Phát triển mô hình giống lúa mới thích ứng với biến đổi khí hậu
(Chinhphu.vn) - Trước tình hình khí hậu biến đổi ngày càng phức tạp, để giúp nông dân thích ứng với những khó khăn trong canh tác lúa, đồng thời lựa chọn các giống lúa mới năng suất cao, chất lượng tốt vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai mô hình trình diễn các giống lúa mới năng suất, chất lượng quy mô 40ha với 2 loại giống là VRN20 và VRN 10 tại 4 huyện. Mô hình đã mang lại hiệu quả, năng suất cao.
Mô hình giống lúa mới thích ứng với biến đổi khí hậu mang lại năng suất, hiệu quả cao. Ảnh: Thiện Tâm. |
Theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, vụ Xuân năm 2021, Trung tâm đã triển khai mô hình trình diễn các giống lúa mới năng suất, chất lượng quy mô 40ha với 2 loại giống là VRN20 và VRN 10 tại 4 điểm của 4 huyện, gồm: Vạn Thái - Ứng Hòa (10 ha giống VNR10), Thụy Lâm - Đông Anh (10 ha giống VNR20), Đông Xuân - Sóc Sơn (10 ha giống VNR10), Hồng Dương - Thanh Oai (10 ha giống VNR20). Với tổng số 281 hộ tham gia mô hình. Khi tham gia triển khai mô hình, các hộ đã nhận hỗ trợ đủ giống, vật tư theo dự toán được duyệt, đồng thời được tập huấn kỹ thuật trước khi thực hiện mô hình. Có cán bộ chỉ đạo phối hợp với các HTX nông nghiệp thường xuyên theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện mô hình.
Đánh giá cho thấy, cơ bản các hộ thực hiện gieo cấy, chăm sóc theo đúng qui trình kỹ thuật của mỗi giống. Cả 2 giống lúa sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, có khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh bất thuận; cho năng suất cao, chất lượng gạo dẻo, thơm ngon. Qua vụ sản xuất vừa rồi, bà con nông dân nhận thấy các giống lúa này có nhiều ưu điểm như khả năng đẻ nhánh khỏe, tập trung, gốc lúa to nên rất cứng cây, dù có một số thời điểm chịu ảnh hưởng của một số loại sâu bệnh hại nhưng mức độ nhiễm nhẹ, không đáng kể và không bị lan ra cả đồng ruộng, đặc biệt mô hình đạt hiệu quả năng suất cao, ước tính đạt 65 tạ/ha – 70 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng Khang dân từ 10% – 20%, cho hiệu quả kinh tế cao hơn đối chứng trên 15%.
Trong nhiều năm qua, nhờ triển khai tích cực và hiệu quả các chương trình sản xuất lúa hàng hóa, huyện Thanh Oai đã trở thành vùng trồng lúa chất lượng cao trọng điểm của Hà Nội. Trong đó, việc thay đổi cơ cấu giống lúa là giải pháp hiệu quả của huyện Thanh Oai khi vừa giữ được đất lúa vừa nâng cao thu nhập cho người dân. Vụ Xuân năm nay, thực hiện chương trình khuyến nông năm 2021, Trạm Khuyến nông huyện Thanh Oai đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện triển khai mô hình trình diễn giống lúa mới năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Hồng Dương. Mô hình có quy mô 10ha, với 86 xã viên HTX nông nghiệp Hồng Dương tham gia. Giống lúa trình diễn là VRN 20. Theo các hộ nông dân ở đây, những năm gần đây thời tiết có những diễn biến bất thường vào vụ Xuân, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa. Tuy nhiên, qua đánh giá, mô hình trình diễn với giống lúa VRN 20 sinh trưởng, phát triển tốt. Các đối tượng dịch hại như sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy nâu, bệnh khô vằn chỉ nhiễm nhẹ và tỉ lệ thấp. Năng suất đạt khoảng 2,4 tạ/sào – 2,5 tạ/sào.
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai mô hình giống lúa mới thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Thiện Tâm. |
Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, việc triển khai các mô hình trình diễn lúa góp phần đẩy mạnh đưa giống lúa có chất lượng cao vào sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho các xã xây dựng cơ cấu giống phù hợp với tiềm năng, điều kiện đất đai của địa phương. Đồng thời, thay thế các giống lúa có biểu hiện thoái hóa, hạn chế về năng suất và dễ nhiễm sâu bệnh, qua đó, nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích cho nông dân. Vì vậy, để có kết quả đánh giá tổng quát về khả năng thích ứng, tính chống chịu sâu bệnh và hiệu quả kinh tế, mô hình khuyến nông trình diễn giống lúa VRN 10 và VRN 20 sẽ tiếp tục được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai ở vụ Mùa sắp tới. Qua đó sẽ giúp cho các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố có thể lựa chọn các giống lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt để bổ sung vào cơ cấu giống lúa của mỗi địa phương.
Mô hình đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của bà con tham gia mô hình cũng như chính quyền địa phương. Kết quả của mô hình là cơ sở để đánh giá, đề xuất bổ sung vào cơ cấu giống lúa của Thành phố, thay thế dần các giống lúa cũ có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu kém hơn, góp phần đẩy nhanh chương trình phát triển sản xuất lúa chất lượng cao hướng tới xuất khẩu của Hà Nội.
Thiện Tâm