Phát triển đường sắt đô thị: ‘Chìa khóa’ giảm ùn tắc giao thông

14/08/2024 1:29 PM

(Chinhphu.vn) - Ngoài tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội cũng đã thu hút lượng lớn người dân sau ít ngày vận hành thương mại. Điều này dần chứng minh đường sắt đô thị sẽ là “xương sống” của giao thông Thủ đô, “chìa khóa” góp phần giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội.

Phát triển đường sắt đô thị: ‘Chìa khóa’ giảm ùn tắc giao thông- Ảnh 1.

Đường sắt đô thị sẽ là “xương sống” của giao thông Thủ đô. Ảnh: VGP/DA

Tại Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 yêu cầu TP. Hà Nội cần đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị; phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị và các đường vành đai, các nút giao thông cửa ngõ, hệ thống cầu qua sông Hồng để mở rộng không gian phát triển, tăng cường khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông; quan tâm hệ thống giao thông kết nối vùng và quốc tế, bao gồm cả đường sắt, đường thuỷ, đường bộ, hàng không.

Phát triển hệ thống giao thông công cộng tích hợp giữa các loại hình xe đạp, xe buýt, đường sắt đô thị gắn với lộ trình, cơ chế, chính sách đột phá đối với chuyển đổi giao thông xanh. Đồng thời, giải quyết căn bản vấn đề về nước sạch, xử lý nước thải, xử lý dứt điểm vấn đề úng, ngập.

Nội dung liên quan tới xây dựng hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông tại Hà Nội được người dân và cử tri đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, giải bài toán giao thông đô thị, tránh tình trạng kẹt xe, ô nhiễm, môi trường được nhiều người nhắc đến. Đường sắt đô thị là một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia và Thành phố tính toán.

Theo các chuyên gia, việc đưa nhiều tuyến đường sắt đô thị vào hoạt động được coi là "chìa khoá" giải bài toán ùn tắc giao thông của Thủ đô. Điển hình, vừa qua, TP. Hà Nội đã đưa vào vận hành khai thác thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội với chiều dài 8,5km.

Theo thiết kế, đoạn tuyến trên cao của tuyến đường sắt đô thị này có 8 nhà ga gồm: Nhổn, Minh Khai, Phú Diễn, Cầu Diễn, Lê Đức Thọ, Đại học Quốc gia, Chùa Hà, Cầu Giấy. UBND TP. Hà Nội giao Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội làm đơn vị quản lý, vận hành. Thời gian khai thác, vận hành từ 5 giờ 30 đến 22 giờ hằng ngày.

Phát triển đường sắt đô thị: ‘Chìa khóa’ giảm ùn tắc giao thông- Ảnh 2.

Tàu điện Nhổn-Ga Hà Nội đã vận chuyển gần 100 nghìn lượt hành mỗi ngày. Ảnh: VGP/DA

Mặc dù khái niệm đường sắt đô thị đã không còn mới mẻ đối với người dân Thủ đô và hệ thống vận tải công cộng, tuy nhiên, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội vẫn gây ấn tượng mạnh mẽ, thu hút hàng nghìn người đã tới trải nghiệm dịch vụ tiện ích hiện đại; ngắm nhìn Hà Nội từ trên cao qua mỗi chuyến tàu.

Anh Lê Văn Thắng (Cầu Giấy, Hà Nội) thường di chuyển hằng ngày với lộ trình từ Cầu Giấy tới Kim Mã. Đây là lộ trình rất hợp lý để anh có thể đổi phương tiện đi làm bằng tàu điện thay xe máy. Anh Thắng chia sẻ: "Nay là buổi đầu tiên tôi trải nghiệm tàu, tàu rất khang trang, hiện đại, chạy ổn định và đón khách rất lịch sự, hợp lý, an toàn…Tuyến đường sẽ giúp tôi cũng như nhiều người dân có thể đi lại thuận tiện hơn, tiết kiệm thời gian đi làm và góp phần giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường".

Với tâm trạng phấn khởi, em Nguyễn Thị Hương (sinh viên Trường Đại học Thương Mại) cho biết, cá nhân em và các bạn sinh viên trong trường đã chờ tuyến tàu điện này từ năm đầu, nhưng đến nay là sinh viên năm 4 mới được đi thay thế xe cá nhân. "Chắc chắn em sẽ sử dụng vé tháng để di chuyển vì ước tính quãng thời gian di chuyển tới trường của em giảm được 30 phút so với trước", em Nguyễn Thị Hương hồ hởi.

Việc tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội đi vào hoạt động đã mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho người dân. Được biết, Công ty Đường sắt Hà Nội đã bố trí hàng trăm nhân viên ở các nhà ga để hướng dẫn người dân phương thức sử dụng thẻ vé và quy trình đi tàu điện.

Phát triển đường sắt đô thị: ‘Chìa khóa’ giảm ùn tắc giao thông- Ảnh 3.

Tuyến metro Nhổn-ga Hà Nội đi vào hoạt động đã mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho người dân. Ảnh: VGP/DA

Tại các nhà ga, công tác vận hành được nhân viên nhà ga, lái tàu, nhân viên an ninh… thực hiện thuần thục. Từ khâu bán vé, lên xuống tàu… đều được tự động hoá khiến việc sử dụng phương tiện vận tải công cộng chưa bao giờ dễ dàng đến thế.

Sau gần một tuần vận hành, tàu điện Nhổn-Ga Hà Nội đã vận chuyển trên 100 nghìn lượt hành mỗi ngày. Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường chia sẻ: "Chúng tôi thật sự rất bất ngờ trước sức hút của đoạn tuyến đường sắt đô thị mới Nhổn - Cấu Giấy. Điều đó cho thấy đường sắt đô thị ngày càng được người dân quan tâm và tin tưởng hơn".

Người dân đánh giá công tác vận hành an toàn, thuần thục và rất văn minh, hiện đại. Có được kết quả đó là do tính ưu việt vốn có của tàu điện, cộng với hiệu quả toàn diện của công tác tổ chức phục vụ hành khách. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đã có sự lớn mạnh và trưởng thành nhanh chóng, tạo dựng được đội ngũ vận hành đường sắt đô thị văn minh, chuyên nghiệp.

Trước đó, tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh-Hà Đông cũng đã có màn ra mắt ấn tượng, an toàn và hấp dẫn người dân. Lượng hành khách đi lại trên tuyến này không ngừng tăng mạnh. Sau khi tuyến này hoạt động, bất cứ ai cũng có thể nhận thấy, đường sắt đô thị có rất nhiều ưu việt so với mọi loại hình vận tải công cộng khác nhờ hạ tầng riêng trên cao hoặc dưới thấp, tránh tuyệt đối mọi tình huống gây ùn tắc giao thông. Chính vì thế đã có không ít người dân chọn sử dụng loại hình phương tiện này làm phương tiện đi lại hằng ngày.

Có thể thấy, 2 tuyến tàu điện của Hà Nội đã thể hiện tính ưu việt cũng như mức độ thu hút người dân. Qua đó cũng khẳng định rằng đường sắt đô thị không chỉ giúp giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ mà còn thúc đẩy thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng của người dân.

Diệu Anh

Top