Phúc Thọ: Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đạt hiệu quả cao
(Chinhphu.vn)-Nhờ bước đột phá từ khâu dồn điền đổi thửa nên hiện nay trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã hình thành và mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh, hàng hóa tập trung mang lại hiệu quả và thu nhập cho người dân.
Theo Phó Chủ tịch huyện Phúc Thọ Nguyễn Việt Liên, sản xuất nông nghiệp của huyện đã có bước phát triển mới về chuyển dịch cơ cấu cũng như ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Sau dồn điền đổi thửa huyện Phúc Thọ đã hình thành nhiều vùng sản xuất rau tập trung-Ảnh: Thiện Tâm |
Hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung
Đặc biệt, việc dồn điền đổi thửa được coi là khâu đột phá và đã đạt kết quả tốt, nhờ đó một số vùng sản xuất tập trung được hình thành và công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được phát triển, mở rộng như: Chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, lâu năm là 700 ha, từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là 135 ha và chuyển từ đất khó sản xuất sang mô hình kinh tế trang trại... Đồng thời đã hình thành và mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung mang lại hiệu quả và thu nhập cho người dân như: Rau an toàn, mô hình hoa, sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao, chăn nuôi cá thương phẩm, bò thịt BBB, thịt lợn sạch an toàn, phát triển chăn nuôi tập trung theo quy trình nuôi công nghiệp, quy trình nuôi an toàn sinh học...
Bên cạnh đó, huyện cũng xây dựng chính sách cụ thể trong ngân sách huyện để ưu tiên đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp như: Hỗ trợ mô hình mạ khay máy cấy, mô hình nhà lưới nhà màng, thực hiện cơ giới nông nghiệp nông thôn; tiếp tục mở rộng mô hình nhà màng, nhà lưới để trồng các loại rau và hoa trái vụ có giá trị kinh tế cao. Mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý tàn dư cây trồng và cỏ dại diện tích 120 ha tại một số điểm trồng rau như xã Thanh Đa, Vân Phúc, Võng Xuyên. Hay mô hình ngâm nước đất trồng hạn chế nguồn sâu bệnh trong đất trên cây cà chua diện tích 0,2 ha tại xã Sen Chiểu; bón phân hữu cơ cho cây rau cải tạo đất diện tích 0,5 ha tại xã Thanh Đa.
Ông Nguyễn Việt Liên cũng cho biết, huyện Phúc Thọ cũng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo Thông tư 19 của Bộ NN&PTNT, hiện nay có xã Trạch Mỹ Lộc đã chuyển đổi được 15 ha bưởi. Có thể thấy, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng liên kết chuỗi để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững khi cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện đang chuyển đổi theo hướng tích cực, giảm diện tích các vùng sản xuất lúa không hiệu quả sang trồng hoa màu và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đưa thêm các cây con giống phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp điều kiện tự nhiên của huyện vào sản xuất.
Hiện nay huyện cũng đã hình thành vùng rau an toàn và rau hữu cơ tại các xã Vân Hà, Vân Phúc, Xuân Phú, Thanh Đa, Hát Môn, Tam Thuấn… Diện tích cây ăn quả liên tục được mở rộng với diện tích là 885 ha. Một số loại quả được thị trường ưa chuộng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Bưởi, cam canh, chuối, đu đủ, táo, ổi... Chăn nuôi cũng tiếp tục được quan tâm, phát triển nhiều con giống mới mang lại giá trị kinh tế cao như gà Mía lai, Dafaco, nuôi cá trắm và cá chép giòn an toàn, nuôi lợn theo hướng VietGap ...
Đặc biệt, huyện Phúc Thọ cũng thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn huyện. Điển hình như việc triển khai mô hình nông nghiệp Sharefarm tại Ngọc Tảo diện tích 3,6 ha kết hợp cung cấp nông sản an toàn; cải tạo ao nuôi thủy sản, ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi gà sinh sản - ấp trứng cung cấp giống gà sạch bệnh, nuôi bò thịt bằng con lai F2 giống bò BBB.
Mở rộng phát triển theo phong trào khởi nghiệp
Mặc dù nông nghiệp của huyện đã đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn chưa tạo được điểm nhấn rõ nét trong phát triển kinh tế, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã còn thấp. Việc nhân rộng một số mô hình kinh tế mới và áp dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp kết quả chưa nhiều.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Việt Liên, trong thời gian tới, huyện Phúc Thọ cần đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt đề án chuyển đổi theo Thông tư 19. Đồng thời chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện cuộc vận động “3 sạch” và khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân đặc biệt là phong trào khởi nghiệp.
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn thực phẩm. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm an toàn, có giá trị cao và khuyến khích xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Thiện Tâm