Phong trào “Người tốt, việc tốt”: Biểu hiện sinh động tình yêu Hà Nội

09/06/2022 11:19 AM

(Chinhphu.vn) - Phong trào “Người tốt, việc tốt” tại Hà Nội ngày càng phát triển về chất và lượng, tạo khí thế thi đua sôi nổi, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần nhân ái, nghĩa cử cao đẹp; góp phần gìn giữ và vun đắp văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại.

Phong trào “Người tốt, việc tốt”: Biểu hiện sinh động tình yêu Hà Nội - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì hội thảo - Ảnh: VGP/Gia Huy

Góp phần gìn giữ và vun đắp văn hóa người Hà Nội

Phát biểu khai mạc hội thảo 30 năm Phong trào "Người tốt, việt tốt" Thủ đô tổ chức sáng 9/6, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, với vị thế và trách nhiệm là "đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa - khoa học - giáo dục - kinh tế và giao dịch quốc tế" của cả nước, Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống là cái nôi của các phong trào hành động cách mạng, nơi khởi xướng và lan tỏa mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, trong đó không thể không nhắc đến phong trào "Người tốt, việc tốt" của Thủ đô.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ và ý kiến chỉ đạo của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi về thăm chúc Tết Đảng bộ và nhân dân Hà Nội, ngày 28/3/1992, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 04-CT/TU tổ chức chỉ đạo phong trào "Người tốt, việc tốt" ở Thủ đô, UBND Thành phố đã ban hành Quy chế xét tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt".

Trải qua ba mươi năm, phong trào "Người tốt, việc tốt" ngày càng phát triển về chất và lượng; lan tỏa sâu rộng trong tất cả các ngành, các cấp mọi lúc mọi nơi, tạo khí thế thi đua sôi nổi, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần nhân ái, nghĩa cử cao đẹp; góp phần gìn giữ và vun đắp văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn hiến, văn minh, hiện đại.

Biểu hiện rõ nét nhất sức sống của phong trào "Người tốt, việc tốt" chính là thời gian vừa qua, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; Hà Nội đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua với sự tham gia thực chất của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh các y bác sĩ, cán bộ chiến sĩ, lực lượng tuyến đầu ngày đêm chống dịch, còn có sự tham gia tích cực của các tình nguyện viên, tổ dân phố, khu dân cư, tổ Covid cộng đồng, các doanh nhân, doanh nghiệp... Từ các em học sinh viết thư, góp toàn bộ số tiền tiết kiệm có được để mua khẩu trang phát tặng cho những người có hoàn cảnh khó khăn, đến các bác nông dân hỗ trợ, cung cấp rau, thực phẩm cho những nơi bị phong tỏa; nhiều doanh nghiệp có đóng góp lớn về vật chất, phương tiện, trang thiết bị cần thiết vào công tác phòng, chống dịch bệnh và cứu chữa người bệnh.

Trong cuộc chiến này đã có rất nhiều hành động, việc làm đáng quý thể hiện tinh thần đoàn kết, "thương người như thể thương thân", "mình vì mọi người" tập hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước".

Ba mươi năm triển khai thực hiện phong trào "Người tốt, việc tốt" đã có gần 29 nghìn gương "Người tốt, việc tốt" tiêu biểu được Thành phố biểu dương, khen thưởng; trên 350.000 gương "Người tốt, việc tốt" được các ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, thị xã, đơn vị thuộc thành phố khen thưởng, trong đó hầu hết là công nhân, nông dân, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và người lao động trực tiếp. 

Từ năm 2010 đến nay, Thành phố cũng đã biểu dương, tôn vinh 119 gương "Công dân Thủ đô ưu tú", đây thực sự là những bông hoa đẹp tiêu biểu của Thủ đô. Hằng năm, thành phố đều tổ chức trọng thể Hội nghị biểu dương, tôn vinh những "Người tốt, việc tốt" và vinh danh "Công dân Thủ đô ưu tú" vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10).

Lan tỏa ngày càng nhiều hơn phong trào "Người tốt, việc tốt"

Tại hội thảo, các đại biểu cùng làm rõ vai trò, ý nghĩa của phong trào "Người tốt, việc tốt" trong phong trào thi đua xây dựng và phát triển Thủ đô hiện nay; những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn tổ chức triển khai phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt"; đề xuất những giải pháp phù hợp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua; công tác tuyên truyền, phổ biến, khơi nguồn sức mạnh trong các cấp, ngành, địa phương và nhân dân từ phong trào thi đua với mục tiêu là lan tỏa ngày càng nhiều hơn cái tốt, cái đẹp, đẩy lùi, hạn chế cái xấu; góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Nhắc đến nhiều tấm gương "Người tốt, việc tốt", TS. Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, những tấm gương này chính là tình yêu Hà Nội.

Như chị Tuyết Vân, quận Long Biên đã 32 lần hiến máu tình nguyện và rất nhiều lần khác hiến máu đột xuất cứu người; bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng thôn Đầm Bối, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, đã vận động các hộ dân đổi đất xây dựng trường Tiểu học của xã Yên Trung với diện tích là 365m, vận động bà con hiến 735 m2 đất ở và đất vườn để làm đường giao thông nội đồng 465 m2 đất ruộng để xây dựng mương, tưới tiêu sản xuất. Anh Nguyễn Văn Hải, chủ trang trại chăn nuôi thôn Mỹ Hạ, xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ, đi lên từ hai bàn tay trắng, anh đã nỗ lực vươn lên, đến nay trang trại của anh Hải thu nhập bình quân 3,5 - 4 tỷ đồng/năm và nhận trợ cấp thường xuyên cho 7 gia đình chính sách trong xã...

Phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt" trong nông dân, công nhân được triển khai gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất, kinh doanh... với những cách làm mới, sáng tạo, phong phú và đa dạng của nông dân, công nhân đã góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.

Chủ tịch quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, từ năm 2010 đến nay, phong trào đã được phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, phong trào thi đua thực sự là "đòn bẩy", là động lực tinh thần, cổ vũ đội ngũ cán bộ chủ động sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, kiên quyết khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Công tác thi đua khen thưởng luôn đi vào thực chất, đúng người, đúng việc, không cào bằng, đã trở thành động lực quan trọng để phát hiện, xây dựng, nuôi dưỡng và phát triển các điển hình; thi đua khen thưởng gắn liền với công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ.

Với quy trình xét duyệt chặt chẽ, kịp thời, danh hiệu "Người tốt, việc tốt" quận Hoàn Kiếm đã thực sự mang lại niềm tự hào cho người nhận, tạo ra động lực để nhân rộng thêm nhiều điển hình tiên tiến, có thêm nhiều việc làm tốt và trở thành động lực để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Trong ba mươi năm qua, đã có 9.546 gương "Người tốt, việc tốt" được UBND quận khen thưởng và 368 cá nhân tiêu biểu được đề nghị UBND Thành phố biểu dương khen thưởng.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào "Người tốt việc tốt", quận Hoàn Kiếm đề xuất phong trào thi đua phải có nội dung, mục tiêu rõ ràng, thiết thực, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; công tác thi đua, khen thưởng phải bắt nhịp được với thực tiễn, phát huy vai trò to lớn của quần chúng nhân dân.

Bài học này đòi hỏi mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng phải bám sát phong trào và cơ sở để phát hiện, nuôi dưỡng những việc làm tốt, cách làm hay, động viên hướng dẫn phong trào phát triển nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tế đặt ra.

Phải coi trọng đúng mức việc sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua và công tác khen thưởng; trong sơ kết, tổng kết, bên cạnh việc tôn vinh các điển hình tiên tiến, một việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng là đúc rút kinh nghiệm, thể hiện được những suy nghĩ và cách làm của các điển hình tiên tiến, từ đó mới có cơ sở để phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của phong trào.

Gia Huy

Top