'Phục hồi' tranh Hàng Trống bằng triển lãm và sách điện tử tương tác
(Chinhphu.vn) - Với những cách tiếp cận khá đa dạng về tranh Hàng Trống - một dòng tranh truyền thống đặc sắc của Hà Nội, Triển lãm mang tên "Phục hồi" diễn ra từ 25/4 đến hết tháng 5, tại Đình Nam Hương (Thủ đô Hà Nội).

Tranh dân gian Hàng Trống kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng
"Phục hồi" là một hành trình trở về, một cái nhìn chiêm nghiệm và tôn vinh vẻ đẹp bền vững của văn hóa truyền thống Việt Nam, với những giá trị từng bền bỉ hiện diện trong đời sống tinh thần của cha ông và cần được chăm chút, nâng niu và khơi dậy trong hơi thở đương đại.
Tranh dân gian Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian độc đáo, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng của người Kinh kỳ xưa.
Tranh dân gian Hàng Trống ra đời tại Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ XVI, là kết quả giao thoa tinh hoa giữa Phật giáo và Nho giáo, được các nhà nghiên cứu đánh giá không chỉ mang đậm tính thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, mà còn mang đậm yếu tố văn hóa, thời đại mà nó sinh ra. Thời kỳ được cho là hoàng kim của dòng tranh này đó là vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. đó, tranh Hàng Trống được bán ở khắp các khu vực Hàng Bồ, Hàng Nón, Hàng Trống.
Tranh sử dụng kỹ thuật nửa in nửa vẽ, chỉ in ván nét lấy hình, màu là thuốc nước, tô bằng bút lông mềm rộng bản, một nửa ngọn bút chấm màu, còn nửa ngọn bút kia chấm nước lã, tô tranh theo kỹ thuật vờn màu.

Tác phẩm "Mẫu Thượng Ngàn"
Tranh chỉ có một bản đen đầu tiên, sau khi in thì tranh được tô màu lại bằng tay. Từ các bản khắc gốc, những bức tranh đã được in ra, bằng mực Tàu mài nguyên chất. Tiếp đến là công đoạn bồi giấy. Tùy thuộc từng tranh cụ thể mà có tranh chỉ bồi một lớp, có tranh lại phải bồi đến 2 hay 3 lớp giấy. Sau khi hồ khô thì vẽ lại màu. Như vậy, có khi phải mất đến 3, 4 ngày mới hoàn thành một bức. Tranh được in trên giấy dó bồi dày hay giấy báo khổ rộng. Ván khắc được làm bằng gỗ lồng mực hoặc gỗ thị. Mực in truyền thống dùng bằng những chất liệu dân dã nhưng cầu kỳ và tinh xảo trong chế tác.
Dòng tranh này hiện nay gần như đã bị mai một hết, chỉ còn lưu giữ trong các viện bảo tàng. Hiện nay, chỉ còn duy nhất nghệ nhân Lê Đình Nghiên còn gắn bó với nghệ thuật tranh Hàng Trống và những nét tinh hoa của dòng tranh.
5 tác phẩm chính tại triển lãm là những bức tranh Hàng Trống từng được nghệ nhân Lê Đình Nghiêm "phục hồi". Trong đó, điển hình là 2 tác phẩm Mẫu Thượng Ngàn và Tứ Phủ Ông Hoàng vẽ trên nền tôn, được nghệ nhân Lê Đình Liệu (cha của nghệ nhân Lê Đình Nghiên) sáng tác vào năm 1947 theo đơn đặt hàng của chùa Kim Liên, Hà Nội.
Cũng tại triển lãm, cuốn sách điện tử tương tác tranh dân gian Hàng Trống được thiết kế bởi chị Nguyễn Thị Tuyết Hạnh (giáo viên) đã được giới thiệu với công chúng Thủ đô. Cuốn sách mang dáng dấp của một phần mềm ứng dụng có thể sử dụng trên điện thoại hoặc máy tính bảng nhằm góp phần khôi phục, quảng bá dòng tranh này, trong đó có việc kết nối với các trường học trên địa bàn. Tại một số buổi học, các học sinh đã được giới thiệu về tranh dân gian Hàng Trống để hiểu hơn về một dòng tranh dân gian gắn với địa phương.
Diệp Anh