Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cần thêm chính sách ‘Luật hóa’

24/04/2023 3:15 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua TP. Hà Nội đã triển khai hàng loạt chính sách, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp hỗ trợ mạnh mẽ hơn, vấn đề đầu tiên và hết sức quan trọng là cần sớm xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ…

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cần thêm chính sách ‘Luật hóa’ - Ảnh 1.

Sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: VGP/LN

Nhiều chính sách hỗ trợ

Đến thời điểm này, toàn TP. Hà Nội có khoảng 900 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có gần 300 doanh nghiệp đã có những sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố liên tục tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng, lĩnh vực, tập trung vào 3 nhóm ngành nghề: Sản xuất linh kiện, phụ tùng; sản phẩm phục vụ ngành dệt may - da giày; sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo.

Trong đó, sản xuất linh kiện, phụ tùng là nhóm chủ chốt, cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho hầu hết các ngành công nghiệp chế tạo chủ lực như sản xuất ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo, điện-điện tử. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Cùng với đó, Hà Nội cũng tổ chức các hội chợ công nghiệp hỗ trợ với sự tham gia của doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố, cũng như doanh nghiệp nước ngoài; tăng cường các hoạt động quảng bá, kết nối giao thương trực tuyến, ứng dụng công nghệ thực tế ảo; hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm (bao gồm cả chuyển đổi số), thuê chuyên gia nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực. Thành phố cũng xây dựng website về công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội, trong đó cung cấp các nội dung liên quan, thông tin, dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ…

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân cho biết, tuy gặp nhiều khó khăn sau dịch COVID-19, song các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội đã chủ động chuyển đổi mô hình, thay đổi chiến lược, ứng phó linh hoạt, nhanh chóng phục hồi khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.

Thực tế có nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn chuyển đổi số, liên kết với các đối tác đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất. Đồng thời, các đơn vị cũng tìm kiếm những khoản vốn vay ưu đãi để mua sắm máy móc thiết bị, đầu tư dự án nhà máy mới, tăng cường sản xuất đón đầu nhu cầu thị trường dự báo sẽ tăng trưởng trong thời gian tới. Đơn cử như các doanh nghiệp thành viên hiệp hội như TOMECO, PMTT Group, HIKARI P&T, INDEMA, ốc vít Brother, Trí Cường, cơ khí Hà Nội CNC… đã duy trì được sự tăng trưởng, thực hiện có hiệu quả các đơn hàng cung ứng sản phẩm ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cần sớm ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ

Hà Nội phấn đấu trong thời gian tới có khoảng 920 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó có trên 300 doanh nghiệp có tỉ trọng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được tiêu chuẩn của quốc tế. Đồng thời đặt mục tiêu tỉ trọng của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 16% trong tỉ trọng phát triển công nghiệp chung của TP.Hà Nội.

Để đạt được mục tiêu đề ra, TP. Hà Nội sẽ kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; xây dựng và công bố thông tin về công nghiệp hỗ trợ hằng năm;...

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, với định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đưa Hà Nội trở thành Thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, Thành phố cũng đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan, các hội, hiệp hội… trên địa bàn triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

"Chúng tôi rất kỳ vọng Chính phủ sẽ trình Quốc hội sớm ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ, trong đó có những chính sách cụ thể cho ngành công nghiệp hỗ trợ để từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Đặc biệt là tạo các cơ chế chính sách về vốn, khoa học công nghệ, tiếp cận mặt bằng, giao thương quốc tế, tham gia các hội chợ thường niên để các doanh nghiệp Việt Nam có thể thường xuyên được kết nối, trao đổi thông tin. Từ đó, các doanh nghiệp có thể gặp gỡ, trao đổi, xúc tiến thương mại qua các kênh online, offline", bà Trần Thị Phương Lan chia sẻ.

Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có thể nâng cao sức cạnh tranh, cần tạo mặt bằng phát triển các khu, cụm công nghiệp để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào đầu tư.

Đồng thời, kết nối doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng trong nước và quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại…

Diệu Anh

Top