Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ

15/03/2023 2:41 PM

(Chinhphu.vn) - Hội thề trung hiếu Đền Đồng Cổ, phường Bưởi, quận Tây Hồ được duy trì tổ chức vào dịp Lễ hội truyền thống làng Đông Xã trong hai ngày mùng 3 và 4 tháng Tư âm lịch; là nơi thể hiện rõ tâm linh hướng thiện và tâm thức về nguồn, vọng ngưỡng lòng trung thành, yêu nước của người Việt Nam.

Phuy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ - Ảnh 1.

Tọa đàm "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ" - Ảnh: VGP/GH

Ngày 15/3, tại di tích đền Đồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Tọa đàm "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ".

Đền Đồng Cổ có mặt ở thành Thăng Long từ thời Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn định đô dựng nước. Nơi đây thờ thần Đồng Cổ - trống đồng Đông Sơn, một trong nhiều biểu tượng đặc sắc cho cội nguồn văn minh nước Việt. Tại không gian di sản này, Lý Thái Tông, vị vua thứ hai của triều đại Lý, đã khởi dựng Hội thề trung hiếu, duy trì hằng năm nhằm khẳng định, bồi đắp niềm tin, lòng trung hiếu, quyết tâm bảo vệ triều đình, đất nước.

Tham gia hội thề là các tôn thất, quan lại trong triều đình cùng thực hiện nghi thức tế lễ và tuyên thề trước đền trước đông đảo dân chúng.Chính vì vậy, lễ hội còn được coi là lễ hội của triều đình, của quốc gia, khai thác triệt để sức mạnh niềm tin vào sự đồng thuận của triều đình và toàn xã hội, vì sự toàn vẹn của vương triều, thể chế.

Tại tọa đàm, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa và đại diện nhiều cơ quan quản lý nhà nước đã cùng trao đổi, làm rõ giá trị của di sản Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ, định hướng cho công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong bối cảnh lễ hội truyền thống thuộc khu vực nội thành chịu nhiều tác động từ quá trình đô thị hóa.

Theo đó, đã có nhiều giải pháp được đưa ra tại tọa đàm, thu hút sự đồng thuận cao, như: Cần sớm xây dựng hồ sơ đề nghị ghi danh di sản vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; xây dựng kịch bản lễ hội chi tiết, xác thực theo truyền thống; kết nối điểm đến di sản với các di sản trong khu vực nhằm kích cầu du lịch văn hóa; tăng cường giáo dục truyền thống cho các thế hệ, trong đó có lớp trẻ tại các hoạt động ngoại khóa trong nhà nước…

Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội thề ở đền Đồng Cổ đầu tiên được tổ chức vào ngày 25 tháng 3 Âm lịch (tức ngày 22-4-1028), chỉ 21 ngày sau Lý Thái Tông đăng quang. Đây trước hết là lễ mừng thắng lợi của Lý Thái Tông, một vị Hoàng đế kiệt xuất vào bậc nhất trong lịch sử Vương triều Lý và trong toàn bộ tiến trình lịch sử các triều đại quân chủ Việt Nam. Những năm tiếp theo lễ mừng được tổ chức vào đúng ngày 4 tháng 4 Âm lịch, thực sự là lễ chúc mừng đăng quang của vua Lý Thái Tông.

Lễ mừng đăng quang diễn ra ở điện Thiên An - sân Long Trì là nơi Hoàng đế thiết triều và ở đền Đồng Cổ, nơi thần Trống Đồng đã phù giúp ông bảo toàn được đế vị. Ở điện Thiên An - sân Long Trì tổ chức nặng theo nghi lễ cung đình, nhưng cũng có kết hợp với các nghi thức dân gian, vì Lý Thái Tông là người sống trong lòng dân, hiểu dân và rất mực thương dân. Lễ mừng đăng quang Lý Thái Tông ở đền Đồng Cổ nghiêng theo thể thức của một hội thề non nước. Ở đây không chỉ có tôn thất, quan lại trong triều đình, mà cả dân chúng cũng kéo nhau đến chúc mừng Hoàng đế anh minh và thề tuyệt đối trung thành với nhà vua, triều đình và thể chế.

Theo UBND quận Tây Hồ, Ngày nay, Hội thề trung hiếu Đền Đồng Cổ, phường Bưởi, quận Tây Hồ được duy trì tổ chức vào dịp Lễ hội truyền thống làng Đông Xã trong hai ngày mùng 3 và 4 tháng Tư âm lịch. Lễ hội Đồng Cổ gắn với trống đồng đó là biểu hiện sức mạnh vật chất tinh thần cổ truyền của dân tộc, là nơi thể hiện rõ tâm linh hướng thiện và tâm thức về nguồn, vọng ngưỡng lòng trung thành, yêu nước của người Việt Nam.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, ngày nay, trên địa bàn quận Tây Hồ có 71 di tích trong đó 42 di tích đã được xếp hạng gồm 24 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 18 di tích xếp hạng cấp Thành phố; có con đường ven hồ được gọi là " con đường di sản" bởi trong số 71 di tích thì có đến hơn 20 di tích chứa đựng giá trị văn hóa, kiến trúc đặc sắc, độc đáo được nằm sát ven hồ. Dù đã trải qua quá trình đô thị hóa nhưng những huyền tích về làng, về hồ, về các di sản vật thể và phi vật thể trên địa bàn quận cho đến nay vân luôn trường tồn với thời gian.

Gia Huy

Top