Phát triển kinh tế từ Hợp tác xã nông nghiệp
(Chinhphu.vn) - Là một trong những mô hình phát triển kinh tế HTX điển hình của Đề án Đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong HTX nông nghiệp trên địa bàn Thành phố, khởi nghiệp từ năm 2012, mô hình hộ sản xuất kinh doanh cá thể, HTX nông nghiệp Thanh Hà bắt đầu thực hiện sản xuất rau mầm thương phẩm, đến năm 2015, sản phẩm rau mầm của đơn vị đã được bày bán ở nhiều siêu thị và cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Rau mầm Baby leaf được sơ chế và đóng gói trước khi đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Thiện Tâm. |
Bà Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc HTX nông nghiệp Thanh Hà cho biết, do nhận thấy nhu cầu về rau an toàn đang tăng mạnh, nhất là những sản phẩm có chất lượng cao, năm 2015, đơn vị mở rộng phát triển sản xuất rau an toàn VietGap theo hướng ứng dụng công nghệ cao trên diện tích 8.712m2 tại xã Ninh Sở, huyện Thường Tín. Đến năm 2018, đơn vị đã sản xuất thành công và cung cấp vào thị trường dòng sản phẩm mới - Rau Baby leaf. Sản phẩm đã nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận và lan tỏa sức tiêu thụ đến cả các tỉnh thành lân cận. Nhu cầu tiêu thụ ngày càng gia tăng, điều đó vừa là cơ hội, vừa là thử thách lớn đối với đơn vị.
“Để phát triển mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu thụ là một bài toán khó đối với một hộ sản xuất như chúng tôi. Nhất là trong bối cảnh đang có nhiều doanh nghiệp lớn chuyển sang đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, cùng với cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, nền nông nghiệp nước ta đang chuyển mình mạnh mẽ, hộ sản xuất chúng tôi như một chiếc thuyền nhỏ loay hoay giữa tứ bề thử thách. Thứ chúng tôi có bấy giờ là cơ hội thị trường, kỹ thuật sản xuất, lòng ham học hỏi và khát vọng thành công còn lại cái gì chúng tôi cũng thiếu, cũng yếu”- chị Hà chia sẻ thêm.
Nhưng trong thời khắc khó khăn ấy, nhờ sự tư vấn và giúp đỡ của Phòng kinh tế huyện Thường Tín, hộ sản xuất của chị Hà đã tìm được lối đi mới giúp đơn vị vượt qua được thử thách, tận dụng được cơ hội đem lại những thành công mới. Đó là việc hình thành HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà. Đồng thời đơn vị đã được tham gia Đề án “Đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong HTX nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội”. Nhờ có đề án đơn vị được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn chi tiết hồ sơ cũng như các thủ tục pháp lý để thành lập, quản lý và vận hành HTX theo Luật hợp tác xã năm 2012. Đơn vị đã được Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội hỗ trợ toàn bộ kinh phí thành lập hợp tác xã với tổng mức hỗ trợ trên 17 triệu đồng. Ngày 21/11/2018, HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà chính thức được thành lập. Sau khi thành lập đơn vị được Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục cho tham gia nhiều buổi đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ quản lý, vận hành cũng như giới thiệu những chương trình hỗ trợ HTX của thành phố… Từ đó, sản phẩm của đơn vị - Rau mầm, Rau Baby leaf – ngày càng được nhiều người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn, thị trường ngày càng được mở rộng.
Hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, đơn vị cũng đã tận dụng được nguồn vốn góp từ các thành viên để phát triển mở rộng, có thêm nguồn nhân lực để sản xuất và điều hành. Cũng như xây dựng được mối liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ rau vào các chuỗi siêu thị lớn như Aeon, BiGC, Lotte, Intimex,... và nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn trong thành phố cũng như các tỉnh thành khác. Đơn vị cũng khép kín dần chuỗi sản xuất thông qua việc cung ứng vật tư đầu vào, xử lý tàn dự thực vật thành phân bón cây trồng, nhờ đó vừa tiết kiệm được chi phí sản xuất, vừa bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị cũng như tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, đơn vị đã xây dựng được khu sản xuất rau công nghệ cao với diện tích 1,15ha. Trong đó, đã lắp đặt được gần 8.000m2 nhà màng nông nghiệp cùng với hệ thống tưới phun tự động, xây dựng 2 kho lạnh, nhà kho bảo quản, nhà sơ chế rau củ,... với tổng mức đầu tư trên 5 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu chiến lược là phát triển sản xuất sản phẩm Rau an toàn chất lượng cao theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đến sơ chế bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Đơn vị cũng đang tạo việc làm cho gần 20 lao động địa phương, trong đó có 12 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 70 triệu đồng/người/năm đến 100 triệu đồng/ người/năm.
Đặc biệt năm 2019, đơn vị đã tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia: Mỗi xã một sản phẩm – OCOP, HTX đã được thành phố Hà Nội đánh giá phân hạng và cấp chứng nhận cho 15 sản phẩm đạt sp OCOP 4 sao. Chương trình đã giúp cho đơn vị hoàn thiện chính mình và mở ra một cơ hội phát triển mới, đưa sản phẩm của đơn vị đi xa hơn và ở một vị thế tốt hơn.
Thiện Tâm