Phú Xuyên: Từ nay đến cuối năm có ít nhất 4 xã về đích Nông thôn mới

03/12/2018 4:35 PM

(Chinhphu.vn) - Với mục tiêu có thêm 5 xã về đích nông thôn mới trong năm 2018, với những tiêu chí đã đạt và cơ bản đạt, hiện huyện Phú Xuyên đang nỗ lực phấn đấu từ nay đến cuối năm có ít nhất 4 xã đạt chuẩn NTM.

Chăn nuôi theo mô hình khép kín mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: Thiện Tâm

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, chủ tịch huyện Phú Xuyên, thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay trên địa bàn huyện có 16/26 xã được Thành phố công nhận đạt chuẩn NTM. Trong năm 2018, huyện Phú Xuyên đăng ký 5 xã về đích NTM là: Hồng Minh, Bạch Hạ, Thụy Phú, Tân Dân, Quang Lãng. Hiện nay các xã đã đạt và cơ bản đạt 18/19 tiêu chí (tiêu chí Trường học cơ bản đạt). Trong đó, các xã tự chấm điểm có xã Hồng Minh đạt 96,3 điểm, Bạch Hạ 96,65 điểm, Thụy Phú  96,25 điểm, Tân Dân 95,7 điểm và Quang Lãng 96,05 điểm. Với tiến độ này, các xã đang hoàn thiện hồ sơ để gửi Thành phố thẩm định công nhận xã đạt chuẩn NTM và huyện cũng quyết tâm phấn đấu năm 2018 có từ 4 xã trở lên đạt chuẩn NTM.

Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu

Tuy nhiên, các xã còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, đặc biệt là tiêu chí trường học. Theo chia sẻ của bà Phạm Hải Hoa, Bí thư huyện Phú Xuyên, nguyên nhân là do huyện có nguồn thu ngân sách thấp, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nhưng được sự quan tâm của Thành ủy, UBND Thành phố và các sở, ngành huyện đã tập trung các nguồn lực đầu tư cho chương trình xây dựng NTM. Trong hơn 2 năm thực hiện huyện Phú Xuyên đã huy động kinh phí để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn là 1.096 tỷ 129 triệu đồng. Theo đó, đã có 15 trường học được xây mới, nâng cấp, cải tạo đạt chuẩn quốc gia, đến nay có 29/88 trường đạt chuẩn quốc gia.

Để giải quyết khó khăn, huyện đã chủ động mời Sở GD&ĐT Hà Nội về rà soát, tư vấn cho 11 trường đạt chuẩn Quốc gia năm 2018. Vì vậy, đến nay, trong 5 xã đăng ký năm 2018 có 1 Trường Tiểu học xã Hồng Minh đạt chuẩn Quốc gia và các trường còn lại đã đạt 4/5 tiêu chuẩn trường học đạt chuẩn Quốc gia.

Trường THCS Quang Lãng, Mầm non Bạch Hạ đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng, lắp đặt gói thiết bị. Trường Mầm non Hồng Minh, THCS Bạch Hạ, Tiểu học Quang Lãng, Mầm non Tân Dân và Tiểu học Tân Dân đã được Ban quản lý xây dựng thành phố về khảo sát hiện trạng, thiết kế và lập kế hoạch thi công các hạng mục dự án trong năm  2019. Nhưng để đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn Quốc gia trong năm 2018, Đoàn thành phố đã về khảo sát, tư vấn sửa chữa các hạng mục cấp bách và bổ sung trang thiết bị, đến nay tất cả các công trình đã triển khai thi công cơ bản xong.

Còn với 2 trường THCS và tiểu học Thụy Phú hiện vẫn đang thi công nhưng do yếu tố thời tiết nên tiến độ chưa đạt yêu cầu. Huyện cũng phấn đấu đẩy nhanh tiến độ để cơ bản xây dựng xong phần thô trong tháng 12/2018.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế-Nâng cao thu nhập

Có thể thấy, tính đến nay chương trình xây dựng NTM của huyện Phú Xuyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn huyện. Song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện Phú Xuyên cũng rất chú trọng đến phát triển nông nghiệp, đây được xem là một ngành quan trọng góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, đã hình thành một số vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn có giá trị kinh tế cao. Đồng thời bước đầu đã hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu những sản phẩm đặc trưng tạo điều kiện phát triển bền vững.

Đến nay, tổng diện tích chuyển đổi là hơn 2,4 nghìn ha. Trong đó diện tích VAC (Vườn ao chuồng) là hơn 1,5 nghìn ha, diện tích nuôi trồng thủy sản 445ha, diện tích chăn nuôi xa khu dân cư là 52ha… Toàn huyện có 89 trang trại đạt tiêu chí, tăng 16 trang trại so với năm 2015, trong đó có 21 trang trại chăn nuôi, 26 trang trại tổng hợp… Đặc biệt, nhiều mô hình mới được nhân dân áp dụng đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng măng tây xanh, rau trái vụ; mô hình rau an toàn, khoai tây vụ đông, bí xanh an toàn, bưởi Diễn, cam Canh… Giá trị sản xuất/1ha canh tác đạt từ 200-230 triệu đồng, có mô hình đạt 400-500 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã có một số mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo an toàn thực phẩm như: Mô hình trồng măng tây ở xã Hồng Thái có sử dụng hệ thống tưới tiết, trồng trong nhà màng; một số trang trại chăn nuôi ở xã Phúc Tiến, Châu Can, Quang Lãng, Tân Dân sử dụng giống mới nhập nội, chăn nuôi theo công nghệ chuồng kín có hệ thống điều tiết nhiệt độ, ánh sáng, có hệ thống máng ăn, uống tự động. Để đảm bảo đầu ra ổn định, một số cơ sở chăn nuôi đã liên kết với một số công ty lớn như: Tập đoàn lớn CP, công ty Mavin… Mặc dù giá cả thịt lợn không ổn định song số lượng đàn gia súc, gia cầm vẫn duy trì phát triển. Trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để các trang trại có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất chuồng trại phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết chuỗi giá trị.

Nhờ vậy, đời sống nông dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 ước đạt đạt 39,6 triệu đồng. Năm 2018, theo quy định tiêu chí thu nhập xã đạt chuẩn NTM phải đạt bình quân đạt 41 triệu đồng/người. Theo kết quả điều tra thống kê đến tháng 11/2018 cả 5/5 xã (đã nếu trên) đều đạt và cơ bản đạt tiêu chí này.

Với những kết quả đạt được, huyện Phú Xuyên phấn đấu từ nay đến năm 2020, huyện sẽ có 26/26 xã đạt chuẩn NTM. Vì vậy, để đạt được mục tiêu, bà Phạm Hải Hoa cho biết, huyện Phú Xuyên sẽ tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để tạo sự đồng thuận từ cán bộ đến nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM. Đồng thời đẩy mạnh chỉ đạo xây dựng phát triển sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường. Trong đó tập trung phát triển các sản phẩm là thế mạnh của huyện như: Măng tây, chăn nuôi gia cầm, thủy sản ...

Ngoài ra cần đẩy mạnh công tác dạy nghề, thông tin thị trường cho nông dân gắn với quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn cũng như phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả để tăng thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Thực hiện huy động nguồn kinh phí từ nhiều nguồn như thông qua chương trình từ nhiều thành phần kinh tế và nhiều kênh khác nhau từ nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý đất xen kẹt, tiền thuê đất của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các tổ chức kinh tế trên địa bàn. Đồng thời thu hút các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, các hợp tác xã và hộ kinh doanh góp vốn cùng tham gia đầu tư thực hiện các dự án để xã hội hóa đầu tư.

Thiện Tâm

Top