Phù điêu Quốc tổ Lạc Long Quân là Bảo vật quốc gia

12/04/2016 4:54 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 12/4, huyện Thanh Oai, Hà Nội đã tổ chức lễ đón nhận Quyết định Công nhận Bức giá tượng chạm khắc hình tượng đức Lạc Long Quân là Bảo vật quốc gia.

Tại Quyết định số 2382/QĐ-TTg ngày 25/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận bảo vật Quốc gia (đợt 4) cho bức giá tượng (phù điêu) chạm khắc hình tượng đức Lạc Long Quân và nhân vật về thời kỳ Hùng Vương (niên đại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX) hiện đang lưu giữ tại Di tích Đình Nội (còn gọi là Đền Lạc Long Quân), thôn Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Phù điêu Quốc tổ Lạc Long Quân là Bảo vật quốc gia - Ảnh Huy Anh

Đây là bức phù điêu duy nhất ở Hà Nội và các tỉnh phụ cận khu vực miền Bắc có nội dung phản ánh về Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và các nhân vật thời đại Hùng Vương. Độc đáo nhất là bức giá tượng với nét chạm khắc tinh xảo trên nền gỗ được sơn son thếp vàng miêu tả cảnh Lạc Long Quân cùng vô vàn văn võ bá quan xem hội đua thuyền tái hiện sống động cảnh sinh hoạt thời đại Hùng Vươn.

Chân dung Lạc Long Quân ngự trên ngai vàng, đầu đội vương miện chạm hình “lưỡng long chầu nguyệt” với khuôn mặt hiền từ phúc hậu, mình khoác áo long bào, vóc dáng bệ vệ, oai phong.

Bức phù điêu được tu tạo nhiều lần song vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ xưa, tạo nên giá trị độc đáo, quí hiếm, là kết tinh văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc. Bố cục sắp xếp nhân vật theo từng tầng, diện mạo, y phục, động tsc nhân vật sinh động, hấp dẫn, họa tiết hoa văn chạm khắc tinh xảo thể hiện được hình tượng đức Quốc tổ Lạc Long Quân – Âu Cơ cùng với 100 người con, trong đó có 50 người con theo mẹ xuống biển lập ra trăm họ là Thủy tổ của Bách Việt…

Lễ hội Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân diễn ra hàng năm từ 26/2 đến 6/3 âm lịch. Tuy nhiên, những năm gần đây, theo quy chế của tổ chức lễ hội của Chính phủ, lễ hội tập trung trong 3 ngày (từ 4/3 - 6/3 âm lịch).

Tại lễ đón nhận, lãnh đạo huyện Thanh Oai đã đề nghị nhân dân tiếp tục chung tay cùng chính quyền địa phương tôn tạo, bảo vệ có hiệu quả di tích đền thờ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân để phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của lễ hội và giá trị bảo vật Quốc gia, tôn vinh, tôn tạo di sản quý báu để cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước.

Cùng với Bức giá tượng (phù điêu) chạm khắc hình tượng đức Lạc Long Quân và nhân vật về thời kỳ Hùng Vương, Hà Nội còn có thêm 4 bảo vật được công nhận trong đợt này là Pho tượng Trấn Vũ, niên đại năm 1802, hiện lưu giữ tại Di tích đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên; Trống đồng Cổ Loa và bộ sưu tập lưỡi cày đồng có niên đại Văn hóa Đông Sơn; cây đèn gốm có Niên hiệu Diên Thành 5 (năm 1582) và Long đình gốm Bát Tràng, niên đại thế kỷ 17.

* Cũng trong sáng 12/4, huyện Phúc Thọ tổ chức lễ hội truyền thống Đền Hát Môn năm 2016, kỷ niệm 1976 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Năm 2013, Đền Hát Môn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Năm 2016, lễ hội truyền thống Đền Hát Môn đã được Bộ VHTT&DL xếp hạng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Đến Hát Môn là ngôi đền thờ Hai Bà Trưng, những người đã có công dấy binh khởi nghĩa diệt quân Đông Hán xâm lược vào năm 40 sau công nguyên.

Đền có kiến trúc bề thế, cảnh quan đẹp, hệ thống hiện vật phong phú về chủng loại và đa dạng về chất liệu, trong đó nổi bật là bộ sắc phong thần 22 đạo có niên đại từ thời Lê, Tây Sơn đến thời Nguyễn.  Lễ hội Đền Hát Môn được tổ chức từ mùng 4 đến mùng 6 tháng Ba âm lịch hàng năm nhằm tưởng nhớ công lao của Hai Bà Trưng

Huy Anh

Top