Phát triển dược liệu quý từ y dược cổ truyền
(Chinhphu.vn) - Vốn có truyền thống phát triển cây dược liệu từ lâu đời, cùng với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, Hợp tác xã (HTX) thuốc Nam Ba Vì sau 4 năm thành lập đến nay đã phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ trong cả nước, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân trong vùng.
Cây dược liệu được coi là cây trồng mũi nhọn của ngành trồng trọt trong quá trình thực hiện tái cơ cấu bởi hiệu quả kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn. Ảnh: Thiện Tâm |
Chia sẻ với phóng viên, bà Lý Thị Mai Chủ tịch HTX Thuốc nam Ba Vì cho biết, xuất phát từ nghề làm thuốc nam chữa bệnh gia truyền của cha ông từ rất nhiều đời để lại, sau nhiều năm kế thừa và học tập, nâng cao chuyên môn tay nghề. Đặc biệt, nhằm mục đích phát triển bền vững vùng trồng dược liệu và nghề chữa bệnh từ thuốc nam, năm 2016 được sự đồng ý, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, gia đình bà Lý Thị Mai cùng một số hộ dân ở thôn Yên Sơn, xã Yên Bài huyện Ba Vì đã thành lập HTX Thuốc nam Ba Vì.
Trước khi thành lập, gia đình bà Mai chủ yếu phát triển nghề theo hình thức tự phát, với diện tích nhỏ lẻ, manh mún và thị trường tiêu thụ nhỏ hẹp ở một vài xã hay các huyện lân cận trong khu vực. Vườn dược liệu khi đó còn nghèo nàn với một số cây dược liệu truyền thống đi thu hái trên núi. Chính vì vậy thu nhập từ phát triển dược liệu thuốc nam cũng không cao, đôi khi còn bấp bênh do thị trường tiêu thụ chưa mở rộng, nhân dân Thủ đô và các tỉnh, thành chưa biết đến nhiều về tác dụng của thuốc nam Ba Vì.
Tuy nhiên, sau khi HTX được thành lập, diện tích trồng dược liệu đã được mở rộng lên hơn 2 ha, trước kia chỉ khoảng 2 ha. Cùng với đó là nhiều loại dược liệu cũng được triển khai trồng mới, chữa thêm nhiều bệnh hơn cho bà con trong vùng. Đặc biệt, từ khi HTX hình thành, nhiều bà con đã được tạo công ăn việc làm và có thu nhập ổn định từ 7,5 triệu đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Chị Lăng Thị Xuân công nhân HTX Thuốc nam Ba Vì ở thôn Yên Sơn, xã Yên Bài cho biết: Nhờ làm công nhân của HTX nên gia đình chị có nguồn thu ổn định, cuộc sống đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Việc cho con cái học hành hay trong gia đình có người ốm đau bệnh tật chị cũng có thể xoay sở, không phải đi xa về nội thành chữa trị mà tận dụng luôn nguồn dược liệu quý có tại HTX để chữa bệnh. Xung quanh là đồi núi, khí hậu mát mẻ quanh năm nên trong vùng hầu như khắp nơi đều là cây thuốc quý, được bà con trong vùng phát triển và kết hợp thành các vị thuốc gia truyền từ nhiều đời để lại.
Với những dược liệu trồng được và các dược liệu lấy trên rừng 100% tự nhiên, bà Lý Thị Mai đã bào chế ra những bài thuốc theo gia truyền giúp nhiều bệnh nhân chữa khỏi các bệnh, như bệnh đau xương khớp, dạ dày, trĩ, mất ngủ, đại tràng, viêm phế quản, viêm xoang, gan, thận, viêm gan B, sỏi thận, sỏi mật, tiểu đường… Không chỉ chữa bệnh cho bà con trong vùng, những thang thuốc, bài thuốc của bà Lý Thị Mai còn được đông đảo người dân của các tỉnh thành trong cả nước biết đến như Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên và được giới thiệu ra cả nước ngoài như Nhật Bản và một số nước.
Khi nguồn dược liệu trong tự nhiên cạn kiệt, khan hiếm, để chủ động nguồn dược liệu duy trì và phát triển nghề, nhiều gia đình người Dao huyện Ba Vì đã tham gia HTX để xây dựng và phát triển nguồn dược liệu cũng như bảo tồn và phát triển các bài thuốc nam quý báu ông cha để lại.
Theo thống kê, gần 100 vị thuốc quý của người Dao đã có mặt ngay trong những khu vườn tự canh tác tại huyện Ba Vì. Tại đây, một làng nghề thuốc Nam đã được công nhận, đưa bản người Dao thoát nghèo và làm giàu. Nhờ phát triển dược liệu, hiện mỗi hộ gia đình có thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Việc từ bỏ tập tục du canh, du cư cũng đã xóa bỏ tình trạng chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy.
Cây dược liệu được coi là cây trồng mũi nhọn của ngành trồng trọt trong quá trình thực hiện tái cơ cấu bởi hiệu quả kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn. Những năm gần đây, Hà Nội đã quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển cây dược liệu. Hiện Vườn quốc gia Ba Vì đang cùng chính quyền địa phương hướng dẫn bà con phát triển nghề đông y, xây dựng thương hiệu thuốc Nam của người Dao.
Thiện Tâm