Phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại các đơn vị chưa đạt hiệu quả

27/09/2023 8:18 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù hiện nay số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn TP. Hà Nội đang gia tăng nhanh chóng nhưng công tác xử lý dịch bệnh tại các đơn vị, địa phương chưa hiệu quả.

Phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại các đơn vị chưa đạt hiệu quả - Ảnh 1.

Các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 3 tuần gần đây, trung bình mỗi tuần, Thành phố ghi nhận 2.000 ca mắc. Lũy tích từ đầu năm 2023 đến ngày 24-9, toàn Thành phố ghi nhận 12.776 ca mắc tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 547/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 94,5% số xã, phường, thị trấn). Đặc biệt, đã có 3 trường hợp tử vong tại các quận, huyện: Hà Đông, Hoàn Kiếm và Quốc Oai.

Bên cạnh đó, toàn Thành phố cũng đã ghi nhận 870 ổ dịch, trong đó 613/870 ổ dịch (chiếm 70%) đã được khống chế, còn 257 ổ dịch đang hoạt động. Hiện, tổng số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện là 2.286, trong đó có 9 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Hiện nay tại Hà Nội vẫn còn một số ổ dịch diễn biến phức tạp kéo dài, điển hình như tại hai xã: Phùng Xá và Hữu Bằng của huyện Thạch Thất, dịch xảy ra từ tháng 5 đến nay vẫn diễn biến phức tạp.

Theo ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết chủ yếu tập trung vào khâu diệt bọ gậy và xử lý ổ dịch triệt để. Nhưng qua kiểm tra cho thấy, công tác xử lý ổ dịch sốt xuất huyết của các đơn vị còn chậm, chưa quyết liệt, triệt để và hiệu quả không cao. Điển hình như việc khoanh vùng phun hóa chất còn hẹp, tỷ lệ phun thấp; bỏ sót ổ bọ gậy, dẫn tới chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ. Công tác phòng chống dịch bệnh chưa hiệu quả là do việc huy động lực lượng thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy chưa cao, vừa thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; kinh phí hỗ trợ cho lực lượng xung kích vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và công nhân phun hóa chất diệt muỗi còn thấp nên nhiều người không nhiệt tình làm việc.

Theo ông Vũ Cao Cương, để công tác phun hóa chất đạt hiệu quả, phải bảo đảm phun trong bán kính 200 mét, tính từ ổ dịch đến các khu vực xung quanh. Ngoài ra, phải bảo đảm 95% hộ gia đình trong ổ dịch được phun hóa chất. Ông Cương cũng đề nghị cần phải áp dụng nghiêm việc xử phạt vi phạm hành chính với những hộ gia đình không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.

Để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà, do dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, đỉnh dịch được dự báo sẽ rơi vào tháng 10, 11. Vì vậy, các sở, ngành, các cấp cùng các địa phương cần nhận thức rõ để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh một cách đồng bộ, quyết liệt hơn. Đặc biệt, chính người dân phải nâng cao ý thức để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình.

Ngoài ra, Thành phố sẽ ban hành kế hoạch cao điểm về truyền thông phòng, chống dịch sốt xuất huyết, Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch tuyên truyền để nâng cao hơn nữa ý thức người dân và công tác phòng chống dịch. Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra phòng chống sốt xuất huyết tại các đơn vị, địa phương; bên cạnh đó sẽ xử lý nghiêm các đơn vị đã được Thành phố tháo gỡ khó khăn nhưng vẫn chưa chuyển biến.

Vùng nguy cơ cao có dịch sốt xuất huyết là vùng có chỉ số bọ gậy - BI từ 20 trở lên. Theo kết quả giám sát công tác xử lý ổ dịch sốt xuất huyết do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thực hiện (từ ngày 15/8 đến 24/9), 10/11 ổ dịch của 4 quận, huyện gồm: Thạch Thất, Đan Phượng, Cầu Giấy, Đống Đa có chỉ số BI gấp từ 2-4 lần như: Thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có BI = 75; cụm 5, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng BI=80; khu ngõ Đền, cụm 3, quận Đống Đa BI= 50…

Thiện Tâm

Top