Phục hồi nét độc đáo của lễ hội truyền thống nội thành Hà Nội
(Chinhphu.vn) - Khôi phục và phát huy lễ hội truyền thống trong khu vực nội thành đang được Sở Văn hóa và Thể thao cùng các quận của Hà Nội phục hồi và phát huy nhằm góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Khu vực nội thành Hà Nội gồm 12 quận với 221 lễ hội truyền thống, trong đó quận Ba Đình có 19 lễ hội, Tây Hồ 9 lễ hội, Nam Từ Liêm 23 lễ hội, Long Biên 34 lễ hội, Hoàn Kiếm 10 lễ hội...
Trong số này có 9/19 lễ hội truyền thống trên địa bàn Hà Nội được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiêu biểu như lễ hội làng Lệ Mật, lễ hội đình Trường Lâm (quận Long Biên), hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ (quận Tây Hồ), lễ hội kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai (quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm), lễ hội chùa Láng quận Đống Đa...
Mới đây, lần đầu tiên, vấn đề khôi phục và phát huy lễ hội truyền thống trong nội thành được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đặt ra tại tọa đàm "Bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội truyền thống tại khu vực nội thành Hà Nội". Do sự thay đổi về cộng đồng, môi trường lễ hội, áp lực của cuộc sống hiện đại nên nhiều lễ hội tại nội thành Hà Nội đứng trước nguy cơ mai một.
Đây đều là những lễ hội có truyền thống lâu đời, đa dạng về sắc thái và độc đáo vad độc đáo về giá trị, tạo nên bản sắc văn hóa riêng, gắn với lịch sử của kinh thành Thăng Long. Có lễ hội trải rộng nhiều phường, quận, có lễ hội giữ nguyên được truyền thống giao hảo, kết chạ có từ hàng trăm năm nay.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, trước những tác động của quá trình đô thị hóa, môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống trong khu vực nội thành Hà Nội đang bị ảnh hưởng và có những biến đổi đáng kể. Vì vậy, Sở mong muốn nhận diện nét đặc trưng, những biến đổi và văn hóa ứng xử trong lễ hội truyền thống, phục dựng nghi lễ, nghi thức và các trò chơi dân gian tại lễ hội, định hướng công tác bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội truyền thống khu vực nội thành Hà Nội để trở thành tài nguyên góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Đổi mới trong tổ chức và phục hưng lễ hội truyền thống
Trước đó, chia sẻ về phục hưng lễ hội truyền thống ở Hà Nội, GS.TS Lê Hồng Lý Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận định, Phục hưng lễ hội truyền thống ở Hà Nội đang diễn ra mạnh mẽ. Bằng chứng của sự phục hưng các lễ hội truyền thống của Hà Nội có thể kể đến hàng loạt những sự chuẩn bị cho mùa lễ hội từ đầu năm 2023. Tất cả các nơi có lễ hội truyền thống đều được chuẩn bị chu đáo và có những đổi mới trong công tác tổ chức và khai thác những giá trị cổ truyền làm cho lễ hội phong phú hơn, đa dạng hấp dẫn hơn.
Tiêu biểu như Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố Cổ Hà Nội tổ chức chương trình "Tết Việt-Tết phố", khai thác nét mới là sự tham gia của các đoàn nghệ thuật từ Bạc Liêu, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa, Sơn La, Phú Thọ, Hải Phòng, mang theo di sản đờn ca tài tử Nam Bộ, ca Huế, múa Xòe, hát Xoan, múa hát Cửa đình… góp phần làm phong phú các hoạt động tôn vinh quảng bá di sản tại khu Phố Cổ Hà Nội.
Tại Đình Kim Ngân (42 - 44 Hàng Bạc) đã phỏng dựng các nghi lễ truyền thống như: Đoàn rước dâng lễ cửa đình, Lễ cáo yết Thành Hoàng và cúng tổ nghề, lễ dựng cây Nêu… Khách tham quan được thưởng lãm không gian Tết cũng như giới thiệu con giáp của năm, dựng cây nêu, ông đồ viết thư pháp, giới thiệu các dòng tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ… Ngoài ra các hoạt động tại Ngôi Nhà di sản (87 Mã Mây), Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) và Không gian Bích họa phố Phùng Hưng13… đều có những hoạt động mới, hấp dẫn khách du lịch.
Một ví dụ nữa về sự phục hưng lễ hội ở Hà Nội là việc quận Đống Đa tiến hành khôi phục đám rước của lễ hội chùa Láng. Đám rước này có từ lâu đời, thời gian vừa qua do điều kiện kinh tế, xã hội và điều kiện giao thông khó khăn, nên bị lãng quên, nay đang được người dân bảy làng Tổng Hạ, Thượng Quyết xưa tha thiết đề nghị khôi phục lại. Kế hoạch phục dựng lại đám rước hoành tráng này đang được Quận Đống Đa triển khai như một sự phục hưng đáng kể của lễ hội truyền thống ở Hà Nội.
GS.TS Lê Hồng Lý nhận định, lý do của việc "phục hưng" này cho thấy càng ngày nhà nước cũng như chính quyền thành phố Hà Nội càng coi trọng vai trò của văn hóa trong sự phát triển kinh tế của đất nước, nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của văn hoá, trong đó là lễ hội truyền thống.
Hồi sinh các di sản, lễ hội truyền thống khu vực nội thành
Từ năm 2008, quận Hoàn Kiếm phối hợp Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội thực hiện đề án "Nghiên cứu tổ chức lễ hội trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm" để khôi phục lễ hội. Bắt đầu từ năm 2009, có 14 lễ hội đã được triển khai đồng bộ. Quận Hoàn Kiếm đã phân cấp tổ chức, quản lý. Theo đó, bảy lễ hội lớn, gồm: Lễ hội đền Bạch Mã, lễ hội Trung thu phố cổ, lễ hội Vua Lê đăng quang, lễ hội đình Kim Ngân... được quận đứng ra tổ chức 5 năm/lần, những năm còn lại do phường tổ chức. Bảy lễ hội còn lại gồm: lễ hội đình - đền - chùa Vũ Thạch, lễ hội chùa Cầu Ðông, lễ hội đình Thanh Hà, đền Phù Ủng... do các phường tổ chức.
Trong tọa đàm do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức, TS. Đinh Việt Hà (Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH) cho rằng, cần nâng cao hiệu quả công tác quản lí và tổ chức lễ hội trong nội thành Hà Nội cũng như cần có sự đầu tư về kinh phí, hệ thống hóa lại toàn bộ hoạt động lễ hội và phân ra từng loại lễ hội để có phương án quản lý và hướng dẫn, tổ chức hoạt động thích hợp.
Từ khi đề án "Nghiên cứu tổ chức lễ hội trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm" được thực hiện, ngày càng nhiều khách du lịch trong nước đặc biệt là khách quốc tế đến tham quan khu vực này. Do vậy, cần tiếp tục duy trì và mở rộng hiện quả của đề án này.
Trước yêu cầu bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Thăng Long, những năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng chính quyền các quận nội thành nghiên cứu khôi phục các lễ hội để đưa nó về với nguyên gốc ban đầu.
Năm 2023, nghi thức rước kiệu Đức Thánh Láng tại Hội chùa Láng được phục dựng sau 70 năm bị gián đoạn, với hàng vạn người tham gia, đã tạo nên khối đại đoàn kết giữa các cộng đồng thực hành di sản và nhân dân tại các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy cùng chung tay góp phần làm sống lại nghi thức sinh hoạt văn hóa người dân vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long xưa. Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ quận Tây Hồ, lễ hội Thập tam trại quận Ba Đình, lễ hội 5 làng Mọc quận Thanh Xuân... cũng được phục dựng các nghi thức truyền thống nhằm đưa lại sự nguyên vẹn cho lễ hội truyền thống trong nội thành.
Tại quận Đống Đa, việc phục dựng thành công Nghi thức rước kiệu Đức thánh Láng cổ truyền đã tạo không khí sôi nổi, thu hút được rất nhiều sự đóng góp của nhân dân, các cơ quan đơn vị, cũng như các mạnh thường quân tham gia ủng hộ. Lễ hội đã tạo nên một khối đại đoàn kết giữa nhân dân các Quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình. Lễ hội đã huy động được sự tham gia đóng góp tích cực nhiệt huyết của cộng đồng dân cư địa phương, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong hoạt động lễ hội.
Các nhà quản lý, các chuyên gia đều cho rằng cần có sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng trong phục dựng các nghi lễ, nghi thức. Chính quyền phối hợp với các cơ quan chuyên môn sưu tầm tư liệu, tổ chức tọa đàm với các nhà khoa học, xây dựng hồ sơ công nhận di sản văn hóa phi vật quốc gia khi đủ điều kiện, nhân dân cùng tham gia trong việc phục dựng các nghi thức bị thất truyền, cùng tham gia tổ chức lễ hội.
Trong thời gian tới, nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội nói chung và loại hình lễ hội truyền thống nói riêng cần có sự phối hợp của các cấp, ban, ngành và đoàn thể và cộng đồng nắm giữ di sản triển khai đồng bộ các giải pháp.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, ngành Văn hóa Thủ đô sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho cộng đồng thực hành và phát huy giá trị văn hoá của lễ hội truyền thống, không nâng tầm lễ hội, ngăn chặn các yếu tố tiêu cực, thực hiện nếp sống văn minh trong các hoạt động tại lễ hội. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục hỗ trợ cộng đồng trong công tác nghiên cứu, phục dựng các nghi lễ, nghi thức truyền thống và các trò chơi dân gian, trao truyền tri thức cho đội ngũ nắm giữ di sản kế cận…
Gia Huy