Phụ nữ Thủ đô- Những chứng nhân lịch sử của một thời oanh liệt, hào hùng

07/10/2024 4:31 PM

(Chinhphu.vn) - Trong chặng đường lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển, kể từ ngày giải phóng Thủ đô đến nay, phụ nữ Hà Nội đã có những đóng góp nổi bật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, trong những năm kháng chiến phụ nữ đã tham gia chiến đấu với tinh thần gan dạ, dũng cảm vào vùng địch hậu để phục vụ chiến đấu và tham gia chiến đấu, với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Phụ nữ Thủ đô- Những chứng nhân lịch sử của một thời oanh liệt, hào hùng- Ảnh 1.

Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức gặp mặt phụ nữ tiêu biểu nhân kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Phát huy khí phách của Bà Trưng, Bà Triệu

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, phụ nữ Việt Nam luôn là lực lượng quan trọng, có nhiều đóng góp to lớn, tạo nên những dấu ấn đậm nét, là những chiến sĩ chống ngoại xâm kiên cường dũng cảm. Phát huy khí phách của Bà Trưng, Bà Triệu, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phong trào phụ nữ "Ba đảm đang" là mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam với nghị lực phi thường, phẩm chất đạo đức cao đẹp.

Điển hình, khi giặc Pháp đánh chiếm Thủ đô Hà Nội, các thế hệ phụ nữ đã nêu cao tinh thần yêu nước, lòng quả cảm để đấu tranh anh dũng trên các mặt trận chống Pháp bảo vệ Thủ đô. Nhiều chị đã ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ cứu thương ở mặt trận Bạch Mai, Ô Cầu Dền... như đội nữ du kích Hồng Hà, đội nữ giao thông Lãng Bạc hàng đêm đều vượt sông qua các vị trí địch đem lương thực, thực phẩm, thuốc men, thư từ vào nội đô. 

Nhiều tấm gương dũng cảm lao vào trại địch lấy súng máy như vụ nhà Tiền, nhà Dầu, có chị đã dùng dao găm hạ gục 5 tên giặc. Hay tiểu đội nữ Ngọc Hà thuộc Đại đội 134 đã dùng lựu đạn, dao găm, mã tấu đánh giáp lá cà. Có chị tham gia chiến đấu với tinh thần cảm tử như chị Nguyễn Thị Lợi xách chiếc va li đặt mìn nổ chậm lên tàu lính thủy đánh bộ Pháp.

Trong cuộc tổng khởi nghĩa năm 1945, phụ nữ Hà Nội đã trở thành lực lượng cách mạng quan trọng đấu tranh đánh đổ kẻ thù đập tan xiềng xích nô lệ; Góp phần không nhỏ trong đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng bản thân. Hưởng ứng "Tuần lễ vàng", quỹ "Đảm phụ quốc phòng" nhiều chị em đã vận động gia đình ủng hộ chính quyền cách mạng tổng số đạt 2.201 lạng vàng, 9.200 tạ thóc trị giá hơn 7 triệu đồng thời bấy giờ.

Những ngày cả dân tộc đứng trước thử thách gay go Nam-Bắc thi đua đánh Mỹ, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước một lòng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, miền Bắc sôi nổi thi đua với các phong trào "Ba sẵn sàng" của thanh niên, "Ba điểm cao" của công nhân viên chức, "Ba quyết tâm" của trí thức, "Hai giỏi" của phụ lão, thi đua "Năm tốt" của phụ nữ... 

Từ sáng kiến của Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ Huyện Đan Phượng (tỉnh Hà Đông cũ nay là Hà Nội), tháng 3/1965, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã chính thức phát động phong trào "Ba đảm nhiệm" trên toàn miền Bắc với nội dung: Đảm nhiệm sản xuất và công tác thay thế cho nam giới đi chiến đấu; đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và chiến đấu. 

Phong trào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đổi tên thành "Ba đảm đang" và đã nhanh chóng phát triển mạnh mẽ, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, có sức lôi cuốn đông đảo các tầng lớp phụ nữ Thủ đô và phụ nữ toàn miền Bắc. Chị em hăng hái tham gia với tất cả tấm lòng tin tưởng, tự hào, ý chí quyết tâm hơn bao giờ hết. Phụ nữ Hà Nội có thể làm tất cả những việc mà trước đây chị em chưa hề làm kể cả những việc cần đến kỹ thuật. Hàng vạn người mẹ, người vợ Thủ đô lần lượt tiễn chồng, con lên đường đi chiến đấu...

Khi địch đánh phá Hà Nội, ngày 11/5/1972, phụ nữ Hà Nội đã xác định phấn đấu "Mỗi phụ nữ Thủ đô là một chiến sỹ kiên cường trong chiến đấu, sản xuất và đời sống". Phụ nữ Thủ đô đã thể hiện rõ nghị lực phi thường với khẩu hiệu " địch đánh một ta làm mười", "địch đánh ban ngày ta sản xuất ban đêm", "tay cày tay súng"… tích cực đóng góp cùng quân và dân miền Bắc và Hà Nội đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ trong 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972, làm nên kỳ tích chiến thắng "Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không".

Trong các cuộc chiến đã xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng như chị Đỗ Thị Minh bị bom Mỹ bắn nát cả hai chân vẫn không rời trận địa. Các chị Đặng Thị Liên, Nguyễn Thị Ngoan (Đông Anh), Hoàng Thị Diệu, Đỗ Thị Văn (Gia Lâm), trong trận đầu đánh máy bay địch đã lấy thân mình làm giá súng để đồng đội diệt giặc; các chị Phan Thị Viễn, Ngô Thị Hiếu đã hợp đồng tác chiến với bộ đội tên lửa bắn rơi 6 máy bay Mỹ. 

Những cái tên như Nguyễn Thị Tý, Nguyễn Thị Bách, Nguyễn Thị Kim Thu, Trần Thị Lan vẫn gắn chặt với các chiến công bắt giặc lái Mỹ… Đặc biệt những tấm gương như liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và các nữ chiến sĩ Hà Nội tại khắp các chiến trường đã khiến đời đời người Hà Nội, Việt Nam và quốc tế cảm phục, tôn kính.

Phụ nữ Thủ đô- Những chứng nhân lịch sử của một thời oanh liệt, hào hùng- Ảnh 2.

Những nữ chứng nhân lịch sử của Thủ đô "một thời hoa lửa". Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, truyền thống của Thủ đô anh hùng

Những năm tháng kháng chiến trường kỳ gian khổ, với ý chí không gì lay chuyển được và tinh thần chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo của quân và dân ta, ngày 10/10/1954, Thủ đô được giải phóng, là sự kiện có ý nghĩa chính trị trọng đại - là mốc son lịch sử chói lọi, đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), vừa qua, tại khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh - Phủ Chủ tịch, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP. Hà Nội tổ chức chương trình gặp mặt phụ nữ tiêu biểu tham gia kháng chiến và tiếp quản Thủ đô. Tại đây, 33 phụ nữ tiêu biểu có mặt trong chương trình là những nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp và giải phóng Thủ đô, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng. 

Các bác, các cô đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Lao động, Huân chương Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng như bác Lê Thị Toan, bác Công Thị Thu (nữ giao liên, tiểu đội trưởng, trưởng ban cán sự phụ nữ xã); Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng như bác Nguyễn Thị Mỹ, bác Nguyễn Thị Thường (đoàn viên phụ nữ cứu quốc, đội Hoàng Diệu hoạt động nội thành, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà tù Hỏa lò), bác Ngô Thị Ngọc Diệp (đoàn ca múa nhạc Tổng cục chính trị tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ và giải phóng Thủ đô)- Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng…

Chia sẻ về những ký ức thời chiến, bà Nguyễn Thị Thường (đoàn viên phụ nữ cứu quốc, đội Hoàng Diệu hoạt động nội thành) kể về những tháng năm bị tù đày: Ở Hỏa Lò địch tra tấn bằng nhiều hình thức dã man, đủ các loại đòn nhưng bà nhất quyết không khai. Có lần bà bị cặp điện ở hai bên tai rồi quay điện. , Bà không sợ, điện giật mạnh bị rơi một bên, bà kẻ địch: "Này, rơi mất một bên rồi". Ý chí kiên cường bất khuất của người nữ đoàn viên cứu quốc khiến kẻ địch kinh ngạc.

Dù đã bước sang tuổi xưa nay hiếm nhưng ý trí, sức mạnh, tinh thần chiến đấu vẫn còn mãi trong tâm thế các bà, các mẹ. Bà Nguyễn Thị Thành Nhân, Trưởng ban liên lạc cán bộ phụ nữ tham gia kháng chiến và tiếp quản Thủ đô kể về công tác rải truyền đơn những ngày kháng chiến. Bà cùng các mẹ, các chị buộc truyền đơn vào những con chim bồ câu bán tại chợ Đồng Xuân. "Nhân dân luôn hướng về kháng chiến, mặc dù đó là công việc mạo hiểm, nếu bị địch bắt thì sẽ bị tra tấn, tù đày, nhưng các chị, các mẹ vẫn làm", Bà Nhân kể.

Hoà bình lập lại, các bà, các mẹ tiếp tục là những cán bộ, đảng viên ưu tú, tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, hăng hái tham gia phong trào phụ nữ thi đua "5 tốt", "3 đảm đang", nhiều người giữ các cương vị lãnh đạo sở, ngành và các địa phương như bà Nguyễn Thị Thành Nhân, Trưởng ban liên lạc cán bộ phụ nữ tham gia kháng chiến và tiếp quản Thủ đô, Giám đốc Sở Quản lý ăn uống Hà Nội; bà Lê Thị Toan, nguyên Bí thư Đảng đoàn phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân tập thể Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Thành phố. Dù tuổi đã cao, các bà, các mẹ vẫn tiếp tục giữ vững bản lĩnh chính trị, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, động viên con cháu thực hiện; là những tấm gương cho thế hệ phụ nữ hôm nay học tập và noi theo.

Bà Lê Kim Anh Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội cho biết, phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, truyền thống của Thủ đô anh hùng, tiếp bước các thế hệ phụ nữ đi trước, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã bám sát nhiệm vụ chính trị, cụ thể hóa nghị quyết và các chương trình công tác của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố. Vận dụng, sáng tạo tổ chức tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô như phong trào "Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc" , xây dựng người phụ nữ Thủ đô "Trung hậu, Sáng tạo, Đảm đang, Thanh lịch" đã được Trung ương Hội nhân rộng thành phong trào trong toàn quốc. Các phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" trong nữ công nhân lao động, người tốt việc tốt, phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, "Phòng chống ma túy từ gia đình", cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch", cuộc vận động "Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp"… được thực hiện với hình thức đa dạng, phong phú thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia. 

Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc, tham gia xây dựng nông thôn mới, trật tự văn minh đô thị có chuyển biến tích cực với nhiều mô hình, cách làm hay. Các chương trình, đề án hỗ trợ cho sự phát triển của phụ nữ, vai trò của tổ chức Hội trong giám sát, phản biện xã hội được nâng lên đã góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Bà Lê Kim Anh nhấn mạnh, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội sẽ chủ động, sáng tạo, chỉ đạo tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua, các nhiệm vụ công tác Hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Thủ đô, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, xứng đáng với danh hiệu Thủ đô anh hùng, Thành phố Vì hòa bình.

Thiện Tâm

Top