Phục hồi sản xuất từ vốn vay hỗ trợ COVID-19

15/03/2022 6:50 PM

(Chinhphu.vn) - Do dịch bệnh COVID-19, nhiều làng nghề đã bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hộ, nhiều làng nghề, hộ nghèo và đối tượng chính sách... đã có nguồn vốn để hồi phục sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập.

Phục hồi sản xuất từ vốn vay hỗ trợ COVID-19 - Ảnh 1.

Sản xuất gỗ tại gia đình ông Nguyễn Đức Dũng, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Chia sẻ với phóng viên, ông Dương Quốc Mạnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thạch Thất cho biết: Thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội, ngân hàng đã thiết lập điểm giao dịch tại các xã, thị trấn; tổ chức giao dịch theo lịch cố định hàng tháng nhằm giúp người nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận chính sách ưu đãi của Chính phủ được thuận lợi, dễ dàng hơn. 

Đến hết tháng 2/2022, tổng dư nợ 9 chương trình vay vốn qua Ngân hàng CSXH huyện Thạch Thất là 474,6 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch giao. Trong đó, chương trình vốn cho 77 hộ nghèo gần 2,8 tỷ đồng;  vốn cho 230 hộ cận nghèo gần 9,3 tỷ đồng; vốn cho 977 hộ vay mới thoát nghèo trên 39 tỷ đồng; cho 7.100 hộ vay giải quyết việc làm là trên 303 tỷ đồng; vốn cho học sinh, sinh viên vay gần 5,7 tỷ đồng; vốn nước sạch vệ sinh môi trường gần 112,4 tỷ đồng...

Nguồn vốn này tuy không lớn nhưng rất có ý nghĩa đối với các hộ sản xuất kinh doanh; giúp nhiều hộ dân trên địa bàn vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động.

Theo chị Khương Thị Thu Huyền, thôn Yên, xã Thạch Xá, gia đình chị làm nghề mộc, sản xuất đồ nội thất nhưng trong hai năm qua do dịch bệnh COVID-19, việc sản xuất của gia đình chị cũng như nhiều gia đình khác trong xã gặp nhiều khó khan, thu nhập không ổn định. Trước khi  dịch COVID-19 xảy ra, xưởng sản xuất nhà chị Huyền có gần 20 nhân công nhưng nay chỉ còn khoảng 10 nhân công lao động. Nếu dịch bệnh kéo dài và không được sự hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội của huyện thì gia đình chị không thể kéo dài sản xuất đến bây giờ. Rất may mắn, nhờ sự quan tâm, bình xét từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thạch Thất và xã Thạch Xá, gia đình chị được vay 70 triệu đồng vốn giải quyết việc làm. Từ đó, chị đã chủ động mua thêm máy móc, nguyên vật liệu để phục hồi sản xuất.

Hay như gia đình ông Nguyễn Đức Dũng, xã Thạch Xá cũng nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội đã quyết định thay đổi mô hình sản xuất gia đình. Ông đã mua thêm máy hỗ trợ điêu khắc gỗ và nguyên vật liệu để mở rộng quy mô sản xuất sau dịch COVID-19.

Theo ông Dương Quốc Mạnh, để phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn, ngân hàng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn phối hợp rà soát nhu cầu vay vốn của hộ dân trên địa bàn để khi được phân bổ vốn sẽ triển khai giải ngân theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ.

Phục hồi sản xuất từ vốn vay hỗ trợ COVID-19 - Ảnh 2.

Người lao động đang làm việc tại Công ty TNHH Giầy Hồng Phúc (phường Biên Giang, quận Hà Đông). Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Để hỗ trợ vốn vay cho người dân, theo bà Nguyễn Thị Bắc, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thanh Oai, vốn vay của Ngân hàng chính sách đã hỗ trợ tích cực cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống. Từ đó góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội của huyện. Kết quả năm 2021, toàn huyện Thanh Oai có 143 hộ thoát nghèo, 318 hộ thoát cận nghèo.

Cũng tiếp nhận nguồn vốn vay theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, anh Phùng Mạnh Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Giầy Hồng Phúc (phường Biên Giang, quận Hà Đông) cho biết: Thủ tục vay vốn tại Ngân hàng chính sách cực kỳ nhanh chóng. Trong gần một tuần, với lãi suất 0% đã giúp công ty trả lương cho người lao động kịp thời để người lao động bảo đảm cuộc sống; bản thân doanh nghiệp cũng được lợi từ chính sách này khi hoạt động sản xuất kinh doanh không bị ngừng trệ.

Thiện Tâm

Top