Phát triển toàn diện kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
(Chinhphu.vn) - Thu hẹp khoảng cách vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nông thôn không đơn thuần về kinh tế mà còn về mức sống, tiếp cận các dịch vụ xã hội… Hà Nội cần hoàn thiện hệ thống chính sách để phát triển đồng bộ, toàn diện toàn diện kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh tại hội nghị sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai kế hoạch thực hiện chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn Hà Nội tổ chức sáng nay (12/7).
Hội nghị còn có sự tham dự của Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn.
Dần tiến tới không còn khoảng cách về mức sống, thu nhập
Theo Ban Dân tộc TP. Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban Dân tộc Thành phố đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình công tác năm 2022, các nhiệm vụ được giao bảo đảm tiến độ và chất lượng, hiệu quả góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của Thủ đô Hà Nội.
Các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS trên địa bàn được triển khai thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Tiêu biểu như triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, đến nay Thành phố đã bố trí 983 tỷ đồng để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi.
Các huyện đã thành lập tổ giám sát cộng đồng, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng tình ủng hộ việc triển khai thực hiện các dự án tại địa phương và triển khai các bước theo quy định. Với việc triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô, thu hẹp dần tiến tới không còn khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội.
Ban Dân tộc cũng phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Hà Nội, tổng hợp nhu cầu vay vốn chương trình tín dụng chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, hỗ trợ chương trình trong năm 2022-2023 trên địa bàn Hà Nội là 675 triệu đồng. Trong đó năm 2022 là 425 triệu đồng; năm 2023 là 250 triệu đồng.
Ngoài ra, công tác nắm tình hình địa bàn, thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thành phố được thực hiện linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế. Tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội tại vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn Thành phố được đảm bảo ổn định.
Trong 6 tháng cuối năm, Ban Dân tộc tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách dân tộc của Trung ương và Thành phố, đảm bảo đầy đủ kịp thời, đúng đối tượng, nhất là việc thực hiện Nghị quyết chuyên đề của HĐND Thành phố về chính sách hỗ trợ hàng tháng cho người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn Thành phố. Tăng cường nắm tình hình địa bàn vùng đồng bào DTTS về kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, tổng hợp báo cáo theo quy định.
Trong 6 tháng cuối năm 2022, Ban Dân tộc thành phố triển khai thực hiện các chính sách dân tộc của Trung ương và thành phố, bảo đảm đầy đủ kịp thời, đúng đối tượng, nhất là việc thực hiện Nghị quyết chuyên đề của HĐND thành phố về chính sách hỗ trợ hàng tháng cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố. Đồng thời hực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện một số chương trình, chính sách dân tộc…
Hoàn thiện hệ thống chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao công tác dân tộc trên địa bàn Hà Nội, đồng thời đánh giá, so với các địa phương khác, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thủ đô đã có mức sống tương đối tốt.
Đồng chí Hầu A Lềnh cho rằng thu hẹp khoảng cách không đơn thuần về kinh tế mà cả về mức sống, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu… từ đó cần có chính sách đặc thù, phù hợp để phát triển đồng bộ, toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Thủ đô. B
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng đề nghị TP. Hà Nội tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền phù hợp với trình độ, nhận thức của đồng bào dân tộc, miền núi; động viên, khuyến khích nhân dân phát huy thế mạnh, khơi dậy ý thức tự vươn lên; tiếp tục rà soát nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách cho vùng đồng bào dân tộc, miền núi...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện Kế hoạch về Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp và phân công rất cụ thể.
Trong bối cảnh nguồn lực của Thành phố còn hạn chế, Thành phố đã và đang dành nguồn lực không nhỏ để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đưa mức sống và thu nhập của nhân dân vùng dân tộc, miền núi sớm ngang bằng với vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội.
Để thực hiện tốt công tác dân tộc trong 6 tháng cuối năm 2022 và những năm tiếp theo, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị Ban Dân tộc Thành phố phải bám sát sự chỉ đạo của Ủy ban Dân tộc, của Thành phố, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện chính sách dân tộc một cách căn cơ, bài bản.
Trong đó, khẳng định những chủ trương, chính sách đúng đắn, đem lại hiệu quả thiết thực, rút ra bài học kinh nghiệm; đồng thời chỉ ra hạn chế bất cập, từ đó tham mưu cho Thành phố trong xây dựng chính sách dân tộc.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm hơn nữa tới việc làm và đời sống của bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn. Từ đó nhằm phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh.
Gia Huy