Phát triển mô hình khuyến nông hiệu quả, hỗ trợ nông dân làm giàu

17/11/2021 2:15 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, cộng với diễn biến phức tạp của thời tiết và dịch bệnh gia súc, gia cầm nhưng trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã khắc phục khó khăn, tích cực đẩy nhanh tiến độ mô hình, chương trình khuyến nông để hỗ trợ bà con nông dân vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất.

Trong thời gian qua, quỹ Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ bà con nông dân sản xuất, phát triển kinh tế. Ảnh: Thiện Tâm

Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, do điều kiện thời tiết ngày càng có những biến đổi bất thường, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, vì vậy thích ứng cây trồng với biến đổi khí hậu là biện pháp cần thiết và kịp thời. Theo đó, để tăng hiệu quả sản xuất ngoài việc triển khai đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, Trung tâm đã lựa chọn những bộ giống lúa có năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao để đưa vào mô hình trình diễn.

Trong năm 2021, Trung tâm lựa chọn 2 giống lúa là VRN 10 và VRN 20 của Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam. Đây là 2 loại giống thuần có khả năng chống đổ tốt, chịu thâm canh, khả năng chống chịu tốt với một số sâu bệnh hại chính, phạm vi thích ứng rộng. Qua 2 vụ sản xuất, mô hình đạt hiệu quả năng suất cao, đạt 63–69,4 tạ/ha (vụ xuân), 60–69 tạ/ha (vụ mùa), cao hơn giống đối chứng Khang dân 18 từ 10% – 15%, hiệu quả kinh tế cao hơn từ 13,7%–30% so với đối chứng. Việc đưa các giống lúa mới năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất ngoài việc tăng thu nhập cho người sản xuất, còn đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường do khả năng thích ứng rộng của giống lúa mới, giảm sâu bệnh gây hại, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của bà con tham gia mô hình cũng như chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình khuyến nông triển khai thực hiện năm 2021 vẫn đạt được kết quả tốt như: Mô hình sản xuất hoa sen cao sản, quy mô 10ha, thực hiện tại 2 xã Đại Thịnh và Mê Linh- huyện Mê Linh. Nhờ thực hiện trồng, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên cây sen đã phát triển rất tốt, cho thu hoạch vụ đầu tiên, bình quân mỗi tuần thu được 200 bông loại 1/ha với giá bán 5.000 đồng/bông. Ngoài ra, các mô hình khuyến nông thuộc lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản được triển khai trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế tại địa phương. Với 9 dạng mô hình (trong đó có 4 dạng mô hình thủy sản, 5 dạng mô hình chăn nuôi) được triển khai tại 39 điểm, 163 hộ tham gia. Đến nay, mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm cao sản trên cạn đã được nghiệm thu, các mô hình còn lại đang cho kết quả tốt, không xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ sống cao, tiêu biểu như: Mô hình “Sử dụng thảo dược chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học”, quy mô 50 nghìn con, thực hiện tại 11 điểm, với 51 hộ tham gia. Mô hình sử dụng thảo dược pha với nước cho đàn gà uống, giúp nâng cao sức đề kháng, đàn gà khỏe mạnh, ít bị bệnh, hạn chế sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi. Hiện nay, gà phát triển tốt, đẹp mã, lông mượt, gà  trống mào phát triển, trọng lượng trung bình đạt từ 2,1 – 2,2kg/con, tỉ lệ sống đạt 96,5%.

Có thể thấy, các mô hình đều được áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Công tác chọn điểm, chọn hộ, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến công tác giao giống đúng tiêu chuẩn và kiểm soát chặt chẽ quy trình kỹ thuật đều được phòng chuyên môn và các Trạm Khuyến nông nghiêm túc thực hiện.

Cùng với đó, việc tổ chức các diễn đàn khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… cũng được Trung tâm Khuyến nông đẩy mạnh để hỗ trợ bà con nông dân sản xuất, đầu tư cơ giới hóa. Công tác quản lý, sử dụng Quỹ Khuyến nông thành phố đã đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn phát triển sản xuất của nông dân. Từ đầu năm đến nay, Quỹ đã tiếp nhận và tổ chức 3 đợt thẩm định 132 phương án xin vay với tổng số vốn phê duyệt cho vay là hơn 50,8 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân cho 53 hồ sơ vay vốn đầu tư phát triển sản xuất với số tiền 19,345 tỷ đồng; 35 hồ sơ vay phát triển cơ giới hóa với tổng số tiền là 13,930 tỷ đồng. Qua đó, góp phần vào định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất gắn với quy hoạch, phát triển nông thôn, nông nghiệp.

Theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động trực tiếp đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, tiêu thụ và sản xuất, ảnh hưởng đến hiệu quả một số mô hình khuyến nông và mô hình vay vốn quỹ khuyến nông. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND Thành phố, của Sở NN&PTNT, Trung tâm đã triển khai các giải pháp vừa đẩy nhanh tiến độ, đa dạng hóa các mô hình vừa thường xuyên động viên, hỗ trợ kỹ thuật, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Do đó, các mô hình triển khai đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; cây trồng, vật nuôi, thủy sản sinh trưởng, phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh.

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông cũng tích cực cùng các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh rà soát, cung cấp thông tin doanh nghiệp, hộ sản xuất nông sản trên địa bàn thành phố nhằm phục vụ công tác kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm giúp người nông dân ổn định sản xuất, cung ứng lương thực, thực phẩm cho người tiêu dùng trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Theo Sở NN&PTNT, với những kết quả đạt được, Trung tâm Khuyến nông cần tiếp tục tập trung theo dõi, giám sát, chỉ đạo các chương trình, mô hình khuyến nông đã triển khai. Trên cơ sở rà soát kế hoạch khuyến nông năm 2021 để xây dựng kế hoạch cho năm 2022, trong đó, ưu tiên xây dựng các mô hình lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao để từ đó khuyến khích nhân rộng mô hình; việc xây dựng mô hình cần gắn với đầu ra của sản phẩm. Phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ khuyến nông để giúp nông dân phát triển sản xuất.

Thiện Tâm

Top