Phát triển nông nghiệp hiệu quả từ xây dựng nông thôn mới

08/08/2022 5:15 PM

(Chinhphu.vn) - Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp và nhiều khó khăn, nhưng đến nay diện mạo nông thôn của huyện Mê Linh đã thay đổi với cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp. Đời sống của người dân cũng được nâng cao và hài lòng với kết quả từ chương trình nông thôn mới mang lại.

Phát triển nông nghiệp hiệu quả từ xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Nhiều mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả cao đang được triển khai mở rộng trên địa bàn huyện Mê linh. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, năm 2010, huyện Mê Linh bước vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp. Thời điểm đó, toàn huyện chỉ có 1/19 tiêu chí đạt là an ninh trật tự, các tiêu chí còn lại đều đạt thấp. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn huyện có 16/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. 

Bên cạnh đó, Mê Linh cũng đã tập trung tối đa mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quan tâm tổ chức sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Giai đoạn 2010 -2020 đã bố trí hơn 4.011 tỷ đồng, tập trung đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn.

Theo ông Lê Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, trong giai đoạn 2010-2020, huyện đã bố trí hơn 4.011 tỷ đồng, tập trung đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn. Các vấn đề về giao thông, điện, viễn thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, thủy lợi nội đồng được đầu tư nâng cấp; công tác quy hoạch được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Hệ thống chính trị cũng đã được xây dựng vững mạnh, tình hình an ninh, trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong huyện được nâng lên. Tỷ lệ hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới đạt từ 96%- 99%.

Ngoài ra, huyện Mê Linh cũng chú trọng tổ chức sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nông nghiệp trên địa bàn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm, bước đầu xây dựng được thương hiệu hàng hóa nông sản, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Trong đó có nhiều mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.

Tiêu biểu như mô hình trình diễn cây trồng giống mới năng suất, chất lượng thích ứng biến đổi khí hậu, với việc triển khai trồng hoa sen cao sản. Mô hình được triển khai từ năm 2021, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, Trạm Khuyến nông của huyện nên qua 2 vụ, mô hình đã cho thấy hiệu quả vượt trội.

Trong đó có hai hộ tham gia gồm hộ gia đình anh Nguyễn Tiến Dũng ở xã Đại Thịnh (2,6ha) và hộ anh Lã Quang Khanh ở xã Mê Linh (7,4ha). Theo ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng Khuyến nông trồng trọt (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội), hai giống sen mới đưa vào trồng đã cho thích nghi tốt, tỷ lệ sống đạt trên 90%. Sen Bách Diệp có số cánh 139, năng suất 18.000 hoa/ha, với lợi thế số lượng nhị và mùi thơm vượt trội nên sen Bách Diệp phù hợp ướp chè sen hoặc chế biến, trang trí món ăn. Đối với sen Quan Âm có số cánh 316, năng suất 25.000 hoa/ha, cánh xếp dày hơn, đường kính hoa to hơn, độ bền cao hơn nên giá trị thẩm mỹ cao, thường sử dụng để trang trí. Tuy nhiên, chi phí sản xuất 1ha sen cao hơn rất nhiều (136 triệu đồng) so với 1ha lúa (33 triệu đồng), nhưng chủ yếu tập trung ở khâu giống, trồng 1 lần cho thu hoạch lâu năm. Bên cạnh đó, việc trồng sen có thể tích hợp mở rộng sang lĩnh vực khác như phát triển các loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, ẩm thực, nghề ướp chè sen, sản phẩm khác từ sen... Hiệu quả kinh tế từ trồng sen lãi gấp 4-5 lần so với lúa. Vì vậy, huyện tạo điều kiện cho nhiều hộ dân trên địa bàn chuyển sang trồng sen kết hợp nuôi trồng thủy sản để tận dụng diện tích, nâng cao thu nhập.

Theo Chủ tịch huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, với những kết quả đã đạt được, huyện sẽ phấn đấu đến năm 2025 duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với huyện nông thôn mới, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững. Trong đó, kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng hiện đại; môi trường sinh thái trong lành; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa làng quê; chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao. Toàn huyện sẽ có từ 6 -8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1- 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tốc độ trưởng ngành sản xuất nông nghiệp và thủy sản hàng năm đạt từ 2,5% -3,0%. Nâng cao thu nhập của nông dân khu vực nông thôn phấn đấu đạt trên 65 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%;…

Đối với việc phát triển kinh tế, trong 6 tháng cuối năm, huyện sẽ đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phục hồi phát triển thương mại - dịch vụ và đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Cùng với việc chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, xây dựng kịch bản, phương án và các điều kiện cần thiết để huyện Mê Linh đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, huyện tập trung hoàn thiện các tiêu chí về trường chuẩn và nhà văn hóa tại 2 xã Liên Mạc và Đại Thịnh; bám sát quy định mới về Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao của Thành phố sau khi được ban hành để kịp thời có lộ trình triển khai thực hiện.

Thiện Tâm

Top