Phát triển sản xuất theo chuỗi còn nhiều khó khăn, thách thức

13/04/2023 2:45 PM

(Chinhphu.vn) - Việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Tuy nhiên, phát triển các mô hình sản xuất này đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn cần được tháo gỡ.

Phát triển sản xuất theo chuỗi còn nhiều khó khăn, thách thức - Ảnh 1.

Vùng trồng rau an toàn của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức, huyện Gia Lâm cho biết, xã Văn Đức thuộc huyện Gia Lâm. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Phát triển sản xuất theo chuỗi hạn chế được nhiều rủi ro

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức, huyện Gia Lâm cho biết, xã Văn Đức thuộc huyện Gia Lâm là một xã ở ngoài đê sông Hồng được phù sa bồi đắp, vì vậy rất phù hợp cho sản xuất rau, màu các loại. Với tổng diện tích sản xuất trên 300 ha, trong đó trồng rau là 250 ha, hơn 1.000 hộ thành viên tham gia sản xuất, sản lượng hàng năm đạt trên 30.000 tấn rau ăn lá, củ, quả các loại, vì thế việc bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm thương hiệu rau Văn Đức, liên kết tiêu thụ là vô cùng quan trọng. Xác định được vấn đề đó, HTX đã phối hợp cùng với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật hàng ngày giám sát, hướng dẫn chỉ đạo nông dân sản xuất và đã đem lại nhiều kết quả tích cực.

Qua việc vận động, tuyên truyền, giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn, nông dân đã thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình khi thực hiện tốt quy trình sản xuất rau an toàn, VietGap, sản phẩm OCOP; từ đó đã giảm thiểu tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kể cả thuốc sinh học nguồn gốc sinh học, dùng biện pháp bẫy bả bằng bìa màu hạn chế côn trùng sâu bệnh. Đồng thời tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh trong sản xuất và đã tạo được lòng tin cho các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, các thương lái và người tiêu dùng. Giá các sản phẩm cũng bán được cao hơn với thị trường các địa phương khác cùng trồng rau từ 15 đến 20%, môi trường sản xuất và môi trường sống xung quanh được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được nâng lên.

Đặc biệt, để bảo đảm việc sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, VietGap, sản phẩm OCOP của nông dân mang tính ổn định, HTX đã chủ động liên kết với một số công ty, hệ thống siêu thị, các thương lái, hàng năm HTX ký hợp đồng tiêu thụ như: Hệ thống siêu thị Aeon, MM Mega, BigC, các công ty kinh doanh thực phẩm đưa vào bếp ăn… Trong quá trình liên kết với các siêu thị, công ty, HTX chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, chủ động diện tích các loại cây trồng đảm bảo đa dạng hóa các sản phẩm cũng như sản lượng, chất lượng cung cấp đầu ra, hai bên đều phải có trách nhiệm giám sát từ khi gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch. Thông qua việc phối hợp và liên kết dám chịu trách nhiệm sản phẩm cung cấp đầu ra nên đã tạo ra được uy tín với khách hàng. Vì vậy HTX và nông dân yên tâm sản xuất, hàng năm sản phẩm cung cấp cho các hệ thống từ 2.000 đến 3.000 tấn rau các loại.

Qua liên kết cho thấy tác dụng và hiệu quả rõ rệt về phía HTX và nông dân chủ động xây dựng kế hoạch, yên tâm sản xuất đầu ra cho sản phẩm, thu nhập ổn định, hạn chế được rủi ro khi được mùa mất giá. Đối với doanh nghiệp chủ động nguồn hàng cung cấp cho đối tác, hạn chế rủi ro khi thị trường biến động về giá cả, kiểm soát được chất lượng an toàn thực phẩm sản phẩm.

Ông Lê Văn Tỵ, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp xã Liên Hà, huyện Đông Anh cho biết, Liên Hà là xã nằm ở phía đông của huyện Đông Anh, theo quy hoạch của huyện xã là một trong những xã vùng trọng điểm sản xuất lúa trên địa bản huyện, với diện tích đất tự nhiên là 821,5 ha, trong đó đất nông nghiệp là 521 ha, là một trong những xã có diện tích đất nông nghiệp lớn của huyện Đông Anh. Số hộ tham gia sản xuất nông nhiệp chiếm 75%, ngoài sản xuất nông nghiệp người dân còn phát triển các ngành nghề khác như sản xuất đồ gỗ nội thất và làm ra các sản phẩm khác từ nông nghiệp như: Gạo nếp cái hoa vàng, bánh chưng, rượu nếp cái hoa vàng...

HTX dịch vụ nông nghiệp xã Liên Hà hoạt động với quy mô toàn xã, có 8 thôn với 9 đội dịch vụ nông nghiệp, nên việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp luôn được thực hiện có hiệu quả. Từ năm 2015, Liên Hà đã thực hiện xong công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, tạo thành những ô thửa ruộng lớn, hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng phần lớn được cứng hóa. Đây là điều kiện thuận lợi để HTX tổ chức làm dịch vụ phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng, nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.

Do đặc thù của địa phương như vậy, nguồn nhân lực chính để tham gia sản xuất nông nghiệp chủ yếu là phụ nữ và người lớn tuổi nên số lượng, chất lượng nhân lực rất hạn chế để tham gia sản xuất. Từ thực tế đó, Liên Hà rất cần ứng dụng cơ giới hóa để phục vụ sản xuất nông nghiệp, việc gieo mạ khay cấy máy quy mô tập trung là rất cần thiết cho người dân Liên Hà, từ đó hạn chế được những diện tích bỏ hoang, giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

HTX và nông dân chưa tiếp cận, hưởng lợi từ các chính sách

Theo ông Lê Văn Tỵ, trong những năm vừa qua, từ khi dồn điền đổi thừa xong và thực hiện đề án đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp qua thực tế cho thấy, việc áp dụng cơ giới hóa gieo mạ khay – cấy máy đã hoàn toàn chủ động được khâu làm mạ trước những diễn biến phức tạp của mọi thời tiết. Bên cạnh đó, lúa cấy bằng máy phát triển nhanh, đẻ nhánh tập trung, tỷ lệ nhiễm sâu bệnh thấp hơn so với cây mạ đám. Chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế lại cao hơn hơn so với cấy thủ công, khi lúa trỗ, bông dài, hạt mẩy năng suất cao hơn cấy thủ công từ 10-15% (tương đương 20-30 kg/sào bắc bộ). 

"Hàng năm, vào vụ mùa người dân Liên Hà, huyện Đông Anh lại tích cực trồng lúa nếp cái hoa vàng để bán gạo, làm bánh chưng, bánh tro, một số thì đưa vào nấu rượu nếp cái hoa vàng, một số gia đình thì bán thóc nếp non cho các nơi có nghề làm cốm, được thu mua tận ruộng như làng vòng... Chính vì vậy, đời sống của người nông dân Liên Hà, huyện Đông Anh ngày càng được ổn định và nâng cao."- ông Tỵ cho biết thêm.

Tuy nhiên, việc sản xuất theo chuỗi hay áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của nhà nước về sản xuất áp dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất nhằm quản lý minh bạch trong quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng giá trị của sản phẩm, cạnh tranh được với hàng hóa nhập khẩu còn bất cập. Vì vậy HTX và nông dân chưa tiếp cận, hưởng lợi từ các chính sách đó của nhà nước.

Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường còn hạn chế lên việc rau an toàn, không an toàn tham gia thị trường lẫn lộn làm người tiêu dùng khó phân biệt, ảnh hưởng không nhỏ đến các địa phương sản xuất đảm bảo chất lượng phải cạnh tranh. Đối với các doanh nghiệp việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn đầu tư dài, rủi ro nhiều lên vẫn còn ít doanh nghiệp dám mạnh dạn đầu tư do ảnh hưởng yếu tố thời tiết.

Bên cạnh đó là việc tăng cường quản lý chặt chẽ đối với sản phẩm rau phải có xuất xứ nguồn gốc mới cho bán trên thị trường để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người tiêu dùng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh.

Vì vậy, theo nông Minh cần phải có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư liên kết tham gia vào sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho HTX và nông dân; có chính sách giao đất, cho thuê theo giá quy định của nhà nước không phải đấu thầu để các HTX đầu tư xây trụ sở, khu sơ chế rau, nhà lạnh bảo quản, sản xuất áp dụng công nghệ cao.

Còn theo ông Lê Văn Tỵ, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp xã Liên Hà, cần phải có hướng dẫn cụ thể thực hiện hỗ trợ đầu tư công nghệ cao, công nghệ số để HTX mạnh dạn đầu tư. Hiện nay tại Liên Hà, hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng vẫn còn một số đoạn chưa được cứng hóa, gây khó khăn cho việc chủ động tiêu nước. Mặt bằng của ruộng đồng không được bằng phẳng, có độ chênh lệch lớn nên đôi khi vẫn còn khó khăn cho việc cấy máy. Vì vậy, HTX rất cần được hỗ trợ kinh phí đầu tư cứng hóa hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng để thuận tiện cho việc áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp. Bên cạnh đó là các máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp để nâng cao đời sống cho người nông dân nông nghiệp, nông thôn.

Thiện Tâm

Top