Phục hồi du lịch Thủ đô bằng nguồn lực văn hóa

02/01/2022 7:06 PM

(Chinhphu.vn) – Với một kho tàng di sản văn hóa lớn, Hà Nội có những thế mạnh về văn hóa góp phần làm đa dạng các sản phẩm du lịch mà không phải địa phương nào cũng có được.

Du lịch văn hóa là loại hình quan trọng, có sức hấp dẫn, góp phần phát triển bền vững của Thủ đô. Ảnh: VGP/Minh Anh

Hà Nội là “nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nền văn hóa, văn minh của dân tộc” với 5.922 di tích, 1 di sản văn hóa thế giới, 1.793 các di sản văn hóa phi vật thể; trong đó có 3 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản tư liệu thế giới, 26 di sản trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, du lịch văn hóa là loại hình quan trọng, có sức hấp dẫn, góp phần phát triển bền vững; là một trong những dòng sản phẩm thu hút du khách trong nước và quốc tế tham quan, tìm hiểu đất nước, con người, lịch sử và văn hóa Việt Nam, cũng như Thủ đô Hà Nội.

Trong chiến lược phát triển sản du lịch Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030, du lịch văn hoá là 1 trong 4 dòng sản phẩm chính, bên cạnh du lịch thiên nhiên, biển đảo và đô thị.  Trong những năm vừa qua, ngành du lịch Thủ đô đã tập trung phát triển sản phẩm du lịch theo hướng đi tôn tạo phát huy giá trị di sản văn hóa làm sản phẩm du lịch và đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu tích cực, từng bước khẳng định vị trí là ngành kinh tế mũi nhọn.

Bà Đặng Hương Giang cho rằng, di sản văn hóa bao gồm cả loại hình vật thể, phi vật thể cùng hệ thống di tích, danh thắng, lịch sử, văn hóa phong phú của Hà Nội chính là nguồn tài nguyên du lịch lớn, góp phần quan trọng tạo nên sự hấp dẫn, độc đáo cho sản phẩm du lịch của Hà Nội và trong liên kết du lịch giữa các vùng miền, địa phương trong nước.

Theo ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, giữa hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch có mối quan hệ tương hỗ mật thiết. Nếu biết quản lý, sử dụng đúng hướng, di sản sẽ là nguồn lực lớn mang đến lợi nhuận lâu dài, bền vững cho du lịch nói riêng và nền kinh tế - xã hội nói chung. Bởi vì hoạt động du lịch cũng là cầu nối hữu hiệu giúp quảng bá, phát huy giá trị di sản, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, từ đó giới thiệu hình ảnh, văn hóa khách du lịch.

Theo PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, trong vòng 5 năm qua, Hà Nội đã có thêm nhiều điểm đến mới, nhiều sản phẩm du lịch mang tính đặc thù dựa trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống một cách bền vững. Với những lợi thế của mình, Hà Nội cần đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch văn hoá - di sản, sao cho xứng tầm với vị thể của Thủ đô có bề dày lịch sử vẫn hóa hơn ngàn năm tuổi.

Cũng theo ông Phạm Hồng Long, từ thực tế khai thác du lịch từ di sản, chúng ta cần chú ý bảo vệ tài nguyên văn hóa khi khai thác phát triển du lịch bền vững. Muốn vậy, cần đào tạo đội ngũ cán bộ từ quản lý di sản đến những người làm du lịch am hiểu về văn hóa và kinh doanh du lịch. Mô hình phát triển du lịch của Hà Nội dựa trên khai thác các di sản văn hóa của Hà Nội cần được hoạch định dài hơi, trong đó không chỉ lấy yếu tố lợi nhuận làm mục tiêu mà còn cần tính đến những lợi ích cho tương lai. Cần đưa các giá trị vốn có của di sản vào phục vụ cuộc sống, từ đó bảo tồn và phát huy những giá trị đó. Trong quy hoạch tổ chức không gian du lịch, cần quản lý được sức chứa phù hợp khả năng chịu tải của tài nguyên, môi trường du lịch tại di sản. Cộng đồng địa phương sẽ tham gia vào làm du lịch với tư cách là chủ nhân.

Liên quan đến vấn đề này, trong đại dịch COVID-19, ngành du lịch nói riêng và Hà Nội nói chung tiếp tục phải giải thêm bài toán về đảm bảo an toàn tại các điểm đến, các di sản văn hóa.

Ông Nguyễn Đăng Thạo - Trưởng Ban quản lý làng cổ Đường Lâm cho biết, quá trình phát triển du lịch tại Làng cổ ở Đường Lâm đã tạo cho cộng đồng dân cư thấy rõ lợi ích, vai trò, tầm quan trọng của ngành công nghiệp không khói, sự liên kết để phát triển bền vững, vấn đề khai thác, phát huy giá trị di tích một cách chủ động, sáng tạo, gắn với thực tế.

Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác quản lý di sản văn hóa còn gặp khó khăn và việc phát triển ngành kinh tế du lịch - dịch vụ trên địa bàn thị xã chưa tương xứng với tiềm năng, Đặc biệt, như một di sản sống, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, đã làm ảnh hưởng tới việc thu hút cộng đồng người dân tham gia làm du lịch. Do đó, Ban Quản lý di tích Làng Cổ Đường Lâm đã phải đưa những kế hoạch cụ thể trong việc đảm bảo an toàn thích ứng tình hình mới. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa các di sản, di tích, thiết chế văn hóa trên địa bàn Thủ đô để tạo thành một chuỗi các sản phẩm văn hóa thu hút khách du lịch.

Theo các chuyên gia về du lịch, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhu cầu, xu hướng du lịch thay đổi, trong đó du lịch theo nhóm nhỏ, bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 sẽ là chủ đạo. Vì thế, khi xây dựng các kế hoạch phát triển du lịch, Hà Nội cần tính toán đến sự thay đổi này.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, đối với ngành Du lịch Thủ đô, do ảnh hưởng tiêu cực của 02 đợt bùng phát dịch COVID-19 (lần thứ ba và lần thứ tư) từ đầu năm 2021 đến nay, trong 2021, khách du lịch đến Hà Nội chỉ bao gồm khách du lịch nội địa và ước đạt 4 triệu lượt khách (bằng 53% lượng khách nội địa năm 2020 và bằng 36,3% Kế hoạch đề ra). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 11,28 nghìn tỷ đồng (bằng 42% năm 2020 và bằng 36,8% tổng thu từ khách du lịch nội địa của Kế hoạch đề ra). Để từng bước phục hồi, phát triển ngành Du lịch góp phần vừa thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống dịch, vừa thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội trong các năm 2022-2023; cần thiết phải xây dựng các phương án, kế hoạch phục hồi cụ thể đối với ngành Du lịch sau đại dịch, trước mắt trong các năm 2022-2023 là phục hồi, thu hút thị trường khách du lịch nội địa, mở cửa đón khách du lịch quốc tế theo lộ trình của Chính phủ.

Bà Đặng Hương Giang cho biết, định hướng phát triển sản phẩm du lịch Thủ đô sẽ dựa theo tiềm năng, thế mạnh của từng khu vực, tập trung: Khu vực Trung tâm Thành phố, khu vực ven đô và khu vực ngoại thành, cụ thể. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là phát triển sản phẩm du lịch văn hóa di sản.

Vấn đề là phải làm sao có được những sản phẩm du lịch độc đáo khiến du khách muốn khám phá một Hà Nội quen mà lạ với rất nhiều điểm đến thú vị. “Chúng ta cần khơi dậy niềm tự hào về văn hóa Hà Nội để người dân đi du lịch Thủ đô. Tôi tin rằng, chiến dịch kích cầu du lịch “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội” sẽ góp phần giúp ngành Du lịch “vượt bão” COVID-19, Bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh.

Minh Anh

Top