Phát triển hạ tầng bưu chính viễn thông theo hướng hiện đại
(Chinhphu.vn) - Năm 2022, ngành TT&TT Thủ đô sẽ tham mưu UBND Thành phố Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”…; đồng thời đưa ra các giải pháp phát triển hạ tầng bưu chính viễn thông theo hướng hiện đại, phục vụ Chương trình chuyển đổi số Thành phố.
Hoàn thành nhiều nhiệm vụ năm 2021
Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến cả nước, trong đó, có Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, bám sát chỉ đạo của Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố; sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ TT&TT, công tác TT&TT TP Hà Nội tiếp tục được Sở TT&TT triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội của Thủ đô.
Sở TT&TT đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử TP Hà Nội; Chương trình chuyển đổi số TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch về triển khai thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử... Chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành phố; công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố. Phối hợp các đơn vị chức năng, doanh nghiệp thực hiện hạ ngầm đường dây, cáp viễn thông tại 209/255 tuyến phố. Hoàn thành chỉ tiêu "100% xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ".
Đáng chú ý, Sở TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm công nghệ phòng chống dịch COVID-19 Quốc gia và một số doanh nghiệp triển khai hiệu quả các ứng dụng phòng, chống dịch như: mã quét QR để quản lý thông tin người ra, vào cơ quan, tổ chức, cơ sở, địa điểm phục vụ truy vết trong chống dịch; bản đồ dịch tễ của Thành phố; ứng dụng PC-COVID; phần mềm quản lý F1, F0 tại nhà; phần mềm quản lý và điều phối F0; phần mềm tiêm chủng, phần mềm xét nghiệm... phục vụ tốt công tác phòng, chống dịch của Thành phố. Bên cạnh đó, Sở TT&TT cũng đã đưa vào vận hành hiệu quả Tổng đài 1022 Hà Nội - kênh kết nối, tiếp nhận phản ánh, giải đáp kiến nghị của công dân, tổ chức về công tác phòng chống dịch COVID 19.
Công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, truyền thông trên địa bàn Thành phố được nâng cao. Đặc biệt, năm 2021, đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của Thành phố, trọng tâm là tuyên truyền Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, tuyên truyền công tác phòng chống dịch COVID-19, tham mưu xử lý các nhiệm vụ đột xuất, bất thường về thông tin, báo chí.
Tập trung thúc đẩy mạnh mẽ Chuyển đổi số
Năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển", vì vậy ngành TT&TT cần chủ động có kế hoạch cụ thể hóa triển khai trong toàn Ngành, trong đó, chú trọng tiếp tục rà soát bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế làm việc của cơ quan; đổi mới mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương hành chính; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong công tác phòng, chống dịch…
Đặc biệt, năm 2022 cũng sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành, mọi cấp, trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện. Do đó, ngành TT&TT sẽ nỗ lực, tập trung tham mưu UBND Thành phố triển khai Chương trình Chuyển đổi số TP Hà Nội, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án "Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"… Tham mưu các giải pháp phát triển hạ tầng bưu chính viễn thông theo hướng hiện đại, phục vụ Chương trình chuyển đổi số Thành phố.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, tập trung tuyên truyền công tác chỉ đạo, điều hành của Thành ủy - UBND Thành phố và các giải pháp nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Vĩnh Hoàng