Phát triển du lịch sinh thái từ thế mạnh nông nghiệp

23/10/2022 8:42 AM

(Chinhphu.vn) - Với lợi thế phát triển nông nghiệp và cảnh quan môi trường nông thôn đa dạng, Hà Nội đã tận dụng tối đa hệ sinh thái tự nhiên cũng như bản sắc văn hóa để phát triển nền nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch.

Phát triển du lịch sinh thái từ thế mạnh nông nghiệp - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tiến Phong, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP. Hà Nội (áo kẻ xanh) thăm mô hình HTX nho và dâu tây Vĩnh Ngọc- Điểm du lịch nông nghiệp sinh thái trải nghiệp tại huyện Đông Anh. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê. Các mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch cho hiệu quả kinh tế cao, qua đó nâng cao đời sống người dân và tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn.

Điển hình như mô hình du lịch sinh thái - làng nghề ở xã Hồng Vân (huyện Thường Tín); trang trại Đồng quê (huyện Ba Vì); vườn sinh thái Phúc Thọ hoa bay (huyện Phúc Thọ)…

Theo ông Nguyễn Hải Đăng, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân (huyện Thường Tín), xã Hồng Vân nằm ở phía đông của huyện Thường Tín, cách trung tâm Hà Nội 18 km về phía Nam. Xã có diện tích tự nhiên là 4,2km2, dân số 6.112 người. Để phát triển du lịch nếu có sẵn danh lam thắng cảnh, di tích thì rất thuận lợi nhưng Hồng Vân phát triển du lịch dựa trên nền tảng sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó cộng với lợi thế nằm ở ven đô, vì vậy, các hoạt động về môi trường, sinh thái rất phù hợp với người dân ở khu vực nội thành về chơi, nghỉ dưỡng trong ngày.

Với lợi thế được phù sa sông Hồng bồi đắp, từ lâu nổi tiếng với nghề sinh vật cảnh, xã Hồng Vân cũng có 2 làng nghề hoa cây cảnh Xâm Xuyên và Cơ Giáo được công nhận là làng nghề sinh vật cảnh. Nhưng năm 2010, kinh tế trong nước gặp khó khăn, khách tìm đến mua cây cảnh ngày một ít, nghề trồng cây cảnh ở Hồng Vân vì đó cũng đã bị điêu đứng. Theo đó, Đảng ủy xã Hồng Vân đã chủ động tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, thường xuyên họp bàn, xin ý kiến lãnh đạo cấp trên để tìm hướng chuyển đổi mới cho địa phương và phát triển theo hướng phát triển dịch vụ trên đất nông nghiệp để đem lại hiệu quả cao hơn.

Nhờ vậy, đến năm 2017, các điểm du lịch trên địa bàn xã Hồng Vân đã đón 3,5 vạn lượt khách thăm quan, trong đó có 2 đoàn khách quốc tế. Đến tháng 11/2019, Hồng Vân đón gần 6 vạn lượt khách và môt số đoàn khách nước ngoài về thăm quan trải nghiệm, giá trị thu nhập ước đạt trên 6 tỷ đồng. Vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của địa phương. Nhưng ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, xã Hồng Vân đã tích cực chuẩn bị các điều kiện và sẵn sàng chào đón du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Ông Đăng cho biết thêm, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Hồng Vân cũng đã xác định mục tiêu phấn đấu cơ bản đưa xã trở thành xã "Du lịch - Sinh thái - Làng nghề". Trên cơ sở gìn giữ 2 làng nghề sinh vật cảnh đang có, xã định hướng người dân phát triển mô hình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh như trước đây chỉ trồng cây cảnh bạc tỷ thì hiện nay có thể chuyển sang làm những cây đơn giản, dân dã mà người có thu nhập trung bình cũng có thể chơi được.

Bên cạnh đó, yếu tố hạ tầng nông thôn cũng rất quan trọng cho du lịch sinh thái. Khi đã được đầu tư tốt về hạ tầng thì chính vùng chuyên canh hoa cây cảnh sẽ là một phần bổ trợ rất lớn cho các nhà vườn, các mô hình sinh thái lõi phát triển hiệu quả. Cùng với đó, việc quy hoạch trồng cây đặc trưng, đường đặt theo tên các loại cây đã tạo nên những điểm nhấn trên cánh đồng. Điển hình như đặt tên hoa là cả một tuyến phố rực một màu hoa đặc trưng như: Đường Hoàng Yến, Bằng lăng, hoa Ban, Phượng vĩ…

Xã Hồng Vân cũng khuyến khích Hợp tác xã Hoa cây cảnh Tùng Anh phát triển theo mô hình nông trại giáo dục, bàn giao một số dịch vụ du lịch cho Hợp tác xã Hoa cây cảnh Hồng Vân đầu tư thực hiện như dịch vụ vận chuyển xe điện… Trên cơ sở các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng du lịch, hợp tác xã đã phát huy vai trò trung tâm liên kết các mô hình để tạo thành các tuyến du lịch trải nghiệm ở trong và ngoài xã, tạo nên giá trị hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa trước đây.

Phát triển du lịch sinh thái từ thế mạnh nông nghiệp - Ảnh 2.

Các đại biểu Sở NN&PTNT, Sở Du lịch Hà Nội tham quan mô hình du lịch sinh thái - làng nghề tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Tuy nhiên, theo một số cơ sở phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện nay các cơ sở cũng gặp khó khăn khác về nguồn vốn đầu tư, hành lang pháp lý xây dựng mô hình hay vấn đề nhân lực, cơ sở hạ tầng… Nhất là việc chuyển một người nông dân thuần túy thành hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp là cả một quá trình, cần phải được đầu tư tập huấn để nâng cao chuyên môn, có như vậy mới giữ được chân du khách và thúc đẩy phát triển du lịch.

Để tháo gỡ khó khăn cho các mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, theo ông Ngọ Văn Ngôn - Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội, các địa phương cần lưu ý phải hoàn thành và tuân thủ quy hoạch nông thôn. Đặc biệt, không để các quy hoạch khác làm phá vỡ không gian sinh thái nông thôn, ảnh hưởng tới những mô hình đã và đang phát triển hiệu quả.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, trong giai đoạn 2022 - 2025, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng thí điểm các mô hình, gồm: Du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề... theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện: Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây.

Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ theo chu trình khép kín từ hỗ trợ về vốn, kỹ thuật sản xuất hữu cơ đến xây dựng, quảng bá mô hình hiệu quả. Với cách hỗ trợ hiệu quả này, thành phố sẽ có thêm động lực để hình thành nhiều hơn nữa các mô hình nông nghiệp sinh thái, đưa nông thôn Thủ đô trở thành những miền quê đáng sống, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Thiện Tâm

Top