Quản lý đô thị hướng tới tiêu chí văn minh hiện đại
(Chinhphu.vn) - Thực hiện “Năm kỷ cương hành chính” 2017, trong năm qua TP.Hà Nội đã tập trung chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp, qua đó một số lĩnh vực văn minh đô thị đã chuyển biến tích cực, bộ mặt đô thị ngày càng hướng tới các tiêu chí văn minh hiện đại hơn.
Chấn chỉnh về trật tự xây dựng đô thị
Một trong những lĩnh vực Hà Nội quyết liệt thực hiện trong năm 2017 là chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, trật tự xây dựng đô thị và nâng cao chất lượng quản lý đô thị. Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, để đạt hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ này, Sở Xây dựng đã bàn giao công tác chỉ đạo, điều hành trực tiếp đội ngũ Thanh tra xây dựng cho các quận, huyện về công tác bảo đảm trật tự xây dựng trên địa bàn; thành lập nhiều đoàn kiểm tra các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc liên quan đến trật tự xây dựng. Sở cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm đôn đốc các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên đối với các công trình ngay từ khi khởi công đến khi kết thúc.
Trong việc xác định các hành vi vi phạm, căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, các quận, huyện, thị xã có biện pháp xử lý vi phạm phù hợp, chính xác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, giải quyết kịp thời, không để phát sinh thêm các điểm vi phạm mới và các vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp; kiên quyết không để xảy ra công trình vi phạm nổi cộm, gây bức xúc dư luận tại địa bàn phụ trách. Trong năm 2017, các Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra trên 17 nghìn công trình, trong đó có trên 1.900 công trình vi phạm với các lý do không phép, sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế, xây dựng trên đất lấn chiếm, đất nông nghiệp…
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, UBND Thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố; nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và nhân dân đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của năm kỷ cương hành chính. Bên cạnh đó, khắc phục những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý trật xây dựng, quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng.
Để tổ chức bộ máy của lực lượng Thanh tra xây dựng trên địa bàn hoạt động có hiểu quả, hiệu lực, Sở Xây dựng đã nghiên cứu xây dựng mô hình thanh tra xây dựng; UBND Thành phố đã trình và được Chính phủ chấp thuận cho phép Hà Nội được thí điểm thành lập “Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp quận, huyện” thực hiện thí điềm mô hình thanh tra này.
Quản lý đất đai cũng là lĩnh vực được tăng cường chỉ đạo thực hiện toàn diện, Thành phố đã tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy định pháp luật liên quan, công bố và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng bản đồ số hóa đất đai toàn Thành phố. Đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho các tổ chức, hộ gia đình. Hiện nay đã cấp Giấy chứng nhận đạt 98,4% và đăng ký kê khai đất đai lần đầu đạt 100%.
Thực hiện các dự án quản lý chất lượng không khí
Trước những thách thức về ô nhiễm môi trường không khí, thành phố Hà Nội đã có những đầu tư nhất định trong công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, công tác quản lý môi trường Thành phố vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: Hoạt động quan trắc và kiểm soát nguồn thải còn yếu; quá trình đô thị nhanh kéo theo các hoạt động xây dựng trên khắp thành phố, cùng với sự gia tăng dân số cơ học; số lượng phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh… đã ảnh hưởng tới chất lượng môi trường chung của Thành phố....
Trong năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá hiện trạng môi trường không khí trên địa bàn do Chính phủ Pháp tài trợ; hoàn thành dự án đầu tư xây dựng trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục tại khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn; hoàn thành lắp các trạm quan trắc không khí và nước mặt, xây dựng phòng trung tâm điều hành quản lý và xử lý dữ liệu quan trắc môi trường.
Để cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội, UBND TP.Hà Nội đang phối hợp với tổ chức AirParif - cơ quan quản lý chất lượng không khí của Pari của Pháp triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu đánh giá hiện trạng môi trường và giám sát chất lương không khí tại Hà Nội do Chính phủ Pháp tài trợ với quy mô đầu tư 70 trạm quan trắc không khí, 4 trạm quan trắc nước mặt, 1 xe quan trắc khí di động, 6 trạm quan trắc nước dưới đất và quản lý; quản lý, vận hành Trung tâm quản lý và xử lý dữ liệu quan trắc môi trường. Thông qua các số liệu từ các trạm quan trắc này, các thông tin quan trắc môi trường được chia sẻ công khai để người dân biết được chất lượng môi trường sống trên địa bàn Hà Nội.
Đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị
Năm 2017 là năm Hà Nội tiếp tục thực hiện các dự án hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị như: Chiếu sáng, cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường, cây xanh, hạ ngầm đường dây cáp đi nổi, đồng bộ theo hướng chuẩn hóa và hiện đại.
Trong lĩnh vực chiếu sáng, Hà Nội tích cực kêu gọi xã hội hóa để thay thế thí điểm đèn chiếu sáng công cộng bằng công nghệ mới (công nghệ LED), bảo đảm Thành phố sáng hơn và tiết kiệm điện năng. Nghiên cứu xây dựng phương án lắp đặt hệ thống chiếu sáng sử dụng năng lượng sạch phục vụ chiếu sáng tại các tuyến đường nông thôn. Hiện nay, Thành phố đã hoàn thành việc lập hồ sơ, đánh giá hiện trạng hệ thống chiếu sáng công cộng làm căn cứ xây dựng kế hoạch, đề án cải tạo hệ thống chiếu sáng đến năm 2020.
Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục hoàn chỉnh quy định quản lý hệ thống cây xanh, đổi mới căn bản công tác duy tu, duy trì hệ thống công viên, vườn hoa, cây xanh, dải phân cách, tập trung thu gọn đầu mối quản lý, vận hành để nâng cao hiệu quả công việc. Tính đến đầu tháng 12/2017, Thành phố đã trồng được 363 nghìn cây xanh, như vậy đã trồng được 485 nghìn cây xanh, đạt gần 50% mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh.
Tuy nhiều lĩnh vực có kết quả tích cực nhưng TP.Hà Nội cũng nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế cần khắc phục liên quan đến công tác vệ sinh môi trường, bảo đảm trật tự xây dựng đô thị, tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt vẫn còn tiểm ẩn. Đặc biệt là công tác thiết kế, xây dựng, cải tạo sửa chữa nâng cấp vỉa hè tại một số tuyến phố còn tồn tại hạn chế, yếu kém. Vì vậy, tăng cường công tác chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, trật tự xây dựng đô thị và nâng cao chất lượng đô thị đã được Hà Nội đặt ra nhiệm vụ trong năm 2018 để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô.
Gia Huy