Phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước: Kiên trì và bền bỉ
(Chinhphu.vn) - Sau 5 năm, số tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đã nâng lên trên 1.600 tổ chức, chất lượng hoạt động của tổ chức đảng được nâng lên rõ rệt đã chứng tỏ sự kiên trì, bền bỉ trong công tác vận động, tuyên truyền của các cấp ủy đảng trực thuộc TP. Hà Nội.
![]() |
Ảnh minh họa |
Nỗ lực vận động, tuyên truyền
Khó khăn trong công tác thành lập đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước được ông Trần Văn Khương, Bí thư huyện Thanh Trì cho biết, đa phần doanh nghiệp đóng trên địa bàn là doanh nghiệp nhỏ, phần lớn chủ doanh nghiệp cho rằng quan trọng là sản xuất kinh doanh tốt, tham gia đóng góp các phong trào của huyện là đủ; một số chủ doanh nghiệp khác thì e ngại việc thành lập tổ chức đảng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Mặt khác người lao động làm việc tại doanh nghiệp chủ yếu là để có thu nhập, việc làm, một bộ phận hay thay đổi nơi làm việc nên ít quan tâm đến các hoạt động chính trị xã hội.
Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, huyện Thanh Trì đã thành lập mới được 25 tổ chức đảng trong doanh nghiệp; kết nạp 52 đảng viên mới, trong đó có 4 đảng viên là chủ doanh nghiệp; thành lập được 41 tổ chức công đoàn cơ sở với trên 3.500 đoàn viên công đoàn, 25 tổ chức đoàn, hội thanh niên…
Ông Trần Văn Khương cho biết, thành lập được tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị huyện bằng nhiều biện pháp, nhiều cách làm và đặc biệt phải kiên trì, bền bỉ.
Việc thành lập được các tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước đã khó, việc duy trì và nâng cao chất lượng các tổ chức đảng lại là việc làm khó hơn. Như ở huyện Thanh Trì, 3 năm trước đây có nơi chủ doanh nghiệp là người nước ngoài không đồng tình cho thành lập tổ chức đảng, khi đồng ý cho thành lập tổ chức đảng thì không ủng hộ cho tổ chức đảng hoạt động, không cho chi bộ sinh hoạt trong giờ làm việc, không cho sinh hoạt trong doanh nghiệp.
“Trực tiếp dự sinh hoạt tại một số doanh nghiệp, chúng tôi thấy còn có cấp ủy, chi bộ trong doanh nghiệp không hiểu rõ mình lãnh đạo những điều gì, lãnh đạo như thế nào; trong sinh hoạt chi bộ, việc quán triệt chủ trương, chính sách mới của đảng, nhà nước không có thảo luận, trao đổi; việc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là tóm tắt, liệt kê những việc đã làm hoặc chỉ bàn về nhiệm vụ chuyên môn. Một số đảng viên coi sinh hoạt chi bộ chỉ đơn thuần là gặp gỡ, trao đổi công việc chuyên môn và đóng đảng phí…”, Bí thư huyện Thanh Trì cho biết.
Trước tình hình như trên, huyện Thanh Trì đã thực hiện tăng cường vận động, tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho chi ủy, nhất là Bí thư các chi bộ về chức năng, nhiệm vụ trong doanh nghiệp để các cấp ủy hiểu trong doanh nghiệp chi bộ lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ gì, cách lãnh đạo ra sao, việc gì cần chủ động thực hiện, việc gì cần phối hợp tuyên truyền vận động…
Huyện Thanh Trì đã cử cán bộ trực tiếp dự, hướng dẫn một số chi bộ thực hiện nội dung sinh hoạt chi bộ, tập trung hướng dẫn các cấp ủy xây dựng quy chế làm việc, quy chế phối hợp với chủ doanh nghiệp, quy định cụ thể về chế độ sinh hoạt định kỳ, trách nhiệm của cấp ủy, đảng viên, trách nhiệm của doanh nghiệp … nhất là phải duy trì bằng được nề nếp sinh hoạt chi bộ và nề nếp quản lý đảng viên. Mục tiêu đến 2020, huyện kết nạp thêm 100 đảng viên mới và thành lập thêm 20-25 chi bộ doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Đồng thời, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ doanh nghiệp với nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tuyên truyền vận động tạo sự thống nhất về nhận thức nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và chủ doanh nghiệp.
Đối với đảng ủy khối doanh nghiệp huyện Đông Anh, luôn bám sát, gần gũi với các doanh nghiệp, luôn ý thức là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với các doanh nghiệp trong khối là kinh nghiệm được ông Nguyễn Văn Thiều, Bí thư đảng ủy khối doanh nghiệp Đông Anh chia sẻ.
Đảng bộ khối doanh nghiệp Đông Anh là một trong những đảng bộ đầu tiên được thành lập trên địa bàn Hà Nội với mô hình tổ chức gọn nhẹ. Qua hơn 3 năm thành lập, Đảng bộ khối tập trung củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ, duy trì tốt nề nếp sinh hoạt chi bộ. Đảng bộ phát triển từ 19 chi bộ trực thuộc với 162 đảng viên, đến nay đã có 28 chi bộ trực thuộc với 250 đảng viên.
Đảng ủy khối đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, lắng nghe ý kiến khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn về đất đai, tín dụng, cải cách hành chính… giúp doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh. Qua thực tế, các đảng viên đánh giá tích cực với mô hình đảng bộ khối doanh nghiệp Đông Anh bởi nghị quyết chi bộ phù hợp và sát với thực tế doanh nghiệp, việc kết nạp đảng viên là người lao động cũng góp phần tích cực xây dựng gắn bó lâu dài giữa doanh nghiệp và người lao động, ý thức trách nhiệm, chất lượng lao động của đảng viên và người lao động tốt hơn và gương mẫu hơn trong thực hiện nhiệm vụ của doanh nghiệp.
Hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người lao động
Sau 5 năm thực hiện, Hà Nội đã thành lâp mới được 886/1.036 tổ chức đảng, đạt 85,5% kế hoạch đặt ra, nâng tổng số các tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước lên 1.637 tổ chức; phát triển được hơn 5.900 đảng viên mới (trong đó có 24 chủ doanh nghiệp tư nhân), nâng tổng số đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước lên trên 26 nghìn người.
Nhiều quận, huyện đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc thành lập tổ chức đảng trong các doanh nghiệp, như cử đảng viên có trình độ, năng lực, am hiểu tình hình doanh nghiệp đang sinh hoạt tại các phòng, ban, chuyên môn của đơn vị xuống sinh hoạt đảng cùng các đảng viên của doanh nghiệp để đủ điều kiện thành lập tổ chức Đảng và giúp các tổ chức Đảng hoạt động, phát triển đảng viên. Đã có trên 110 chi bộ được thành lập theo hình thức trên và hầu hết các chi bộ này hoạt động ổn định và phát triển được đảng viên.
TP. Hà Nội đã xác định, công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước cần phải được tăng cường, đẩy mạnh hơn và là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng hàng đầu thời gian tới. Mục tiêu đặt ra là tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước phải được đặt trong mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp và bảo đảm được hài hòa lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ doanh nghiệp, người lao động và thực hiện tốt chính sách xã hội.
Bên cạnh việc tập trung mọi biện pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển thì bằng các hình thức thích hợp, các tổ chức cơ sở đảng tiếp tục vận động để chủ doanh nghiệp nhận thức rõ chủ trương và lợi ích của việc thành lập tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp.
Gia Huy