Phát triển rừng bền vững gắn với du lịch sinh thái

25/05/2022 5:13 PM

(Chinhphu.vn) - Để phát triển rừng, cùng với việc khẩn trương rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp làm cơ sở phân biệt rõ 3 loại rừng, cần phải gắn phát triển rừng với du lịch sinh thái để khai thác hết thế mạnh và bảo vệ rừng hiệu quả.

Phát triển rừng bền vững gắn với du lịch sinh thái  - Ảnh 1.

Kiểm tra hiện trạng rừng trên địa bàn TP. Hà Nội. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên, hiện nay việc quản lý đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều bất cập. Đó là tình trạng giao đất không gắn với giao rừng, nhất là rừng sản xuất theo phân cấp do các huyện quản lý đang thực hiện manh mún, không rõ ràng. Đồng thời việc giao đất, giao rừng không tuân thủ theo Luật lâm nghiệp hiện hành là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các hộ được giao đất, giao rừng sử dụng không đúng mục đích. Bên cạnh đó có một số địa phương đã chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trái quy định, vì vậy dễ xảy ra việc xây dựng trái phép, không đúng mục đích lâm nghiệp, không làm theo trình tự thủ tục của Luật lâm nghiệp.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua Chi cục đã tham mưu cho Sở NN&PTNT đề xuất UBND TP ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 18/2/2022 về thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2022 – 2025 và những năm tiếp theo. Trong đó, trọng tâm của kế hoạch là giao cho 7 huyện, thị xã có rừng tiến hành rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp. Sau đó căn cứ vào quy hoạch chung của thành phố, các thẩm quyền phê duyệt sẽ điều chỉnh tích hợp cho phù hợp với quy hoạch chung về rừng và đất lâm nghiệp. Bước tiếp theo là tiến hành cắm mốc để phân biệt giữa đất lâm nghiệp với các loại đất khác và phân biệt mốc giới 3 loại rừng (sản xuất, đặc dụng, phòng hộ) để từ đó làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, khi đã có mốc giới, hồ sơ bản đồ rõ ràng theo Hệ tọa độ VN2000 chuẩn hóa mới tạo thuận lợi ứng dụng công nghệ số theo chỉ đạo của Chính phủ để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng theo đúng quy định.

Để thực hiện đúng luật và phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ rừng, các địa phương cần phát triển các mô hình kinh tế nông – lâm kết hợp như: Mô hình trồng cây thuốc nam; mô hình trồng cây nông nghiệp, cây ăn quả dưới tán rừng khi mà rừng chưa khép tán (khoảng từ 4 – 6 năm kể từ khi trồng rừng); mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… Nhưng để phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng thì phát triển du lịch sinh thái là phù hợp nhất vì bảo đảm các yếu tố phát triển lâu dài, bền vững nhất. Tuy nhiên, các tổ chức, doanh nghiệp cần hạn chế việc trồng cây ngoại lai và xem xét có tác động đến đa dạng sinh học hiện có hay không. Thực tế cũng đã cho thấy, phát triển du lịch sinh thái sẽ vừa phát triển, bảo vệ rừng bền vững, vừa tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Theo ông Lê Minh Tuyên, để phát triển rừng bền vững, quan trọng nhất là quy hoạch. Vì vậy, sau khi các địa phương xây dựng đề án phát triển khu sinh thái, Thành phố sẽ phê duyệt đề án chung, sau đó mới tạo được sức hút đối với các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để phát triển du lịch, theo cách thức này nhà nước sẽ quản lý rừng một cách bài bản và chặt chẽ.

Thiện Tâm

Top