Phong tục Tết cổ truyền của Hà Nội

09/02/2024 8:22 AM

(Chinhphu.vn) - Tết cổ truyền là dịp lễ truyền thống lớn nhất trong năm, có ý nghĩa lớn lao trong tâm thức mỗi người dân Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung. Dù cuộc sống ngày nay với nhiều hối hả, bận rộn nhưng Tết cổ truyền với nhiều phong tục đẹp luôn được người dân gìn giữ từ bao đời nay, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Phong tục Tết cổ truyền của Hà Nội- Ảnh 1.

Xin chữ đầu năm tại Văn Miếu. Ảnh: VGP/MInh Anh

Thiêng liêng, ấm áp lễ cúng Giao thừa

Lễ cúng giao thừa hay còn gọi là lễ trừ tịch đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới. Đây là một nghi lễ quan trọng khi đất trời bắt đầu chuyển sang năm mới, người dân Hà Nội đều thực hiện nghi lễ cúng Giao thừa ngoài trời. Kim đồng hồ chỉ đúng 0 giờ cũng là thời khắc thiêng liêng để mọi người thực hiện lễ cúng Giao thừa với sự trang trọng, thành kính, gửi tâm nguyện cầu mong những tốt đẹp cho năm mới.

Năm nào cũng vậy, với gia đình ông Trần Văn Sáng, phố Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ thì lễ cúng Giao thừa luôn chuẩn bị chu toàn từ sớm. Đồ lễ được mua từ sáng để bảo đảm độ tươi mới và bảo quản cẩn thận đến tận thời điểm sắp lễ. Tối 30 Tết, ông bà và các con cẩn trọng chế biến những đồ cúng mặn, sắp đặt lễ ra một cái mâm lớn chờ đến đúng thời điểm lễ. Bởi ông cho rằng, cúng Giao thừa là lễ quan trọng nhất cho một năm mới, nếu thực hiện chu đáo sẽ mang lại nhiều may mắn cho gia đình.

Lễ cúng Giao thừa gồm hai nghi thức, cúng trong nhà và cúng ngoài trời. Khi bắt đầu lễ cúng Giao thừa, gia chủ thắp hương trên ban thờ, đọc văn khấn gia tiên để mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết, chung vui với con cháu, cầu nguyện năm mới thuận lợi, may mắn. Các thành viên trong gia đình cùng cung kính khấn gia tiên trước ban thờ. Sau nghi thức cúng trong nhà, mọi người mới thực hiện nghi thức cúng ngoài trời.

Mâm lễ cúng Giao thừa ngoài trời thường có bộ mũ quan thần linh, hoa tươi, đĩa quả, trầu cau, rượu, nước, xôi, gà luộc hoặc miếng thịt luộc. Mâm này được bày lên bàn trang trọng đặt ở trước cửa nhà. Vào đúng thời điểm Giao thừa, người chủ gia đình thực hiện nghi thức thắp đèn, nến, rót rượu, rồi đọc văn khấn Giao thừa, nguyện cầu về một năm mới bình an, suôn sẻ.

Ánh nến soi tỏ, mùi hương trầm phảng phất trong sự thiêng liêng của thời khắc chuyển giao năm mới khiến tất cả như lắng lại. Mọi người cảm nhận sự ấm áp, hạnh phúc, yêu thương nhau hơn và cùng nhau nguyện cầu những việc tốt đẹp nhất đến với mình. Sau lễ cúng, ông bà, con cháu cùng nhau vui đón Giao thừa với lời chúc may mắn, cùng uống trà, mở sâm panh, ăn bánh kẹo và mừng tuổi nhau. Phút giây nồng ấm, tràn đầy ý nghĩa luôn được mọi người trân trọng, gìn giữ.

Chúc Tết, gửi ước nguyện ngày đầu năm mới

Thời xưa, người Việt thường có tục "Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy" để nói lên nét đẹp văn hóa chúc Tết dịp đầu năm mới, đồng thời cũng thể hiện đạo lý của mỗi người dân. Mùng một là ngày đầu tiên của dịp Tết, mọi người thường hướng về tiên tổ nội tộc, thành kính dâng hương ban thờ tổ, chúc Tết ông bà, bố mẹ, các thành viên trong gia đình bên nội. Mùng hai là ngày vợ chồng, con cái về bên ngoại chúc Tết để đoàn tụ với gia đình, dành tặng mọi người những lời chúc may mắn, hỏi thăm sức khỏe, việc làm trong năm qua. Mùng ba dành để chúc Tết người đã dạy dỗ mình, cho những trí tuệ và nền móng để người ta bước vào đời.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Thăng Long, phong tục chúc Tết là văn hóa bản địa của người Việt, là truyền thống được người dân gìn giữ từ bao đời nay. Chúc Tết thể hiện mong muốn tốt đẹp của mình đến với người thân trong dịp đầu năm mới. Người ta phải quý nhau thực sự, phải chân thành thì lời chúc mới có ý nghĩa.

Những lời chúc Tết đều hướng đến điều tốt đẹp, gửi theo ước nguyện may mắn, mạnh khỏe, bình an cùng vô vàn các điều tốt lành khác, qua đó mang lại niềm vui, kỳ vọng cho người chúc và người được nhận lời chúc. Nhất là ngày Tết là những ngày mở đầu cho một năm mới tràn đầy những kỳ vọng, vì thế những lời chúc Tết càng trở nên quan trọng đối với mỗi người, mỗi gia đình. Người đến chúc Tết đầu tiên trong ngày mùng một Tết chính là người "xông đất", thường được quan niệm mang đến sự may rủi trong suốt một năm cho gia chủ.

Tục chúc Tết gồm cả việc đi chúc Tết và đón người đến chúc Tết. Người lớn, trẻ nhỏ đều trưng diện quần áo đẹp đi chúc Tết họ hàng nội ngoại, với tinh thần phấn chấn, niềm vui nhân lên, tiếng cười nói, chúc tụng luôn rộn rã. Đây cũng là quãng thời gian ít ỏi để anh chị em, họ hàng thăm nom nhau, hỏi han về sức khỏe, công việc sau những tháng ngày bận rộn. Mọi người cũng gửi gắm mong ước về cuộc sống tốt đẹp theo những lời chúc dành cho người thân của mình. Việc thăm hỏi, chúc Tết có thể kéo dài tới mùng 3, mùng 4 Tết thậm chí lâu hơn nữa.

Phong tục Tết cổ truyền của Hà Nội- Ảnh 2.

Người Hà Nội thường đến chùa vào ngày đầu năm mới để cầu năm mới bình an. Ảnh: VGP/Minh Anh

Đi lễ đầu năm, nét truyền thống của người Hà Nội

Đã trở thành nét văn hóa đẹp, cứ vào ngày đầu năm mới, người dân Hà Nội từ người lớn đến trẻ nhỏ, từ nam thanh nữ tú đến các cụ già lại cùng nhau đi lễ chùa, cầu một năm mới bình an, mọi người trong gia đình khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn. Họ đến để gửi gắm niềm tin nhưng cũng để vãn cảnh chùa đầu năm tìm sự thanh thản trong tâm. Ai cũng trưng diện những bộ trang phục đẹp, chị em phụ nữ cùng các bà, các cụ là những bộ áo dài thướt tha, trẻ nhỏ là những bộ váy áo điệu đà để lễ Phật xong có thể chụp những bức ảnh đẹp nơi cửa Phật.

Dịp này, các chùa trên địa bàn Hà Nội như chùa Trấn Quốc, Kim Liên, Tảo Sách, Vạn Niên, Thiên Niên (quận Tây Hồ), tổ đình Phúc Khánh, chùa Láng (quận Đống Đa), chùa Quán Sứ, chùa Bà Đá (quận Hoàn Kiếm), Tứ trấn Thăng Long… luôn đông đúc người đến chiêm bái, lễ Phật. Các chùa cũng trang hoàng đẹp với những chậu hoa cảnh, đào quất, cờ Phật giáo…, đồng thời cử người hướng dẫn nhân dân lễ Phật để đảm bảo văn minh nơi thờ tự.

Không chỉ đi lễ vào những sáng đầu năm, ngay từ đêm Giao thừa, người ta đã đến chùa làm lễ sớm, với sự tấp nập không kém gì ban ngày. Đó là một nét rất riêng của người Hà Nội từ bao năm nay. Người dân đi đón Giao thừa ngoài đường phố hoặc đón Giao thừa ở nhà xong thì đến chùa lễ Phật. Những ngày này, nhà chùa cũng mở cửa sớm hơn và đóng cửa muộn hơn, riêng đêm Giao thừa có thể mở cửa đến 2 - 3 giờ sáng hôm sau.

Theo ông Bùi Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban quản lý di tích đền Quán Thánh (quận Ba Đình), đền Quán Thánh là một trong Tứ trấn Thăng Long nên luôn là điểm tâm linh được đông đảo người dân và du khách đến lễ đầu năm. Đêm Giao thừa và những ngày Tết, lượng khách lúc nào cũng tấp nập, do vậy Ban quản lý huy động toàn bộ nhân viên đến phục vụ, hướng dẫn nhân dân chiêm bái. Nhìn chung, người dân và du khách đến đây đều nghiêm túc chấp hành các quy định của di tích.

Với nhiều người dân Hà Nội, lễ chùa đầu năm là một phong tục không thể thiếu. Bởi vậy, những ngày mùng một, mùng hai Tết, các ngả đường dẫn đến những ngôi chùa lớn, những đền, phủ linh thiêng đều chật kín xe cộ. Nhu cầu đi lễ, vãn cảnh chùa có thể kéo dài đến hết tháng Giêng hoặc lâu hơn nữa.

Xin chữ đầu năm, truyền thống tôn trọng đạo học

Với người dân Hà Nội, xin chữ đầu năm trở thành nét đẹp truyền thống từ bao đời nay, với tinh thần tôn vinh đạo học, cầu mong học hành giỏi giang, thành đạt trong cuộc sống. Mỗi câu chữ vừa là ước nguyện, vừa là lời nhắc nhở để mọi người hướng tới những giá trị tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Người viết chữ là các ông đồ uyên thâm trong đạo học, đức độ trong cuộc sống, đã "cho chữ" người muốn "xin chữ" và gửi gắm thêm sự cầu chúc thành danh.

Với các cháu học sinh thường xin chữ "Đăng Khoa", "Đạt", người lớn thường xin chữ "Phúc", "Đức", "Tài", "Lộc", "An"… Mỗi con chữ đều có một ý nghĩa lớn lao và người xin chữ đều mong muốn các chữ đó ứng vào bản thân, gia đình trong năm mới. Đặc biệt, các con chữ đều được ông đồ viết theo nghệ thuật thư pháp, vừa có ý nghĩa về mặt ngữ nghĩa, vừa có tính thẩm mỹ cao. Còn người được nhận chữ đều phấn khởi, hồ hởi, trang trọng treo các chữ trong nhà để mong mang may mắn đến với mình.

Dịp Tết đến, Xuân về, rất nhiều nơi có ông đồ cho chữ, nhưng người Hà Nội hay tìm đến nơi có sự kết nối thiêng liêng nhất là, Văn Miếu – Quốc Tử Giám và các di tích lớn trên địa bàn thành phố. Văn Miếu – Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của cả nước, có lịch sử cách đây hơn 1000 năm và hiện là nơi thờ Khổng Tử, thầy Chu Văn An. Hơn nữa, vào dịp Tết Nguyên đán, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi diễn ra Hội chữ Xuân phục vụ nhu cầu người dân đến xin chữ và vui chơi, tìm hiểu về văn hóa truyền thống Việt Nam. Mỗi ngày Tết, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đón từ 3 – 5 vạn khách đến tham quan, xin chữ.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu chia sẻ: Từ xa xưa, người Việt đã có tục lệ xin chữ đầu năm để cầu may mắn, cầu học hành tấn tới. Hội chữ xuân là hoạt động truyền thống được tổ chức tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám mỗi dịp Tết đến, xuân về. Hội chữ xuân tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám thường mang chủ đề về truyền thống hiếu học, tinh thần "tôn sư trọng đạo" như: "Sư đạo tôn nghiêm", "Thành đức", "Văn hiến", "Hiền tài"...

Phong tục xin chữ đầu năm góp phần tiếp nối truyền thống trong dòng chảy thời đại, giúp công chúng hiểu hơn về quá trình tiếp biến ngôn ngữ của dân tộc, thông qua đó nhắc nhở mọi người biết quý trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông, trong đó có truyền thống "Tôn sư trọng đạo".

Minh Anh

Top