Phát triển cụm công nghiệp: Cần làm tốt công tác quy hoạch
(Chinhphu.vn) - Phát triển các cụm công nghiệp được coi là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội. Do đó, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ khởi công các dự án, Hà Nội cần làm tốt công tác quy hoạch và sớm ban hành quy chế quản lý các cụm công nghiệp trên địa bàn.
Thúc đẩy tiến độ các dự án
Theo Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội, đến năm 2030, thành phố sẽ có 159 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.204ha. Bên cạnh những cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động hiệu quả, Thành phố đang đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ khởi công những cụm công nghiệp mới để đáp ứng nhu cầu.
Cụm công nghiệp Võng Xuyên vừa được khởi công xây dựng tại huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội sau 2 năm nỗ lực thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng. Theo lãnh đạo Thành phố, trên địa bàn huyện Phúc Thọ hiện mới có 2 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích khoảng 10ha; do đó, việc hình thành thêm các cụm công nghiệp để thu hút doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh là hết sức cần thiết.
Trước đó, Cụm công nghiệp Đan Phượng - giai đoạn 2, nằm trên địa bàn xã Đan Phượng, do Công ty TNHH Xuân Phương làm chủ đầu tư, có quy mô 6,8ha, tổng mức đầu tư 188 tỷ đồng cũng đã được khởi công xây dựng. Dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan đồng bộ, hiện đại nhằm giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp trên địa bàn, ưu tiên thu hút các ngành nghề công nghiệp sạch, thân thiện môi trường. Chủ đầu tư cam kết hoàn thành dự án trong vòng 4 tháng.
Với diện tích chưa đến 130km2 nhưng địa bàn huyện Thường Tín có tới 126 làng nghề, trong đó có 48 làng được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, không gian làng xã dần trở nên chật hẹp, bí bách. Các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong các làng nghề ở huyện Thường Tín đang có nhu cầu rất lớn về mặt bằng. Bên cạnh đó, việc đưa các cơ sở này ra khỏi khu dân cư, tới khu vực tập trung cũng tạo thuận tiện cho quản lý và bảo vệ môi trường.
Vì vậy, ngay từ những năm 2000, huyện Thường Tín đã tập trung xây dựng các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề. Đến nay, huyện đã có 11 cụm công nghiệp hoạt động ổn định với diện tích hơn 195ha, tỷ lệ lấp đầy 100%, thu hút gần 1.000 cơ sở sản xuất đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài huyện, góp phần tăng thu nhập bình quân của người dân, đạt gần 100 triệu đồng/người/năm.
Đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết, địa bàn Thành phố hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686ha. Các cụm công nghiệp đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc về mặt bằng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo ra hàng nghìn việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội.
Tích cực tháo gỡ, tìm cơ chế để phát triển cụm công nghiệp
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian qua, Thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị, ban hành nhiều văn bản đốc thúc tiến độ, tháo gỡ những khó khăn nêu trên. Sở Công Thương cùng các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã liên quan và các chủ đầu tư đã tích cực phối hợp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục như tích cực đề xuất giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án có sử dụng từ 10ha đất trồng lúa trở lên.
Các đơn vị đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án, rút ngắn tối thiểu 50% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định, đồng thời, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục để khởi công các cụm công nghiệp theo tiến độ đã đăng ký với UBND Thành phố.
Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội vẫn còn rất chậm so với kế hoạch và yêu cầu. Việc thành lập các cụm công nghiệp mới gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do các quy định, thủ tục, giấy phép chồng chéo nhau, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực.
Để từng bước phát triển ngành công nghiệp, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định, thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND các huyện liên quan tháo gỡ khó khăn, đôn đốc hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với 6 cụm công nghiệp đã khởi công; khởi công, đầu tư hạ tầng kỹ thuật 38 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập.
Đồng thời, triển khai xây dựng Chương trình phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Đề án chiến lược phát triển Công nghiệp địa phương để phù hợp với chiến lược phát triển của Thành phố và của vùng.
Song song với đó, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố; thúc đẩy liên kết, hợp tác, tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố với các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng…
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng cho biết, các sở, ngành của Thành phố, chính quyền các địa phương đã cố gắng vào cuộc tích cực để xem xét, đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tìm khung pháp lý, các cơ chế, chính sách để triển khai. "Hà Nội đã vừa làm, vừa kiện toàn, thậm chí có nhiều điểm còn mới nhưng Thành phố vẫn cố gắng giải bài toán khó này và quyết tâm thực hiện", Phó Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Thùy Linh