Phở trong thời đại công nghệ số

15/12/2024 8:22 AM

(Chinhphu.vn) - Máy móc thay thế người thợ tráng bánh, ứng dụng đặt hàng thế chố người phục vụ, công nghệ blockchain truy xuất nguồn gốc nguyên liệu... "Phở số Hà Thành" tôn vinh món phở truyền thống của Hà Nội và khẳng định cam kết của thành phố Hà Nội trong việc chuyển đổi số, một yếu tố thiết yếu để phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0.

Phở trong thời đại công nghệ số- Ảnh 1.

Phở luôn được mọi người yêu thích trong các Lễ hội ẩm thực. Ảnh: VGP/Minh Anh

Chuyển đổi số trong kinh doanh phở

Làn sóng công nghệ số đang định hình lại quy trình sản xuất phở truyền thống. Trước đây, người thợ tráng bánh phở thủ công sử dụng vải màn mỏng trên chảo nước sôi để làm ra những tấm bánh phở đầy đặc tính truyền thống. Tuy nhiên, quy trình này đang dần được thay thế bằng các dây chuyền sản xuất hiện đại, đảm bảo kiểm soát chính xác nhiệt độ và độ ẩm, giúp tăng độ đồng nhất và an toàn cho sản phẩm.

Hiện nay, các cơ sở sản xuất phở phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm. Theo đó, cần đảm bảo các điều kiện bao gồm yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nguyên liệu và quy trình sản xuất. Mọi cơ sở sản xuất đều phải được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Theo quy định các cơ sở kinh doanh phở phải xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho nguyên liệu chính như thịt bò, gạo và các loại gia vị. Việc này giúp đảm bảo an toàn thực phẩm và tăng niềm tin của người tiêu dùng. Khách hàng có thể kiểm tra thông tin về nguồn gốc nguyên liệu thông qua các hệ thống truy xuất được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Quá trình sản xuất phở đang chuyển dần từ phương pháp thủ công sang công nghiệp với việc áp dụng các dây chuyền sản xuất tự động. Các thiết bị hiện đại cho phép kiểm soát chặt chẽ các thông số như nhiệt độ, độ ẩm và thời gian trong quá trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều.

Cùng với đó, mô hình kinh doanh phở truyền thống đang trải qua những biến đổi lớn trong thời đại số. Các quán phở nay không chỉ phục vụ tại chỗ mà còn mở rộng trên các nền tảng đặt hàng trực tuyến như GrabFood, ShopeeFood... Sau đại dịch COVID-19, thói quen tiêu dùng của khách hàng đã chuyển hướng sang đặt hàng để mang về, đặc biệt đối với mặt hàng phở đòi hỏi độ tươi ngon.

Ngành kinh doanh phở đang thích ứng với xu hướng số hóa thông qua các nền tảng thương mại điện tử và ứng dụng giao đồ ăn được cấp phép hoạt động. Các cửa hàng phở đang áp dụng hệ thống quản lý bán hàng điện tử (POS) được cơ quan thuế chứng nhận, giúp minh bạch hóa doanh thu và tối ưu quy trình vận hành.

Các hệ thống quản lý bán hàng POS đã được tích hợp với phần mềm kế toán và quản lý kho, giúp các quán phở theo dõi nguồn nguyên liệu và doanh thu trong thời gian thực. Một số thương hiệu như phở trên phố Lò Đúc đã áp dụng thành công mô hình này, giúp tăng tính chuyên nghiệp và đem lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn.

Công nghệ blockchain cũng bám rễ mặt trong việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu. Tại một số đơn vị, blockchain đã được áp dụng để truy xuất xuất xứ thịt bò, gạo và các loại gia vị. Khách hàng chỉ cần quét mã QR trên bao bì sản phẩm để xem được chi tiết nguồn gốc nguyên liệu, tăng tính minh bạch và độ tin cậy.

Phở trong thời đại công nghệ số- Ảnh 2.

Quảng bá thương hiệu Phở số Hà Thành . Ảnh: VGP/Minh Anh

Quảng bá thương hiệu Phở Hà Nội bằng công nghệ số

Chương trình quảng bá "Phở số Hà Thành" năm 2024 do Văn phòng UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Hội nghị thành phố tổ chức thực hiện, nhằm tiếp tục quảng bá hình ảnh "Phở Hà Nội" nói chung và "Phở số Hà Thành" nói riêng đến người dân Thủ đô với ứng dụng công nghệ mới trong ngành ẩm thực.

Hoạt động cũng nhằm quảng bá di sản "Phở Hà Nội" - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa lĩnh vực ẩm thực; đề xuất xin chủ trương cho phép xây dựng Bộ hồ sơ quốc gia "Phở" và đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Chương trình không chỉ tôn vinh món phở truyền thống của Hà Nội mà còn khẳng định cam kết của thành phố Hà Nội trong việc chuyển đổi số, một yếu tố thiết yếu để phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0 bắt kịp xu hướng thời đại mới của thế giới, giúp người dân nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong cuộc sống hằng ngày.

Phở trong thời đại công nghệ số- Ảnh 3.

Phở số Hà Thành được ra mắt tại Lễ hội văn hóa Ẩm thực 2024. Ảnh: VGP

Sau khi ra mắt chương trình "Phở số Hà Thành" tại Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Hà Nội năm 2024, từ ngày 6 - 8/12, người dân và du khách tiếp tục được trải nghiệm món phở truyền thống của Hà Nội được chế biến và phục vụ bởi robot thông minh ngay tại "Nhà hàng Phở số" số 13 - 15, phố Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm (Khách sạn Nostalgia).

Điểm nhấn đặc biệt năm nay tại gian hàng "Phở số" chính là sự kết hợp tinh tế giữa truyền thống và công nghệ. Lần đầu tiên, những chiếc robot thông minh tham gia vào quá trình chế biến và phục vụ, mang đến một trải nghiệm ẩm thực độc đáo. Những robot này không chỉ giúp thái thịt, nấu nước dùng mà còn mang bát phở nóng hổi, chuẩn xác đến tay thực khách, đảm bảo món ăn được phục vụ nhanh chóng mà vẫn giữ trọn vẹn hương vị truyền thống.

Mặc dù công nghệ đã góp phần cải thiện chất lượng phục vụ, phở Hà Thành vẫn giữ được hương vị đặc trưng của món ăn thủ đô. Nước dùng ngọt thanh từ xương hầm, thịt bò mềm mịn và gia vị thơm nồng như hành tây, gừng, quẩy, chanh vẫn là những yếu tố không thể thiếu. Chính sự kết hợp giữa tinh hoa ẩm thực và sự hỗ trợ của robot đã tạo nên một món ăn vừa truyền thống vừa hiện đại, đáp ứng nhu cầu của mọi thực khách.

Nhờ ứng dụng công nghệ, những chiếc robot phục vụ không chỉ giúp giảm thời gian chờ đợi mà còn tạo thêm sự thú vị, độc đáo trong trải nghiệm ẩm thực. Sự kết hợp giữa công nghệ và truyền thống của tên gọi "Phở số Hà Thành" giúp nâng cao giá trị của món phở và góp phần lan tỏa giá trị món ẩm thực đặc trưng của Thủ đô Hà Nội.

Song song với việc hiện đại hóa, việc bảo tồn phương pháp chế biến truyền thống của phở đang là một thách thức lớn. Đặc biệt là công đoạn nấu nước dùng - yếu tố quyết định đến hương vị đặc trưng của món ăn này. Các chuyên gia ẩm thực khuyến nghị nên có sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ hiện đại và phương pháp truyền thống.

Theo các chuyên gia thực phẩm, công nghệ nên được sử dụng như một công cụ hỗ trợ thay vì thay thế. Việc điều chỉnh nhiệt độ ninh xương hay tự động hoá khâu đóng gói có thể giúm tăng độ chính xác, song song đó các nghệ nhân phải giữ vai trò quản trị hương vị.

Tại các cơ sở sản xuất lớn, mô hình kết hợp đã được thực hiện thành công. Học hỏi từ các nghệ nhân truyền thống kết hợp với phát triển công nghệ, những doanh nghiệp này vừa đảm bảo sản lượng lại vừa bảo tồn bản sắc truyền thống.

Theo chủ trương của Bộ Công Thương về phát triển ngành công nghiệp thực phẩm, việc ứng dụng công nghệ cần đảm bảo hai mục tiêu: nâng cao năng suất sản xuất và duy trì chất lượng sản phẩm. Từ đó, các cơ sở sản xuất và kinh doanh phở cũng được khuyến khích áp dụng công nghệ trong quản lý vận hành, đồng thời phải đảm bảo giữ gìn được bản sắc ẩm thực truyền thống.

Minh Anh

Top