Phòng, chống cháy nổ: Hiệu quả từ ý thức người dân
(Chinhphu.vn) - Trong những năm gần đây, tại Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ cháy với hậu quả nghiêm trọng. TP. Hà Nội và các cấp chính quyền, đặc biệt là lực lượng Phòng cháy chữa cháy đã tích cực tham gia tuyên truyền và vận động, nâng cao ý thức người dân; qua đó giúp giảm số lượng các vụ cháy trên địa bàn trong thời gian qua.
Mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức trong phòng chống cháy nổ. Ảnh minh họa |
Đã xảy ra gần 330 vụ cháy
Mới đây tại buổi tọa đàm, giao lưu trực với chủ đề: “Nâng cao ý thức người dân để phòng chống cháy, nổ có hiệu quả, Đại úy Đỗ Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP. Hà Nội cho biết, tính đến tháng 10/2020, trên địa bàn TP. Hà Nội đã xảy ra 329 vụ cháy, trong đó có 7 vụ cháy lớn, 3 vụ cháy nghiêm trọng, 1 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 114 vụ cháy trung bình, 192 vụ cháy nhỏ, 12 vụ cháy rừng. Thiệt hại về người: 6 người chết, 23 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 7,3 tỷ đồng.
Các loại hình cơ sở xảy ra cháy rất đa dạng, gồm nhà dân 177 vụ; nhà kho, xưởng sản xuất 32 vụ; phương tiện giao thông 23 vụ; hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh 17 vụ; rừng 12 vụ; văn phòng làm việc, trụ sở cơ quan 8 vụ; ki ốt kinh doanh 6 vụ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống 6 vụ; quán karaoke 5 vụ; chung cư, nhà cao tầng 5 vụ; khu tập thể 4 vụ; cơ sở thờ tự 4 vụ; các loại hình khác (bệnh viện, trường học, trạm xăng, khách sạn, nhà nghỉ, lán tạm, trạm biến áp…) 30 vụ.
Nguyên nhân chính của các vụ cháy nổ thường là chập điện; sơ xuất khi sử dụng lửa; rò rỉ khí gas; sơ xuất khi sử dụng nguồn nhiệt; hàn cắt; sự cố kỹ thuật máy móc;…
Theo Đại úy Đỗ Tuấn Anh, hiện nay, trong quá trình thực tế và trong công tác chiến đấu phòng, chống cháy nổ, cứu nạn cứu hộ, lực lượng Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) của Công an Thành phố còn rất nhiều khó khăn. Bên cạnh sự quan tâm về trang bị phương tiện của lãnh đạo Thành phố, với tình hình cháy nổ ngày càng phức tạp, các loại hình đám cháy phát sinh nhiều nguy hiểm, điều này tiềm ẩn rủi ro cho cán bộ lực lượng PCCC& CNCH trong quá trình chiến đấu.
“Chúng tôi thường hay nói công việc của mình là “Cứu cái còn trong cái mất”, “người ta chạy ra thì chúng tôi chạy vào”. Đối với lực lượng PCCC và CNCC, chúng tôi luôn chấp nhận hy sinh để cứu người dân và cứu tài sản; đây cũng là kim chỉ nam trong hoạt động của chúng tôi”, Đại úy Đỗ Tuấn Anh chia sẻ.
Cũng theo Đại úy Đỗ Tuấn Anh, điều mà lực lượng PCCC&CNCC mong mỏi đối với người dân là khi xảy ra đám cháy và chờ lực lượng chuyên nghiệp đến, đây là khoảng thời gian “vàng” khi đám cháy mới xuất hiện, thì chính người dân tại chỗ mới là lực lượng chữa cháy hiệu quả nhất. Do đó nếu xử lý được thì sẽ giảm thiểu rất nhiều về thiệt hại.
Tuy nhiên, nếu không khống chế được, thì người dân cũng nên tạo mọi điều kiện để lực lượng triển khai hoạt động một cách tốt nhất, thay vì đứng xem gây cản trở giao thông trong quá trình triển khai lực lượng…
Nâng cao ý thức của người dân về công tác phòng chống cháy, nổ
Khuyến cáo người dân trong công tác PCCC, PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh, giảng viên Đại học PCCC cho rằng, khi xảy ra cháy là rất nguy hiểm, người dân phải chủ động trong công tác PCCC. Có thể tìm hiểu những biện pháp này thông qua các lớp hướng dẫn, đào tạo của công an quận, từ đó trang bị cho mình kiến thức về PCCC để có thể kịp thời xử lý nếu xảy ra sự cố.
Người dân trong quá trình sản xuất kinh doanh, sinh hoạt cần quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt. Có thể kể đến như quá trình đun nấu cần chú ý, thiết bị điện không cắm quá nhiều cùng vị trí, thay thế định kỳ, bố trí vị trí thắp hương, hóa vàng tránh nơi nguy hiểm có thể xảy ra cháy … Cần trang bị phương tiện để sẵn sàng chữa cháy ngay trong hộ gia đình như bình chữa cháy xách tay, đồng thời cần có kiến thức thao tác các thiết bị này.
Đặc biệt, người dân cũng nên tính trước phương án chữa cháy hoặc thoát nạn nếu như xảy ra cháy. Điều này sẽ giúp người dân bình tĩnh hơn nếu thật sự xảy ra sự cố.
Về phía lực lượng chức năng, để làm tốt công tác bảo đảm an toàn PCCC, phòng ngừa hỏa hoạn dịp cuối năm, Đại úy Đỗ Tuấn Anh cho biết, hiện Hà Nội đã bước vào mùa hanh khô, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, do đó lực lượng PCCC&CNCH sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác nắm tình hình; tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở; trình độ, kỹ năng, khả năng PCCC tới sâu rộng các tầng lớp nhân dân.
Cụ thể, tham mưu cấp ủy, chính quyền phường, xã, thị trấn mở đợt tuyên truyền vận động cơ sở, người dân (nhất là các khu chung cư cũ, nhà ống, nhà mặt phố…) dỡ bỏ “lồng sắt, chuồng cọp”, biển bảng quảng cáo… tạo lối thoát nạn và công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra...
Đề ra biện pháp nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC; các biện pháp, giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Đồng thời, bảo đảm công tác thường trực, ứng trực, sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin nhanh chóng, chính xác theo quy định; điều động lực lượng, phương tiện đến hiện trường xử lý kịp thời các tình huống cháy, nổ, sự cố xảy ra trên địa bàn Thành phố, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản…
Diệu Anh