Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo thành công
(Chinhphu.vn) - Mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, nhiều chị em phụ nữ đã khởi nghiệp thành công từ những loài cây cỏ, tơ tằm, những nguyên liệu thiên nhiên sẵn có để làm nên những sản phẩm độc đáo, có sức hấp dẫn lạ kỳ với du khách và thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Tại Hà Nội, đồng hành cùng với những đam mê, sáng tạo và nhiệt huyết của chị em phụ nữ chính là sự hỗ trợ của các cấp Hội LHPN Thủ đô hay thông qua các dự án hỗ trợ của Học viện Phụ nữ Việt Nam. Qua đó, nhiều chị em hay các bà, các mẹ đã có những bứt phá và khởi nghiệp thành công.
Theo thống kê, Hà Nội chiếm 1/3 số làng nghề của cả nước, với 1.350 làng nghề và làng có nghề, 318 làng nghề truyền thống tiêu biểu. Trong đó, phụ nữ chiếm 65% trong tổng số lao động tại các làng nghề.
Theo Hội LHPN Hà Nội, trong hơn 3 năm qua, các cấp Hội LHPN Thành phố đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá về nghề truyền thống và sản phẩm OCOP gắn với thương mại, du lịch, dịch vụ; 1.870 lao động nữ làng nghề được bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng nghề. Bên cạnh đó là 12 dự án, ý tưởng sản phẩm sáng tạo của phụ nữ khởi nghiệp từ làng nghề được Hội LHPN Hà Nội công nhận trong các cuộc thi ý tưởng sản phẩm sáng tạo của phụ nữ Thủ đô. 422 chủ thể tại làng nghề được hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP và kết nối xúc tiến thương mại…
Theo bà Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dâu tằm tơ xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, đối với xã Phùng Xá, việc phát triển làng nghề tạo điều kiện để huyện có thể khai thác và áp dụng những hướng đi mới trong việc phát triển du lịch kết hợp phát triển làng nghề truyền thống của địa phương một cách bền vững, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân. Hiện nay, các sản phẩm chăn bông tơ tằm tự dệt, khăn lụa tơ sen và khăn lụa tơ tằm của Công ty đã đạt 5 sao cho sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội. Đây là cả một quá trình bền bỉ và nỗ lực của nghệ nhân Phan Thị Thuận cũng như bà con trong xã quyết tâm giữ gìn và phát suy sáng tạo nghề truyền thống của ông cha. Đặc biệt, bà Phan Thị Thuận đã rất sáng tạo khi mày mò tìm ra cách điều khiển để cho con tằm trở thành "những người thợ dệt". Năm 2010 bà Thuận đã thành công khi sáng kiến cho tằm tự dệt đã cho ra những thành phẩm tơ lụa đầu tiên. Chính từ đây, nhiều sản phầm như: Chăn bông, gối cao cao cấp ra đời và được tiêu thụ ở nhiều quốc gia (Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Mỹ…). Chính sáng kiến này đã mang về cho bà rất nhiều phần thưởng cao quý và bà được ghi tên mình trong sách vàng "Sáng tạo Việt Nam".
Đến làng nghề Phùng Xá, ngoài được chiêm ngưỡng những sản phẩm lụa tơ tằm, tơ sen độc đáo, du khách còn được tìm hiểu về quy trình sản xuất, được trải nghiệm dệt lụa từ tơ tằm và làm ra sợi tơ sen đưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân làng nghề. Đây cũng là loại cây trồng mang lại giá trị, thu nhập cao cho người nông dân và từ lâu đã trở thành sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế, gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Mỹ Đức.
Để nâng cao quyền năng của phụ nữ, hỗ trợ cho chị em nhất vùng nông thôn, vùng gặp nhiều khó khăn có thể khởi nghiệp, phát triển các ý tưởng kinh doanh khả thi, thời gian qua, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam để triển khai Dự án đào tạo khởi sự thông minh dành cho phụ nữ. Từ đó, nhiều học viên đã xây dựng và phát triển thành công ý tưởng khởi nghiệp của riêng mình, nâng cao thu nhập cho gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Với mong muốn mang đến một sản phẩm an toàn, thuần tự nhiên và hữu ích cho sức khỏe người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Hoài đã sử dụng loại cỏ Vetiver để tạo ra các sản phẩm hương thơm đặc trưng, với các tinh chất tốt cho sức khỏe. Thông qua khóa học khởi sự thông minh, chị Hoài cũng đã được cung cấp kiến thức toàn diện trong việc phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ một cách bền vững. Hiện nay, chị Hoài cũng đã thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại SAPO và đem các sản phẩm tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm và đạt chuẩn OCOP 4 sao, được hỗ trợ tham gia các sự kiện trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của thành phố Hà Nội. Nhờ phát triển thành công mô hình này nên đã mang lại doanh thu ổn định cho công ty, trung bình Công ty đạt doanh thu từ 200- 300 triệu đồng/ tháng, trong những tháng Tết, doanh thu đạt gấp đôi, gấp ba so với các tháng bình thường trong năm.
Tương tự, với ý tưởng mở chuỗi cửa hàng áo cưới, chụp ảnh nghệ thuật, năm 2008 chị Nguyễn Thị Thu Thủy đã lựa chọn mở cửa hàng áo cưới mang thương hiệu VIVIAN, tại 74 Xã Đàn, Hà Nội. Để phát triển mô hình, Chị Thủy đã không ngừng học hỏi và tham gia khóa học Khởi nghiệp thông minh dành cho phụ nữ. Khóa học này do Trung tâm đào tạo và nâng cao năng lực phụ nữ, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức đã giúp chị nâng cao kỹ năng quản trị kinh doanh, hoàn thiện dịch vụ. Từ một cửa hàng nhỏ đến nay chị Nguyễn Thị Thu Thủy đã mở rộng được 3 cửa hàng tại quận Đống Đa và Cầu Giấy với lợi nhuận từ 30-35%.
Theo PGS.TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, qua 5 năm triển khai Dự án Đào tạo Khởi nghiệp thông minh dành cho Phụ nữ, Trung tâm Đào tạo và Nâng cao năng lực phụ nữ, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức được 25 khóa học tại 18 tỉnh và thành phố khu vực phía Bắc với hơn 1.500 đơn đăng ký và khoảng 900 học viên được lựa chọn để tham gia khóa học. Trong số hơn 900 học viên của chương trình, phần lớn các học viên đến từ các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhiều người là dân tộc thiểu số. Điều quan trọng là thông qua những khóa học đã cung cấp kiến thức, tiếp thêm sức mạnh, lòng quyết tâm cho chị em phụ nữ tự tin khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Đồng thời mở rộng kiến thức, khích lệ tinh thần tự tin để họ có thể đối mặt với thách thức, vượt ra khỏi vùng an toàn. Bằng cách này, chương trình không chỉ mang lại những kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp, mà còn góp phần thay đổi tư duy, mở rộng các cơ hội để có thể vươn xa hơn nữa trong cuộc sống và sự nghiệp.
Thiện Tâm