Phát triển công nghiệp văn hóa: Tạo ‘cú hích’ từ sự chung tay

04/11/2021 5:33 PM

(Chinhphu.vn) - Dù không ngừng phát triển trên nền tảng rất phong phú, đồ sộ của nghìn năm văn hiến nhưng trước yêu cầu, bối cảnh của thời đại mới, công nghiệp văn hóa Hà Nội vẫn cần phải có những “cú hích” mà sự vào cuộc của toàn thể các ngành chức năng và nhân dân Thủ đô chính là điều kiện tiên quyết cho sự thành công này.

Biểu diễn múa rối nước tại Hoàng thành Thăng Long

Hà Nội có gần 6.000 di tích lịch sử, văn hóa; 1.350 làng nghề và làng có nghề; là nơi hội tụ đông đảo các chủ thể sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp cao... Ngay từ những năm 90 của thế kỷ XX, bắt đầu xuất hiện nhận thức về lao động sáng tạo văn hóa - nghệ thuật, coi đó là một loại lao động đặc biệt và bắt đầu tìm tòi nhiều phương thức mới nhằm phát triển văn hóa, nghệ thuật trong điều kiện kinh tế thị trường.

Những hạ tầng cơ sở cho sự phát triển công nghiệp văn hóa tại Hà Nội vẫn có thể được nhìn thấy trong nhiều công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời, như Hoàng Thành Thăng Long hay các công trình kiến trúc đa dạng như Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam... Ngày nay, sự đa dạng đó vẫn hiện diện trong các công trình kiến trúc, các không gian công cộng và không gian sáng tạo mới của Hà Nội.

Sự đa dạng của các sản phẩm thủ công, như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái và những sản phẩm của sự sáng tạo đã có mặt ở khắp nơi trong thành phố. Đây chính là nhân tố quan trọng tạo nên bản sắc riêng có của Hà Nội trong cách thành phố lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai dựa trên phát huy nguồn tài nguyên văn hóa thành sức lớn mạnh của các ngành công nghiệp văn hóa.

Nhiều năm qua, Hà Nội đã chủ trương ban hành nhiều chính sách tích cực nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng như: Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến 2020, định hướng đến 2030; Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo; Đề án đánh giá, đề xuất các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Kế hoạch của UBND Thành phố thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển làng nghề truyền thống (Bát Tràng, Vạn Phúc…);…

Trong quá trình thực thi chính sách phát triển, Hà Nội luôn quan tâm, lắng nghe những ý tưởng, sáng kiến đóng góp để xây dựng, phát triển Thủ đô từ các chuyên gia trong nước và quốc tế thông qua việc tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm tham vấn; tổ chức, phối hợp tổ chức thành công nhiều lễ hội, sự kiện quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo; phát triển các không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật cộng đồng đem lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế…

Hiện, Thành ủy Hà Nội tiếp tục xây dựng và triển khai Chương trình 06-Ctr/TU của Thành ủy về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Thành phố xác định một nhiệm vụ trọng tâm là từng bước phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội. Đồng thời quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" làm cơ sở pháp lý và tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển văn hóa nói chung, các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng.

TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, Thế mạnh của Hà Nội để phát triển công nghiệp văn hóa chính là “vốn” di sản văn hóa vừa giàu có, vừa đa dạng. Hà Nội còn là nơi tập trung nhiều người tài giỏi, sáng tạo, đặc biệt là nhiều nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hà Nội cũng sẽ trở thành miền đất, thị trường lý tưởng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đồng thời, Thủ đô đã bước đầu có những cơ chế chính sách thuận lợi cho việc sáng tạo các sản phẩm văn hóa, quan tâm đến đầu tư cho di sản văn hóa - tiềm năng của công nghiệp văn hóa.

Theo quan điểm của Hà Nội, phát triển công nghiệp văn hóa chính là con đường để văn hóa thủ đô Hà Nội tham gia cạnh tranh trên thị trường văn hóa quốc tế, tăng cường sức mạnh tổng hợp nội sinh của đất nước. Đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là ưu tiên hàng đầu, là bộ phận quan trọng cấu thành nền kinh tế. Thông qua chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Hà Nội từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật về văn hóa.

Chia sẻ về lý do Hà Nội lựa chọn xây dựng Nghị quyết về công nghiệp văn hóa trong nhiệm kỳ này, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, Hà Nội có tiềm năng thế mạnh về văn hóa mà không địa phương nào có được. Trong quá trình vận động, phát triển, Hà Nội cũng luôn xác định bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Việc tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước tiến đưa Hà Nội đồng hành cùng nhân loại trong lĩnh vực văn hóa. Nếu tập trung, Thành phố sẽ vừa phát huy được giá trị truyền thống của Thủ đô, vừa tiếp cận được các giá trị của nhân loại.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Hà Nội rất quan tâm tới vấn đề văn hóa tổng thể, phát triển kinh tế đi liền với bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống. Hà Nội đã xin ý kiến của 4 nhóm đối tượng trong lĩnh vực này, qua đó làm rõ cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế, tiềm năng, lợi thế của Hà Nội hiện nay.

Trong đó, Thành phố cần phải nhận thức doanh nghiệp, nghệ sĩ, nghệ nhân, quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo trong phát triển công nghiệp văn hóa; Nhà nước phải tạo ra những điều kiện hạ tầng cơ bản để thúc đẩy văn hoá phát triển; xã hội hóa đầu tư cho phát triển công nghiệp văn hóa.

Hiện, Thành phố đang hoàn thiện, bổ sung cụ thể nhiệm vụ thực hiện gắn với lộ trình nhất định, có điểm nhấn và tính khả thi, tiến tới mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa là góp phần bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long và phát triển con người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Thành Nam

Top