Phát triển công nghiệp văn hóa xứng tầm với văn hóa, lịch sử xứ Đoài

09/12/2024 6:10 PM

(Chinhphu.vn) - Thị xã Sơn Tây (thành phố Hà Nội) là vùng đất "địa linh nhân kiệt", có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, có vị trí chiến lược về quân sự, quốc phòng, có lợi thế về giao thông và tiềm năng phát triển du lịch văn hóa.

Phát triển công nghiệp văn hóa xứng tầm với văn hóa, lịch sử xứ Đoài- Ảnh 1.

Ngôi nhà cổ 370 năm tuổi nguyên vẹn nhất ở xứ Đoài. Ảnh: VGP/Minh Anh

Các di sản văn hóa trên địa bàn thị xã Sơn Tây được đầu tư nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho các thế hệ trẻ và nhân dân; đồng thời tạo nên các sản phẩm văn hóa - du lịch tâm linh, văn hóa - du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn, mang đặc trưng riêng của vùng đá ong xứ Đoài - Sơn Tây, góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Nhiều thành tựu trong phát triển văn hóa

Trên địa bàn thị xã có 244 di tích, trong đó 80 di tích đã xếp hạng, 78 di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt, di tích làng cổ ở Đường Lâm là làng cổ đầu tiên của đất nước được công nhận là di tích cấp quốc gia, lễ hội đền Và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Có 99 đạo sắc phong được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận. Rặng duối cổ ở Đường Lâm và 85 cây lim cổ thụ ở đền Và được công nhận là cây di sản Việt Nam. Với hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú cùng với tiềm năng du lịch sinh thái trên địa bàn thị xã là một nguồn lực lớn, quan trọng, nguồn tài nguyên quý giá, là tiềm năng, thế mạnh để thị xã Sơn Tây phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng.

Thị xã đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, chương trình văn hóa đặc sắc, tạo nên những không gian văn hóa mới, lành mạnh, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài thị xã tham gia như: Khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài hằng năm, tổ chức tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, Kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, Trung thu Thành cổ, Lễ hội khinh khí cầu, Giải vật dân tộc tranh Cúp Phùng Hưng, Hội sách và văn hóa đọc; đăng cai tổ chức cuộc thi hoa hậu áo dài di sản Việt Nam... Xây dựng nhiều sản phẩm du lịch tại các điểm du lịch: Trải nghiệm làm nông nghiệp, làm gốm, vẽ tranh, ẩm thực cỗ sen, cơm quê tại các nhà cổ, cho thuê trang phục, xe đạp, chụp ảnh, homestay, đêm làng cổ…

Với những lợi thế vốn có đó, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, Thị xã Sơn Tây đang tích cực phát triển công nghiệp văn hóa, kết hợp với xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa. Đây là một định hướng chiến lược nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế của vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa.

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, Thị ủy Sơn Tây đã ban hành Chương trình số 22-CTr/TU ngày 31/3/2022, cùng với đó UBND Thị xã triển khai Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 17/2/2023 để thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội ngày 22/2/2022 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng đó, Thị xã tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 228-KH/TU ngày 4/9/2019, nhằm triển khai Đề án "Đánh giá, đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế" do Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành phố đề ra.

Đáng chú ý, UBND Thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo rà soát và hoàn thiện Kế hoạch số 277/KH-UBND ngày 19/6/2018 về "Triển khai chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thị xã Sơn Tây đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030".

Theo kế hoạch số 277/KH-UBND về Triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa thị xã Sơn Tây đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu biến du lịch văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn, thị xã Sơn Tây cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2045 bằng việc đề ra các chiến lược phát triển đồng bộ, trong đó lấy du lịch văn hóa làm trọng tâm.

Các kế hoạch phát triển được xây dựng dựa trên tiềm năng vốn có của địa phương có thể kể đến như: Đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng di tích lịch sử: Thành cổ Sơn Tây đang được phục dựng với tổng kinh phí gần 500 tỷ đồng. Dự án mở rộng Đền Và lên 30,5ha với kinh phí 533 tỷ đồng nhằm nâng tầm di tích này trở thành điểm nhấn của du lịch Sơn Tây. Khu di tích lăng Ngô Quyền - Phùng Hưng sẽ được mở rộng đến 100ha, với tổng đầu tư 1.400 tỷ đồng.

Tiếp đó là xây dựng hạ tầng văn hóa hiện đại với trung tâm hành chính mới của Thị xã được quy hoạch trên diện tích 6,5ha, tích hợp không gian văn hóa tuyến phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây. Phố đi bộ sẽ kết hợp kinh tế đêm, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, đồng thời bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Ngoài ra, thị xã sẽ tiến tới xây dựng thêm rạp chiếu phim, nhà hát biểu diễn nghệ thuật để nâng cao đời sống tinh thần của người dân và du khách.

Phát triển công nghiệp văn hóa xứng tầm với văn hóa, lịch sử xứ Đoài- Ảnh 2.

Show diễn "Về miền di sản" - nằm trong khuôn khổ các hoạt động của vòng sơ khảo Cuộc thi Hoa hậu Di sản Áo dài Việt Nam năm 2024 do Sơn Tây đăng cai tổ chức. Ảnh: VGP/Minh Anh

Kỳ vọng là trung tâm phát triển phía Tây Thủ đô 

Sơn Tây đặt mục tiêu đến năm 2025 thu hút 400.000 lượt khách du lịch, tăng lên 600.000 lượt vào năm 2030. Trong đó, làng cổ Đường Lâm phấn đấu đón 200.000 lượt khách mỗi năm, trở thành điểm đến nổi bật trong bản đồ du lịch văn hóa Việt Nam.

Để đạt được những con số ấn tượng này, thị xã chú trọng phát triển đa dạng các loại hình du lịch, một trong số đó phải kể đến du lịch văn hóa - lịch sử với các tour tham quan di tích lịch sử nổi bật như Thành cổ Sơn Tây, Chùa Mía, Đình Phùng Hưng, Lăng Ngô Quyền kết hợp trải nghiệm lễ hội truyền thống, thưởng thức nghệ thuật dân gian.

Du lịch sinh thái - cộng đồng đã khai thác thế mạnh tự nhiên với các điểm như hồ Đồng Mô, công viên Sông Tích, làng nghề truyền thống, tạo nên những chuyến đi gần gũi, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Du lịch nông nghiệp hướng tới phát triển các sản phẩm OCOP, trải nghiệm làm bánh tẻ, đồ thủ công mỹ nghệ và sinh hoạt văn hóa dân gian tại các làng quê.

Thị xã Sơn Tây cũng tập trung xây dựng thương hiệu du lịch bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kêu gọi đầu tư phát triển khách sạn, resort sinh thái hiện đại.

Phát triển công nghiệp văn hóa xứng tầm với văn hóa, lịch sử xứ Đoài- Ảnh 3.

Phố đi bộ đêm Thành cổ Sơn Tây trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn với du khách những năm gần đây. Ảnh: VGP/Minh Anh

Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra, thị xã Sơn Tây cũng nỗ lực tạo cơ chế và chính sách thúc đẩy đầu tư hiệu quả. Đặc biệt chú trọng thu hút các nguồn lực xã hội hóa thông qua các cơ chế khuyến khích đầu tư hấp dẫn như: Hỗ trợ về vốn, thuế và đất đai cho các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, văn hóa. Phát triển cơ chế hợp tác công - tư trong quản lý di sản, bảo tồn văn hóa, đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn và khai thác. Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Sơn Tây thông qua các sự kiện văn hóa, thể thao và hội chợ du lịch.

Một trong những điểm nhấn của Sơn Tây là sự kết hợp hài hòa giữa việc bảo tồn các giá trị truyền thống và ứng dụng công nghệ hiện đại. Thị xã cũng đang triển khai số hóa dữ liệu về các di tích, lễ hội, làng nghề nhằm phục vụ quản lý, quảng bá và nâng cao trải nghiệm du khách.

Với tiềm năng vốn có cùng định hướng phát triển bài bản, Sơn Tây đang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm du lịch văn hóa lớn của Hà Nội. Không chỉ giữ vai trò động lực phát triển kinh tế, ngành công nghiệp văn hóa và du lịch ở Sơn Tây còn góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống, mang bản sắc xứ Đoài đến gần hơn với bạn bè quốc tế./.

Năm 2023 vừa qua, du lịch thị xã Sơn Tây đã trở thành điểm sáng của du lịch Thủ đô bởi du khách đến với Thị xã ước đạt 1.175.000 lượt khách, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó 470.000 lượt khách đến Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; 450.000 lượt khách tham quan tại các di tích Làng cổ ở Đường Lâm, Văn Miếu Đường Lâm, Thành cổ, phố đi bộ Sơn Tây. Khách quốc tế đến thị xã trong năm 2023 ước đạt 22.400 lượt khách.

Minh Anh

Top