Phát triển đô thị trên nền tảng kinh tế xanh

25/12/2021 11:15 AM

(Chinhphu.vn) - Nhiều quận tại Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển với định hướng phát triển đô thị xanh, bền vững, bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa, kết hợp hài hòa phát triển thông minh và hiện đại trên nhiều lĩnh vực, bảo đảm tính bền vững của quá trình xây dựng và phát triển đô thị.

Du lịch đã và đang là mũi nhọn phát triển kinh tế của quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Hòa An

Phát triển đô thị xanh - Xây dựng và tạo thương hiệu du lịch Hoàn Kiếm

Quận Hoàn Kiếm có bề dầy lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử 1.000 năm văn hiến của Thủ đô Hà Nội. Quận Hoàn Kiếm là một khu đô thị di sản được phân thành 4 khu vực, đó là: Khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, khu vực phố cổ, khu vực phố cũ (phố Pháp), khu vực ngoài đê sông Hồng, có 180 công trình di tích lịch sử, văn hóa và di tích cách mạng.

Trong lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị theo hướng thông minh, hiện đại, là quận trung tâm của Thủ đô, thời gian qua, Hoàn Kiếm đạt được nhiều thành tích nổi bật, quận năng động sáng tạo triển khai nhiều mô hình, cách làm mới có hiệu quả.

Theo Chủ tịch quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, du lịch đã và đang là mũi nhọn phát triển kinh tế của quận Hoàn Kiếm trong những năm trở lại đây. Vì vậy, trong kế hoạch phục hồi và phát triểu sau dịch bệnh, để du lịch tiếp tục là ngành mũi nhọn, quận Hoàn Kiếm tiếp tục đẩy mạnh phát triển với định hướng phát triển đô thị xanh, bền vững, bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa, kết hợp hài hòa phát triển thông minh và hiện đại.

Trong phát triển dịch vụ du lịch, quận tập trung đầu tư, tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả và phát huy thế mạnh không gian kiến trúc, giá trị văn hóa khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Đặc biệt, xây dựng và tạo thương hiệu du lịch Hoàn Kiếm qua việc phát triển các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, độc đáo, hấp dẫn, có tính chuyên nghiệp cao theo hướng du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (đầu tư lắp đặt bản đồ điện tử quận Hoàn Kiếm tại một số tuyến phố, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và khách du lịch nắm bắt thông tin). Đồng thời phát triển thị trường du lịch tiềm năng, đưa ra các giải pháp nâng cao mức chi tiêu, thời gian lưu trú của khách du lịch. Xây dựng du lịch quận Hoàn Kiếm phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có giá trị tăng trưởng cao.

Tại khu vực nội đô, quận chủ trương mở rộng không gian các phố đi bộ, khu ẩm thực Tống Duy Tân (ngõ Cấm Chỉ), chỉnh trang vườn hoa Diên hồng (vườn hoa Con cóc), vườn hoa Lý Thái Tổ, quảng trường Ngân hàng Nhà nước (quảng trường Nhà hát Lớn). Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ 50 Đào Duy Từ, Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm - số 2 phố Lê Thái Tổ; triển khai xây dựng trung tâm giao lưu văn hóa khu phố cũ tại số 49 Trần Hưng Đạo thành hệ thống các điểm quảng bá, kết nối, giao lưu văn hóa gắn liền để phát triển du lịch.

Để phát triển đô thị xanh, quận chuẩn bị nguồn lực (về con người, tài chính, đối tác...) để hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh thu hút người dân tham gia quản lý; thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện theo chủ trương của Thành phố và Chính phủ để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, xây dựng chính quyền điện tử. Lập Đề án tổng thể phát triển đô thị Hoàn Kiếm trở thành đô thị thông minh, phân rõ lộ trình thực hiện, song phải là quận đi đầu Thành phố trong lĩnh vực này nhằm đáp ứng các mục tiêu:

Về phát triển kinh tế, dựa trên tiềm năng, thế mạnh đặc thù của Hoàn Kiếm, quận mở rộng và phát triển kinh tế ban đêm theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả bền vững các không gian tuyến phố đi bộ xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, tuyến phố Hàng Đào - Hàng Giấy - chợ đêm Đồng Xuân và không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội.

Từng bước xây dựng hệ thống quản trị/quản lý đô thị thông minh như: Chuyển đổi số công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật; quản lý các công trình di tích lịch sử và công trình kiến trúc có giá trị; quản lý nhà ở và các công trình; quản lý giao thông tĩnh tìm điểm đỗ xe trống; quản lý xe đạp điện chia sẻ, xe tự hành; xử phạt nguội các vi phạm trật tự đô thị bằng hệ thống camera giám sát.

Quận cũng hướng đến hoàn thiện số hóa hệ thống thông tin quản lý đất đai, thực hiện đồng bộ quy trình cập nhật biến động về sử dụng đất liên thông từ quận đến phường trên hệ thống mạng nội bộ.

Quận Bắc Từ Liêm phấn đấu dịch vụ trở thành ngành có tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế. Ảnh: Hòa An

Từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đô thị du lịch

Nằm ở cửa ngõ Tây Bắc của khu vực trung tâm nội đô Hà Nội, theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên, quận có nhiều nguồn lực cơ bản để xây dựng, phát triển đô thị hiện đại trên nền tảng mô hình kinh tế xanh, bền vững. Đó là thuận lợi về hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch phát triển đô thị, điều kiện phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội.

Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Bắc Từ Liêm là một phần của đô thị trung tâm, nằm trong vùng xanh của Thành phố, khoảng 1/3 diện tích toàn quận nằm trong quy hoạch phân khu đô thị của thành phố Hà Nội. Đây là khu vực được định hướng phát triển trở thành một trong những khu trung tâm hành chính, văn hóa, thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng, giáo dục, thể thao, giải

Từ khi thành lập đến nay, kinh tế của quận luôn duy trì mức tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước. Cơ cấu giá trị sản xuất của quận giai đoạn 2015 - 2020 chuyển dịch đúng hướng. Năm 2015 cơ cấu ngành thương mại, dịch vụ chiếm tỷ lệ 21,9%, đến năm 2020, cơ cấu ngành thương mại, dịch vụ chiếm 30,3% tổng cơ cấu kinh tế trên địa bàn quận. Cơ cấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng năm 2015 chiếm tỷ lệ 74,9% đến năm 2020 tỷ lệ giảm xuống còn 68% tổng cơ cấu chung toàn quận.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuyên mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế, đô thị giai đoạn 2021 - 2025 là xây dựng và phát triển quận Bắc Từ Liêm là đô thị phát triển của thủ đô Hà Nội; có nền kinh tế - xã hội phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, góp phần cùng Hà Nội thực hiện thắng lợi mục tiêu: Xây dựng Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại.

Trên cơ sở các điều kiện thuận lợi, đồng thời chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức về quản lý phát triển đô thị, trong những năm tới quận Bắc Từ Liêm tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản như quyết tâm thực hiện mục tiêu bảo đảm hiệu quả, duy trì sự phát triển kinh tế ổn định, ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao và từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đô thị du lịch: Dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.

Cơ cấu về kinh tế của quận giai đoạn 2021 - 2025 được định hướng theo hướng phát triển thương mại - dịch vụ: Thúc đẩy tốc độ tăng trưởng ngành thương mại - dịch vụ, nâng cao chất lượng thương mại - dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, hiệu quả. Khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ tiện ích cao cấp tại các khu vực trung tâm, đô thị hiện đại; chủ động phát triển các loại dịch vụ dựa trên nền tảng văn hóa, lịch sử và đặc điểm, tiềm năng kinh tế - xã hội của quận; đẩy mạnh các hoạt động thương mại, xây dựng các tuyến phố đáp ứng các yêu cầu về văn minh thương mại, xây dựng hài hòa các chợ truyền thống kết hợp đan xen với xây dựng, phát triển các trung tâm thương mại. Ưu tiên phát triển các dịch vụ chất lượng cao trong giáo dục, thương mại, y tế, tài chính ngân hàng, du lịch, giải trí,...

Quận cũng đặt mục tiêu từng bước nâng tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ và đưa thương mại, dịch vụ trở thành ngành có tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của quận. Phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 tổng giá trị sản xuất thương mại dịch vụ bình quân trên địa bàn Quận đạt tốc độ tăng trưởng là 16 - 17%/năm. Trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025, quận Bắc Từ Liêm tập trung phát triển hài hoà, kết hợp giữa đô thị hiện đại và đô thị sinh thái.

Hoà An

Top