Phát triển mạnh mô hình Bưởi sinh học
(Chinhphu.vn) - Cây bưởi Diễn đã gắn bó lâu năm với người dân Đan Phượng. Hiện nay vùng bưởi Diễn Đan Phượng cũng đã xây dựng được thương hiệu bưởi Tôm Vàng Đan Phượng, có chỉ dẫn địa lý và tem truy xuất nguồn gốc.
Với mục tiêu phát triển vùng bưởi Diễn thơm ngon, an toàn, chất lượng, Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã mở rộng phát triển mô hình bưởi sinh học tại xã Hạ Mỗ và từng bước thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho sản phẩm của địa phương.
Ông Nguyễn Khắc Kỳ, cụm 1, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng chia sẻ, trên diện tích hơn 3.000 m2, gia đình ông Nguyễn Khắc Kỳ, cụm 1, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng cũng đã gắn bó với cây bưởi Diễn hơn 20 năm nay. Với 140 cây bưởi Diễn, mỗi năm cho thu hoạch trên 1 vạn quả, giá bán 30 nghìn/quả mỗi năm cũng cho gia đình ông nguồn thu không nhỏ. Để phát triển vườn bưởi bền vững, gia đình ông chỉ sử dụng các loại sản phẩm sinh học thảo dược chăm sóc cây trồng, tạo ra sản phẩm an toàn và với sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện thì vườn bưởi của ông Kỳ cũng đang được các chuỗi cửa hàng tiện ích đến tham quan, thu mua tiêu thụ sản phẩm.
Ông Bùi Tất Thêm, Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng cho biết, toàn xã Hạ Mỗ hiện có trên 150 ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó có 45 ha trồng bưởi. Để phát triển các sản phẩm nông sản an toàn, trong đó chủ lực là cây bưởi Diễn, Hội Nông dân xã Hạ Mỗ cũng đã duy trì 3 CLB phát triển kinh tế và 6 tổ Hội nghề nghiệp trồng bưởi nhằm hỗ trợ nhau trong việc chăm sóc, liên kết tiêu thụ. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện Đan Phượng cũng thường xuyên tổ chức các Hội thảo, tập huấn sử dụng các chế phẩm sinh học thảo dược sử dụng trên cây trồng để bà con áp dụng, tạo ra các nông sản an toàn.
Ông Thiều Văn Son, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng chia hay, trong tiến trình lên quận của huyện Đan Phượng, với diện tích đất nông nghiệp còn lại, huyện Đan Phượng chủ trương xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ, phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm. Cùng với sản phẩm bưởi diễn và các sản phẩm chủ lực khác, Hội Nông dân huyện Đan Phượng thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối, tiêu thụ nông sản cho bà con tại địa phương.
Toàn huyện Đan Phượng hiện có gần 300 ha diện tích trồng bưởi tôm vàng. Để thống nhất quản lý, quy trình chăm sóc cũng như chất lượng sản phẩm, Hội Nông dân huyện Đan Phượng cũng đã lựa chọn các vườn bưởi chất lượng để áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, dán mã QR code và kết hợp với hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Hội cũng tạo điều kiện cho các hội nông dân tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm do thành phố tổ chức và các chương trình của Hội Nông dân thành phố để nhiều người biết đến sản phẩm bưởi tôm vàng Đan Phượng, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Việc xây dựng các mô hình chuyển đổi, đa dạng hóa các mô hình phát triển kinh tế đang mang lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân. Người nông dân huyện Đan Phượng đang giàu lên từng ngày từ việc phát triển nông nghiệp. Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, thay da đổi thịt từ chủ trương chuyển đổi mô hình phát triển trong nông nghiệp của huyện ủy, UBND huyện Đan Phượng.
Thiện Tâm