Phát triển bưởi Diễn thành cây ăn quả chủ lực
(Chinhphu.vn) - Do có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển trồng bưởi nên trong thời gian qua, Hà Nội đã đưa ra nhiều biện pháp để phát triển sản xuất và tiêu thụ loại quả này. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế thu được từ trồng bưởi cao gấp nhiều lần so với các cây khác, nhất là cây bưởi Diễn, góp phần nâng cao đời sống cho bà con nông dân.
Giống bưởi diễn xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ mang lại thu nhập cao cho nông dân. Ảnh: Tú Mai |
Nội dung trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết mô hình và các giải pháp phát triển cây bưởi Diễn Hà Nội, giai đoạn 2012-2016, diễn ra vào ngày 1/12.
Bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho biết, bưởi là một trong những cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao. Trong đó hiệu quả kinh tế thu được từ trồng bưởi Diễn cho thu nhập 400-500 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với các cây trồng khác.
Hiện nay Hà Nội có hơn 2,7 nghìn ha bưởi và được trồng tập trung tại huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức. Riêng huyện Hoài Đức trồng nhiều giống bưởi khác nhau nên luôn cho năng suất đạt ở mức cao từ 20-22 tạ/ha và ổn định qua các năm, đặc biệt là giống bưởi Diễn tôm vàng. Do bưởi có thời gian thu hoạch dài từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau nên đáp ứng yêu cầu rải vụ và tiêu thụ quả. Sản lượng bưởi hàng năm đạt khoảng 40 nghìn tấn.
Theo đánh giá của bà Hòa, có thể thấy qua 6 năm (2011-2016), thông qua việc triển khai mô hình điểm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã mở rộng được 717ha thâm canh, trồng mới, chăm sóc cây bưởi trên địa bàn Thành phố. Đồng thời các mô hình tăng đều qua các năm, đặc biệt năm 2016 năng suất dự kiến đạt 20 tấn/ha/năm, tăng so với năm 2015 là 5 tấn/ha/năm. Hiệu quả kinh tế năm 2016 đạt 328 triệu đồng/ha/năm, tăng so với năm 2010 là 248 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh đó đã thay đổi được tư tưởng sản xuất có tính tự cung tự cấp, chuyển đổi sang sản xuất có tính hàng hóa, hướng tới xuất khẩu. Việc triển khai mô hình tại các địa phương đã góp phần nâng cao kiến thức về sản xuất, thâm canh bưởi theo VietGAP cho cán bộ, nông dân. Và tạo thêm việc làm mới, góp phần nâng cao thu nhập đời sống cho nông dân.
Mặt khác, do trong những năm qua quá trình đô thị hóa nên tại các vùng sản xuất bưởi truyền thống diện tích ngày càng bị thu hẹp. Qua việc triển khai đề án phát triển sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao đã tạo đà cho phát triển các vùng bưởi khác. Cán bộ và nông dân được đào tạo, tập huấn, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nên năng suất và sản lượng bưởi vẫn không ngừng tăng cao.
Tuy nhiên, phần lớn bưởi của Hà Nội không qua sơ chế, đóng gói nhãn mác và sản phẩm bưởi chủ yếu là do nông dân tự tiêu thụ thông qua tư thương nên giá thành bấp bênh. Vì vậy, trong giai đoạn 2016-2020, Trung tâm phát triển cây trồng sẽ phối hợp với các huyện, địa phương quy hoach, phát triển vùng trồng mới. Đồng thời xây dựng nên các vùng sản xuất bưởi an toàn, bền vững. Phấn đấu đến năm 2020 tổng diện tích sản xuất bưởi toàn Thành phố đạt trên 3 nghìn ha.
Đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật đồng bộ hóa, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất bưởi. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về quản lý, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế, bảo quản, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm. Đặc biệt, phát triển bưởi diễn là giống cây ăn quả chủ lực của thành phố, trồng xen 2-3 giống bưởi khác loại tại vườn bưởi Diễn tôm vàng, phát triển đa dạng hóa giống bưởi.
Tú Mai