Phụ nữ Thủ đô kiên cường trong trận “Điện Biên Phủ trên không”

20/12/2017 3:00 PM

(Chinhphu.vn) – Trong 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972, Phụ nữ Thủ đô đã tích cực đóng góp cùng quân và dân miền Bắc và Hà Nội đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ trong làm nên kỳ tích chiến thắng “Hà Nội- Điện biên phủ trên không”.

Bà Nguyễn Thị Tý, nữ tự vệ phường Giang Biên trong chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Ảnh tư liệu.

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biện Phủ trên không, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội Trần Thị Phương Hoa gửi tới Chuyên trang Thủ đô Hà Nội, Báo Điện tử Chính phủ bài viết về tinh thần sản xuất, chiến đấu của phụ nữ Thủ đô trong giai đoạn lịch sử ấy. 

Phụ nữ Thủ đô phát huy khí phách của Bà Trưng, Bà Triệu

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, phụ nữ Việt Nam luôn là lực lượng quan trọng, có nhiều đóng góp to lớn, tạo nên những dấu ấn đậm nét, là những chiến sĩ chống ngoại xâm kiên cường dũng cảm; là người lao động cần cù, sáng tạo, thông minh; là người giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, phát triển bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc; là những người mẹ dịu hiền, đảm đang, trung hậu đã sản sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng.

Phát huy khí phách của Bà Trưng, Bà Triệu, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” là mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam, là bằng chứng sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của nghị lực phi thường, phẩm chất đạo đức cao đẹp và sức mạnh của phụ nữ Việt Nam.

Trong không khí sục sôi của những ngày Nam-Bắc thi đua đánh Mỹ, với lòng yêu nước nồng nàn, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quí hơn độc lập tự do”, “Lúc này, chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước. Tất cả chúng ta hãy đoàn kết nhất trí, triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, từ sáng kiến của Ban chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ Huyện Đan Phượng (tỉnh Hà Đông cũ nay là Hà Nội), tháng 3/1965, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã chính thức phát động phong trào “Ba đảm nhiệm”  trên toàn miền Bắc với nội dung: Đảm nhiệm sản xuất và công tác thay thế cho nam giới đi chiến đấu; đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và chiến đấu. Phong trào đã được Bác Hồ đổi tên thành “Ba đảm đang”. Phong trào đã nhanh chóng phát triển mạnh mẽ, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, có sức lôi cuốn đông đảo các tầng lớp phụ nữ Thủ đô và phụ nữ toàn miền Bắc. Chị em hăng hái tham gia với tất cả tấm lòng tin tưởng, tự hào, ý chí quyết tâm hơn bao giờ hết. Chỉ sau một thời gian ngắn đã có trên 30 vạn phụ nữ thuộc các lứa tuổi, mọi thành phần ghi tên tình nguyện “Ba đảm đang”. Những nữ công nhân, nữ xã viên thủ công đem hết sức mình ngày đêm tích cực sản xuất để hoàn thành tốt kế hoạch. Nhà máy dệt 8/3, các Xí nghiệp dược phẩm I, II, X, 40, hợp tác xã sao đỏ, Giấy hữu nghị… nhiều đơn vị, chị em thay thế nam giới đi nhập ngũ, phấn đấu làm tốt nhiệm vụ.

Thực hiện Chỉ đạo của thành phố Hà Nội, các tổ đan len gồm 6.000 các bà, các chị ở đường phố kèm theo một vạn cụ già và các em nhỏ đi sơ tán và ổn định sản xuất. Ở ngoại thành, chị em khẩn trương thu hoạch vụ chiêm và màu nhanh gọn, thậm chí còn đảm nhận cả khâu thủy lợi, làm phân, đắp đe, phòng lụt… Phụ nữ Hà Nội có thể làm tất cả những việc mà trước đây chị em chưa hề làm kể cả những việc cần đến kỹ thuật. Hàng vạn người mẹ, người vợ Thủ đô lần lượt tiễn chồng, con lên đường đi chiến đấu. Nhiều chị em hoãn ngày cưới, động viên người yêu lên đường. Có những người mẹ, con trước hy sinh tiếp tục tiễn con sau ra mặt trận. Bởi bên cạnh tình thương yêu gia đình, những người bà, người mẹ, người em gái Thủ đô luôn cháy bỏng tình yêu quê hương đất nước, căm thù quân xâm lược. Ở lại hậu phương, họ lại thay thế những người thân yêu đảm đang việc nhà, nuôi dạy con, vừa lao động sản xuất vừa công tác với tinh thần nỗ lực phi thường. Phong trào “Ba đảm đang” đã thúc đẩy những chị em bình thường, thậm chí chậm tiến thành những người tiên tiến. Phong trào đã ghi những dấu ấn không thể phai mờ về người phụ nữ trong gian khổ và khốc liệt của chiến tranh, đã vượt lên đảm trách mọi công việc và trưởng thành.

Khi địch đánh phá trở lại Hà Nội, ngày 11/ 5/1972, phụ nữ Hà Nội trong triển khai học tập Nghị quyết và lời tuyên bố của phụ nữ Việt Nam đã xác định phấn đấu “Mỗi phụ nữ Thủ đô là một chiến sỹ kiên cường trong chiến đấu, sản xuất và đời sống”. Trong lao động sản xuất cũng như trong chiến đấu, chị em đã thể hiện rõ nghị lực phi thường với khẩu hiệu “ địch đánh một ta làm mười”, “địch đánh ban ngày ta sản xuất ban đêm”, “tay cày tay súng”…Và phát huy tinh thần ý chí ấy, phụ nữ Thủ đô đã tích cực đóng góp cùng quân và dân miền Bắc và Hà Nội đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ trong 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972, làm nên kỳ tích chiến thắng “Hà Nội- Điện biên phủ trên không”.

Lịch sử phong trào phụ nữ Thủ đô đã ghi dấu ấn những chiến công vẻ vang, những tấm gương chiến đấu dũng cảm, gan dạ kiên cường, sẵn sàng hy sinh của phụ nữ Hà Nội trong 12 ngày đêm địch dùng B52 ném bom rải thảm vào Hà Nội, đặc biệt là các nữ tự vệ, nữ dân quân, các đội cứu thương, cứu tế, cứu sập hầm…. Chấp hành lệnh sơ tán, chị em vận động các gia đình đưa người già và trẻ em ra khỏi thành phố khi cần thiết, tạo điều kiện cho lưới lửa phòng không diệt máy bay địch, hạn chế thiệt hại trong 12 ngày đêm. Khi địch mở rộng chiến tranh phá hoại, với tấm lòng vị tha, thông cảm, chị em phụ nữ ngoại thành và các tỉnh lân cận đã thương yêu, chăm sóc các cháu như con em ruột thịt, nhường nhà, nhường đình, chùa làm nơi ăn ở, làm trại trẻ, lớp sơ tán.

“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”

Ở lại bám trụ với Thủ đô, với tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, phụ nữ Hà Nội quyết tâm đảm đang chiến đấu và phục vụ chiến đấu, 45% phụ nữ đã tham gia vào lực lượng dân quân, 35% vào lực lượng tự vệ  biên chế thành 117 trung đội và một đại đội toàn nữ. Các chi hội phụ nữ đường phố đã thành lập 275 tổ phục vụ chiến đấu. Những người phụ nữ đảm đang dịu hiền, ngày hôm qua còn đan len, dệt vải, ngày hôm nay vừa sản xuất vừa chiến đấu. Tiêu biểu như đại đội nữ dân quân Lộc Hà (Đông Anh), trung đội nữ tự vệ Nhà máy Dệt 8/3, đại đội nữ HTX dệt Thành Công, đại đội 3 Nhà máy thực phẩm xuất khẩu… Được chuẩn bị về tinh thần và tư tưởng, chị em cùng anh em lực lượng bán vũ trang đã chuyên cần luyện tập, cùng với lực lượng quân đội phòng không tạo nên “tọa độ lửa” bảo vệ Thủ đô, làm cho giặc lái Mỹ khiếp đảm. Ban Chỉ huy từ tiểu đội đến tiểu đoàn, xã hội, tỷ lệ nữ chiếm 30%. Chị em gan dạ, lập nhiều thành tích xuất sắc. Điển hình như chị Đỗ Thị Minh, trung đội phó dân quân ở Yên Viên, trong trận chiến đấu đánh máy bay, bị bom Mỹ bắn nát cả hai chân vẫn không rời trận địa, anh dũng cùng đồng đội chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Chị Nguyễn Thị Ngoan ở Mai Lâm (Đông Anh), trong trận đầu đánh trả máy bay địch đã lấy thân mình làm giá súng để đồng đội tranh thủ thời cơ diệt địch. Nữ tự vệ cùng đồng đội hợp đồng tác chiến với các đơn vị tên lửa của bộ đội kịp thời nổ sung bắn rơi 6 máy bay (trong đó có một máy bay hiện đại F111) có chị Phạm Thị Viễn và Ngô Thị Hiếu, công nhân nhà máy cơ khí Mai Động tham gia.

Chúng ta không bao giờ quên hình ảnh Chị Phạm thị Viễn – dù được tin nhà bị trúng bom, bố mất, vẫn kiên cường bám trụ trên trận địa pháo. Nữ dân quân tự vệ cùng anh em bắt sống giặc lái – chị Nguyễn Thị Tý, Nguyễn Thị Bách, xã Giang Biên cũng như chị Nguyễn Thị Kim Thu và chị Trần Thị Loan, công nhân nhà máy cơ khí Quang Trung làm nhiệm vụ quan sát trên chòi cao, bom nổ, lửa cháy, chòi chao đảo vẫn không rời vị trí, bình tĩnh báo cáo về chỉ huy. Những nữ dân quân tự vệ tích cực tham gia, góp phần giải tỏa hàng chục tấn hàng ở các ga tránh bị địch oanh tạc. Cứ sau mỗi trận bom, mẹ Nguyễn Thị Hảo, xã Thượng Thanh, huyện Gia Lâm, có một người con trai đi bộ đội tên lửa, lại chạy lên trận địa pháo, hỏi thăm tình hình chiến sỹ. Hằng ngày, mẹ cùng chị em phụ nữ trong thôn mang cơm nước lên trận địa, ở nhà có gì mang đi hết, mang đủ thứ, cả khoai luộc…Vừa dứt tiếng bom, trong khói lửa, nữ tự vệ nhà máy cơ khí Gia Lâm, Dệt 8/3 lại lao ra cứu tài sản của đơn vị.

Ở lĩnh vực nào, phụ nữ Thủ đô cũng nêu gương dũng cảm. Chị em ngành giao thông bám mặt đường, san lấp hố bom, sửa chữa cầu phà, thông xe bảo đảm giao thông thông suốt. Đêm 18/12/1972, chị em nhà hộ sinh B (khu Hai Bà Trưng) khẩn trương tự động mở tuyến 2 cấp cứu được 7 nạn nhân. Trong bom đạn ác liệt, chị em bưu điện Đông Anh, Gia Lâm giữ vững đường dây, bảo đảm tốt các cuộc đàm thoại giúp việc chỉ huy quân sự được thông suốt. Chị em thương nghiệp bám trụ nơi trọng điểm, kịp thời phục vụ bộ đội và lực lượng khắc phục hậu quả sau trận đánh. Ở những nơi địch gây tội ác, các mẹ các chị với tình thương và trách nhiệm đã đứng ra chôn cất, mai táng cho người đã khuất, chăm lo người già, trẻ em mất nơi nương tựa. Nhiều cán bộ Hội cơ sở như bà Nguyễn Thị Quyền ở Gia Thụy, Ngô Thị Bê ở Mễ Trì, Chử Thị Hạnh ở Tứ Hiệp, Nguyễn Thị Tuyết ở thị trấn Gia Lâm, Phạm Thị Thông ở thị trấn Yên Viên… vừa dứt tiếng bom đã có mặt ở hiện trường cùng bà con khắc phục hậu quả. Bà Nguyễn Thị Tuyết, khối 45 Khâm Thiên thay ông Trưởng ban đại biểu khối bị chết do bom điều hành mọi công việc. Bà Trần Thị Hoán ở Giáp Bát suốt 12 ngày địch đánh phá đã trụ lại trong lô cốt cùng các cán bộ khắc phục hậu quả sau mỗi trận bom. Cụ Vương Thị Bạn ở Yên Phụ bới hầm cứu ba người, cùng anh em đưa 40 người đến trạm cấp cứu. Hội mẹ chiến sỹ và Chi hội phụ nữ Đa Tốn đã ủng hộ 350 cây tre và rơm rạ dựng lại nhà cho bà con thôn Ngọc Đông bị bom Mỹ tàn phá. Ngoài ra, còn hàng ngàn, hàng vạn các mẹ, các chị vào các tổ tiếp tế, cứu thương, cứu sập … đóng góp trên 2 triệu ngày công xây dựng trận địa pháo, đào giao thông hào, phá gỡ bom nổ chậm, phục vụ chiến đấu 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội. Trong 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt, các tầng lớp phụ nữ Thủ đô đã tích cực góp phần khắc phục hậu quả để giảm bớt thiệt hại do bom Mỹ gây ra. Đã có 21 chị được tặng Huy hiệu Bác Hồ, 16 chị được kết nạp ngay tại trận địa.

Phát huy tinh thần phong trào “Ba đảm đang” chống Mỹ cứu nước, phụ nữ Hà Nội đã góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân Thủ đô trong cuộc đọ sức quyết liệt 12 ngày đêm với đế quốc Mỹ, lập thành tích xuất sắc với chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân có qui mô lớn nhất, tàn bạo nhất trong lịch sử của đế quốc Mỹ. Chiến thắng “ Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần tạo bước ngoặt của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ trên mặt trận ngoại giao, buộc chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari ngày 27/01/1973 và rút hết quân Mỹ về nước, chấm dứt chiến tranh xâm lược, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

45 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên phủ trên không” vẫn còn nguyên giá trị, để lại những bài học vô cùng sâu sắc về phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặc biệt là tinh thần đại đoàn kết dân tộc, thế trận chiến tranh nhân dân, phòng không nhân dân vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp. Đối với tổ chức Hội phụ nữ, chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” góp phần khẳng định một lần nữa sức mạnh to lớn của các tầng lớp phụ nữ Thủ đô, sức sống mãnh liệt của phong trào “Ba đảm đang”, khẳng định truyền thống tốt đẹp của Phụ nữ Việt Nam “Anh hùng- Bất khuất- Trung hậu-Đảm đang”. Phong trào Phụ nữ “Ba đảm đang” mãi là niềm tự hào, mốc son chói lọi trong những trang sử vẻ vang của phong trào phụ nữ Thủ đô và cả nước.

Phát huy truyền thống "Ba đảm đang" năm xưa, phụ nữ Thủ đô ngày hôm nay đã và đang cùng Đảng bộ và nhân dân Thành phố kế tục truyền thống viết tiếp những trang sử hào hùng của Thăng Long-Hà Nội.

Ths. Trần Thị Phương Hoa

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội

Top