Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam - cẩn trọng những góc tối
(Chinhphu.vn) - Đi kèm với những mặt sáng, triển vọng của phát triển kinh tế ban đêm vẫn luôn tồn tại những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý, điều hành, đặc biệt là nguy cơ gia tăng các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma tuý, cờ bạc và các loại tội phạm khác. Điều này cần được phân tích, đánh giá một cách khách quan và đưa ra những khuyến cáo kịp thời nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những tác động xấu của kinh tế đêm với tình hình an ninh trật tự xã hội.
* Phát triển kinh tế đêm: Nhìn từ Hà Nội xưa
* Phát triển kinh tế ban đêm: Không cơ hội nào bị bỏ qua
* Kinh tế ban đêm: Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô
Ảnh minh họa |
Kinh tế đêm - động lực mới cho phát triển kinh tế xã hội
Gần đây vấn đề phát triển kinh tế ban đêm là chủ đề nhận được sự quan tâm lớn của các ban ngành quản lý, các nhà đầu tư và cộng đồng xã hội.
Nhận thấy sự cần thiết và tầm quan trọng của kinh tế đêm, ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam” với mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Có thể thấy rõ, kinh tế ban đêm sẽ góp phần phát triển nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động và tận dụng tối đa các tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút khách du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, đi kèm với những mặt sáng, triển vọng nêu trên thì kinh tế ban đêm vẫn luôn tồn tại những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý, điều hành, đặc biệt là nguy cơ gia tăng các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma tuý, cờ bạc và các loại tội phạm khác. Điều này cần được phân tích, đánh giá một cách khách quan và đưa ra những khuyến cáo kịp thời nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những tác động xấu của kinh tế đêm với tình hình an ninh trật tự xã hội.
Kinh tế đêm từ lâu đã được coi là chiến lược phát triển kinh tế mũi nhọn của nhiều nước phát triển trên thế giới. Với tham vọng tạo bước đột phát cho nền kinh tế Anh, Chính phủ Anh đã thành lập Hiệp hội ngành công nghiệp ban đêm (Night Time Industry Association - NTIA) để theo dõi và thúc đẩy các lĩnh vực của kinh tế đêm. Và thực tế, kinh tế đêm đã đóng góp hàng chục tỷ bảng và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động mỗi năm tại Anh, góp phần tạo dựng một hình ảnh nước Anh năng động, cởi mở và là một trong những điểm đến quốc tế thú vị đối với khách du lịch. Tại Australia thì nền kinh tế đêm hiện là động lực chính của quá trình tăng trưởng, tạo ra hơn 1,1 triệu việc làm và đóng góp 134 tỷ USD, chiếm 4% GDP (năm 2018). Ở Mỹ, việc phát triển những “thành phố không bao giờ ngủ” đã trở thành một trong những chiến lược phát triển kinh tế mũi nhọn. Xu hướng tương tự cũng lan toả mạnh mẽ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là Trung Quốc. Những nỗ lực của các nhà quản lý nhằm thu hút du khách tham gia các hoạt động, dịch vụ thương mại ban đêm, tạo hành lang pháp lý để các hoạt động này được vận hành một cách khoa học, an toàn, hiệu quả với mục tiêu tạo sự bứt phá cho nền kinh tế.
Tại Việt Nam, các loại hình kinh tế đêm phổ biến trên thực tế đã được triển khai ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thể hiện ở mô hình các khu chợ đêm, phố ăn đêm, các chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24, các tuyến phố đi bộ hoặc tuyến phố đặc trưng giải trí như Tạ Hiện (Hà Nội) hoặc Bùi Viện (Thành phố Hồ Chí Minh) và Bà Nà Hills (Đà Nẵng). Ngoài đóng góp lớn về mặt kinh tế, kinh tế ban đêm có thể tạo ra những bước chuyển lớn cho các ngành dịch vụ, du lịch trong nước, tạo động lực mới cho phục hồi kinh tế, đặc biệt sau những thoái trào do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 hiện nay.
Các loại hình dịch vụ phong phú, đa dạng của kinh tế ban đêm luôn đòi hỏi số lượng lao động lớn. Nhu cầu nhân lực không chỉ dừng lại là bồi bàn, đầu bếp, phục vụ quán ăn, nhà hàng mà còn cần một số lượng lớn nhân công vận tải, lái xe, kỹ sư, bảo vệ, quản lý, nhân công vệ sinh, kỹ thuật, chuyên gia hỗ trợ công nghệ thông tin, nghệ sĩ biểu diễn, nhân công tổ chức sự kiện và các ngành nghề khác. Đối với Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, ảnh hưởng của dịch bệnh và cách ly xã hội thời gian qua đã khiến nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp. Vì vậy, thúc đẩy kinh tế đêm có thể là giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm tạo công ăn việc làm mới cho người lao động đồng thời góp phần duy trì ổn định xã hội.
Lợi thế của kinh tế ban đêm là thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, vùng miền. Do đó, kinh tế đêm càng được đầu tư đa dạng và phong phú thì càng có khả năng giữ chân được du khách. Từ đó, tạo môi trường thuận lợi cho việc vận hành cách hoạt động, dịch vụ kèm theo, thu hút đầu tư vào các loại hình du lịch “thành phố 24h” - điều không còn quá xa lạ với các quốc gia trên thế giới.
Văn hoá, giải trí luôn phát triển song hành cùng kinh tế ban đêm. Do vậy, kinh tế đêm cũng tạo ra cú hích rất lớn cho sự phát triển của thị trường này như: Âm nhạc, tổ chức sự kiện, lễ hội đường phố và các loại hình giải trí, truyền thông khác. Môi trường và nhu cầu thực tế càng sôi động sẽ tạo ra động lực để nền công nghiệp giải trí phát triển và đóng góp nhiều hơn cho văn hoá xã hội.
Nhìn tổng thể, kinh tế ban đêm tạo ra guồng quay không ngừng nghỉ để nền kinh tế được vận hành ở tốc độ tối đa. Sự sôi động của kinh tế ban đêm dần trở thành hình ảnh đặc trưng, là biểu tượng về một xã hội năng động, giàu có và phồn thịnh mà các quốc gia phát triển trên thế giới đều hướng tới.
Cẩn trọng với những góc tối phía sau sự “lấp lánh” của phát triển kinh tế ban đêm
Tệ nạn xã hội, tội phạm là những hiện tượng tất yếu luôn luôn tồn tại song hành cùng lịch sử phát triển của xã hội loài người. Xã hội như thế nào sẽ xuất hiện các hiện tượng tiêu cực, các hành vi lệch chuẩn tương ứng. Sự phát triển của kinh tế ban đêm vô tình có thể trở thành môi trường thuận lợi làm gia tăng các loại tội phạm và kéo theo những tệ nạn xã hội phổ biến như mại dâm, ma tuý, cờ bạc gây khó khăn cho các nhà quản lý xã hội.
Theo một số nghiên cứu từ nước ngoài, trong đó có báo cáo của Viện Nghiên cứu các chất cồn (IAS) của Anh, lượng tiêu thụ đồ uống có chứa cồn gia tăng mạnh khi phát triển kinh tế ban đêm. Nghiên cứu cũng cho thấy điều này có liên hệ nhất định dẫn đến nảy sinh tội phạm và gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân khi họ cảm thấy không an toàn với các hệ quả mà kinh tế đêm có thể dẫn tới. Các vụ vi phạm về an toàn giao thông và gây rối trật tự công cộng cũng diễn ra như một hệ luỵ của việc lạm dụng rượu bia và sử dụng các đồ uống có cồn. Những ảnh hưởng nhỏ có thể dẫn tới một vài vụ ẩu đả, gây gổ nhỏ, nhưng ở mức độ lớn hơn có thể dẫn tới các hành vi bạo lực, cố ý gây thương tích hoặc gây rối trật tự công cộng ở mức độ nghiêm trọng.
Giái trí bằng cờ bạc, mại dâm sẽ trở nên phổ biến hơn và hoạt động thuận lợi từ sau 6h tối cho tới 6h sáng ngày hôm sau. Bên cạnh các cơ sở tổ chức đánh bạc giải trí một cách hợp pháp thì vẫn luôn tồn tại những tụ điểm “ngầm” - bất hợp pháp - nhưng lại thu hút rất đông người chơi. Các tụ điểm hoạt động cờ bạc bất hợp pháp, thiếu sự quản lý của các cơ quan chức năng có thể là môi trường hoạt động thuận lợi của các đối tượng đã từng có tiền án, tiền sự, các băng nhóm tội phạm phức tạp. Bên cạnh đó, lợi dụng điều kiện ban đêm, các tụ điểm ăn chơi tiến hành tổ chức môi giới mại dâm, mát xa kích dục và nhiều hình thức giải trí có tính đồi truỵ, lệch lạc khác. Những hiện tượng này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây phức tạp về tình hình an ninh trật tự và ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng.
Các đối tượng buôn bán và tổ chức sử dụng ma tuý lợi dụng sự nhộn nhạo của bóng đêm để mở rộng thị trường bán buôn cũng như bán lẻ. Với quy luật cung-cầu, các đối tượng phạm tội về ma tuý nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của nhóm người tiêu dùng đặc biệt cần có chất kích thích để tận hưởng cuộc vui từ đêm tới sáng mà không cảm thấy mệt mỏi. Đồng thời, lợi dụng sự cởi mở của môi trường ban đêm, các đối tượng phạm tội tiếp tục mở rộng kênh tiêu thụ ma tuý và trốn tránh sự truy quét của các cơ quan chức năng.
Sự phát triển lâu dài của kinh tế ban đêm sẽ tạo môi trường, chất xúc tác có thể làm nảy sinh những băng, nhóm tội phạm mới, tội phạm có tổ chức, mô hình bảo kê tại khu kinh tế, tiềm ẩn nguy cơ xung đột bạo lực hoặc các hiện tượng tiêu cực khác. Bên cạnh đó, một số hình thức phạm tội có thể có xu hướng tăng lên trong môi trường kinh tế ban đêm, như: Trộm cắp tài sản, cướp giật, lừa đảo, môi giới mại dâm, gây rối trật tự nơi công cộng…
Những góc tối phía sau lợi ích nhãn tiền mà kinh tế đêm mang lại cũng rất cần được đánh giá một cách khách quan, từ đó đưa ra phương hướng phòng ngừa, quản lý đồng bộ, toàn diện.
Những giải pháp đồng bộ
Đối với chính quyền quản lý và lực lượng chuyên trách (chủ yếu là lực lượng công an), cần tăng cường công tác quản lý, tuần tra, kiểm soát và nắm tình hình nhằm phòng ngừa việc xuất hiện các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự. Dự báo tốt tình hình dựa trên kinh nghiệm quản lý trong nước cũng như nước ngoài. Thực tế hiện nay, các mô hình tuần tra kiểm soát ban đêm đã được áp dụng và đạt được những hiệu quả nhất định trong việc phát hiện sớm và ngăn ngừa các hoạt động phạm tội xảy ra. Việc quản lý người nước ngoài, du khách tham quan cũng cần được đưa vào tổng thể các hoạt động kiểm soát an ninh nói chung.
Do đòi hỏi của quản lý các hoạt động về đêm nên các lực lượng chức năng cần có chiến lược phân bổ nguồn nhân lực điều hành, quản lý phù hợp. Trong trường hợp cần thiết phải tăng cường lực lượng cho những khu vực trọng tâm, trọng điểm để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ tiềm ẩn. Bố trí lực lượng ứng trực ban đêm với mức độ cân xứng với lực lượng làm việc ban ngày để bảo đảm sự có mặt và giải quyết tình huống khẩn cấp của các cơ quan chức năng.
Huy động các nguồn lực tại chỗ làm công tác kiểm soát và quản lý về an ninh trật tự bên cạnh lực lượng chính quy, ví dụ huy động bảo vệ, quản lý trật tự khu phố. Đồng thời có chiến dịch tuyên truyền rộng khắp tới quần chúng nhân dân, nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia các hoạt động thúc đẩy kinh tế ban đêm.
Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo đảm khoa học và đồng bộ. Phổ cập hệ thống camera giám sát tới từng nhà dân, các địa điểm công cộng; xây dựng phần mềm quản lý, báo cáo sự cố, điểm nóng trên các thiết bị di động thông minh. Thiết lập lực lượng phản ứng nhanh kết nối với mạng lưới thông tin chung của khu vực nhằm kiểm soát tổng thể, ứng phó khẩn cấp.
Xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh tế ban đêm, vừa bảo đảm phát triển kinh tế nhưng cũng kiểm soát tốt các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự. Cần có quy chế đặc thù đối với các loại hình kinh doanh quán bar, nhà hàng, cơ sở đánh bạc giải trí và các lĩnh vực vui chơi văn hoá, ca nhạc khác nhằm phát triển các loại hình trên một cách phù hợp, tránh bị lệch hướng và vi phạm các quy định của pháp luật.
Xây dựng, phát triển kinh tế đêm cần có nền tảng cơ sở hạ tầng đồng bộ. Đây cũng là giải pháp nằm trong tổng thể nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự của kinh tế đêm. Tiêu biểu là hệ thống đường giao thông, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh ẩm thực, cơ sở biểu diễn âm nhạc, giải trí, vui chơi có thưởng… Các loại hình được kết nối trong hạ tầng cơ sở đồng bộ, chặt chẽ sẽ tạo điều kiện cho việc quản lý được minh bạch, rõ ràng, tránh được các nguy cơ xấu phát sinh.
Đồng thời, cần thường xuyên triển khai các đợt vận động truy quét tội phạm, thể hiện tính tích cực, thường xuyên của các lực lượng chuyên trách trong việc quản lý các khu phố, khu vực phát triển kinh tế đêm.
Thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ tội phạm tới người dân và du khách để có được kiến thức, kỹ năng khi tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch, mua sắm ban đêm cũng như cách thức ứng phó trong các tình huống bất ngờ.
Các giải pháp cần có tính đồng bộ, cả trên cơ sở quy định pháp luật cũng như thực tế quản lý tại địa bàn, ứng với từng đặc điểm dân cư, lối sống, sinh hoạt ở địa phương đó. Phát triển kinh tế ban đêm chắc chắn là một hướng đi có tính chiến lược nhưng cũng cần có sự triển khai, quản lý tốt hơn từ các cơ quan ban ngành có liên quan.
Bùi Thị Liên