhu cầu quản lý, sản xuất, học tập và cuộc sống.

PGS.TS Phạm Minh Anh nêu, mục tiêu xây dựng đô thị thông minh là của cư dân, do cư dân và vì cư dân Thủ đô. Đô thị thông minh phải có cư dân và nhà quản lý thông minh. Do đó, Thành phố cần tập trung xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích của đô thị thông minh, nâng cao năng lực ứng dụng và quản lý chính quyền số, kinh tế số, xã hội số dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng như mọi người dân bằng nhiều hình thức khác nhau.

Thành phố cần có chiến lược, kế hoạch xây dựng đô thị thông minh theo từng giai đoạn với mục tiêu rõ ràng, các dự án thực hiện có trọng tâm trọng điểm và tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư.

Gia Huy

Top