Phát triển thế mạnh sản phẩm OCOP từ liên kết sản xuất
(Chinhphu.vn) - Là một huyện miền núi, với đặc trưng của vùng đồi gò đan xen với đồng bằng, huyện Ba Vì đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát huy thế mạnh để phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt; nuôi trồng thủy sản,... Nhiều sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP 3, 4 sao và có uy tín, chỗ đứng trên thị trường. Nhờ đó đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Theo ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, để xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua, huyện đã có nhiều giải pháp tích cực để hỗ trợ nhân dân và các hợp tác xã, doanh nghiệp. Nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã hình thành, đặc biệt là các sản phẩm: Sữa Ba Vì, Chè Ba Vì, gà đồi Ba Vì, thịt Đà Điểu Ba Vì, lợn ốc quế…
Việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua ký kết, hợp tác giữa các đơn vị kinh doanh với các hộ dân, doanh nghiệp với nhau đã tạo chuỗi nguồn cung ứng thực phẩm với giá cả, chất lượng ổn định, đảm bảo an toàn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Năm 2021, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thủy sản của huyện Ba Vì đạt 9.180 tỷ đồng, đạt 98,9% kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 5,2%, hệ số sử dụng đất đạt 2,4 lần, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 175 triệu đồng/ha.
Điển hình tại xã Minh Châu (huyện Ba Vì), từ việc triển khai chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát huy lợi thế về đất đai, thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền xã đã tích cực chuyển đổi đàn vật nuôi, tập trung phát triển mạnh chăn nuôi đàn bò thịt, bò sữa.
Hiện nay, tổng đàn bò toàn xã có 5.193 con, trong đó, bò cái sinh sản có 2.665 con, bò sữa có trên 2.000 con. Minh Châu đang là một trong những vùng chăn nuôi bò tập trung lớn của huyện Ba Vì và thành phố Hà Nội.
Đây cũng là địa phương cung cấp bò giống, bò thịt cho nhiều địa phương trong cả nước. Nhờ vậy đã góp phần nâng cao đời sống cho bà con nông dân. Tiêu biểu như hộ gia đình ông Phương Văn Trường, xóm 1, trong gần 2 năm nay, gia đình đầu tư chăn nuôi bò sữa. Đàn bò của gia đình ông hiện có trên 60 con, trong đó 30 con đang cho thu hoạch sữa, sản lượng đạt 450kg/ngày. Với giá bán sữa tươi nguyên liệu hiện nay là 14.000 đồng/kg, mỗi ngày gia đình ông thu về hàng triệu đồng.
Theo chị Phạm Thị Thanh Huyền, Giám đốc Công ty Cổ phần sữa Chị Vàng Ba Vì, do áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất và thực hiện liên kết chuỗi, công ty đã cho ra những sản phẩm từ sữa bảo đảm an toàn, chất lượng cao, được chế biến 100% từ nguồn sữa sạch tại địa phương. Trong đó có 8 sản phẩm từ sữa của công ty đã được UBND thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Hiện nay, đơn vị đang ký kết thu mua sữa của trên 100 hộ dân nuôi bò sữa với số lượng khoảng 6 tấn sữa tươi/ngày. Với các hộ ký hợp đồng, công ty hướng dẫn chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật từ chăm sóc, vắt sữa, bảo quản sữa bò... Đặc biệt, trong quá trình thu mua nhập nguyên liệu sữa tươi từ bà con nông dân, cơ sở luôn chú trọng từng khâu nhằm lựa chọn được sản phẩm tươi ngon nhất để đưa đến người tiêu dùng các dòng sản phẩm sữa đảm bảo chất lượng".
Ngoài ra, huyện Ba Vì cũng nổi tiếng bởi sản phẩm gà đồi Ba Vì đã được chứng nhận chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Gà đồi Ba Vì được nuôi thả tự nhiên trên những vùng đất đồi gò rộng có bóng mát của cây cối, được tự do bay nhảy trong vườn, nên thịt gà có độ dai, chắc, thơm đặc trưng và cho tỷ lệ nạc cao.
Thời gian qua, Hợp tác xã chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì đã liên kết các hộ chăn nuôi với nhau tạo thành chuỗi sản xuất. Quy trình chăn nuôi từ khâu chọn lựa con giống, chọn thức ăn, nuôi thả đến vệ sinh chuồng trại và phòng chống dịch bệnh cho gà đều được các hộ chăn nuôi thành viên thực hiện theo đúng kỹ thuật.
Nhờ đó, đàn gà của các hộ chăn nuôi trên địa bàn luôn khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh, giữ được tổng đàn từ khi đưa vào ấp cho đến khi xuất bán. Hiện nay, tổng đàn gà của hợp tác xã đạt khoảng 20 vạn con. Nhờ được nuôi và chăm sóc theo đúng quy trình, giá bán gà dao động từ 100.000 - 110.000 đồng/kg (tùy thời điểm), mang lại thu nhập ổn định cho người nuôi.
Bên cạnh đó, tận dụng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, thời gian qua, huyện Ba Vì cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bước đầu hình thành các vùng sản xuất rau tập trung; vùng nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi; vùng trồng cây ăn quả, sản xuất rau an toàn.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Chu Quyến Nguyễn Trung Dậu, từ thí điểm sản xuất rau an toàn trên diện tích 2,5ha năm 2017, đến nay, vùng trồng rau an toàn xã Chu Minh mở rộng lên 5ha, trong đó, 4,2ha được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm các xã viên trồng 3-5 vụ rau.
Để bảo đảm chất lượng, năng suất rau, nông dân xã Chu Minh đã được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc rau an toàn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình sản xuất. Việc này vừa góp phần tạo nên sản phẩm an toàn, vừa bảo vệ môi trường, sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng.
Theo kế hoạch phát triển ngành nông, lâm, nghiệp, thủy sản đến năm 2025, huyện Ba Vì phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp tăng bình quân là 6,6%. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chiếm 30% đến năm 2025. Trồng trọt chiếm tỷ lệ 42%, chăn nuôi chiếm tỷ lệ 58%.
Để đạt mục tiêu đề ra, UBND huyện đã có định hướng phát triển ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn sinh học, phát triển bền vững. Trên cơ sở hình thành vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ, tiến bộ mới, hiện đại để có sản phẩm nông sản có năng suất, có chất lượng, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường. Trong năm nay, huyện tập trung nâng cao giá trị trồng trọt, chăn nuôi, thực hiện sản xuất liên kết theo chuỗi, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng, phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Thiện Tâm
* Chương trình có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới Hà Nội./.