Quản lý, khai thác vỉa hè: Cân bằng giữa trật tự đô thị và bảo đảm an sinh xã hội
(Chinhphu.vn) - Các chuyên gia cho rằng, quản lý vỉa hè không chỉ là bài toán sắp xếp lại không gian đô thị, mà còn là sự cân bằng giữa trật tự, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Khai thác vỉa hè hiệu quả và bảo đảm trật tự đô thị
Sau việc lấy ý kiến phản biện xã hội được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức, Đề án của UBND thành phố Hà Nội về quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố đang được Sở Xây dựng tiếp thu, hoàn thiện. Trong đó, một nội dung quan trọng nhận được nhiều góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, chính là cách nhìn nhận về hè phố.

Quản lý vỉa hè. Ảnh internet
Cho ý kiến về đề án quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Võ Nguyên Phong, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, mục tiêu của đề án không chỉ là khai thác kinh tế mà còn là bảo đảm trật tự đô thị. Vì vậy, cần cân bằng giữa mục tiêu lập lại trật tự đô thị và nhu cầu sử dụng vỉa hè cho hoạt động kinh doanh, sinh kế của hàng nghìn hộ dân.
Thực tế cho thấy, nhiều đô thị lớn trên thế giới như Tokyo, Singapore hay Paris đều có các mô hình khai thác vỉa hè hiệu quả, vừa bảo đảm không gian cho người đi bộ, vừa phát triển các hoạt động kinh doanh có trật tự. Điều này cho thấy, vấn đề không nằm ở việc cấm hay không cấm mà là quản lý như thế nào để sử dụng hiệu quả, hợp lý.
Góp ý dự thảo đề án, ông Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội, nhấn mạnh rằng việc triển khai đề án là cần thiết, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của cuộc sống. Tuy nhiên, theo ông, đây là vấn đề đã tồn tại từ lâu, có nhiều diễn biến phức tạp và thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Theo ông Hoạt, nguyên tắc quan trọng nhất trong quản lý lòng đường, vỉa hè là phải ưu tiên bảo đảm giao thông, mọi phương án khai thác cần cân nhắc kỹ lưỡng, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông đô thị.
Bên cạnh đó, ông Hoạt nhấn mạnh tính minh bạch trong quá trình triển khai đề án. Theo ông, các quy định cần được công khai, rõ ràng, có sự tham gia góp ý từ người dân và doanh nghiệp để đảm bảo sự đồng thuận. Điều này không chỉ giúp đề án đi vào thực tiễn một cách hiệu quả mà còn hạn chế các tranh chấp, khiếu kiện phát sinh trong quá trình thực hiện.
Từ thực tiễn quản lý trước đây, TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, các quy định về hè đường, lòng đường tại Hà Nội khá linh hoạt, qua nhiều lần thay đổi. Ông Nghiêm cho rằng, cần nhận thức vỉa hè là không gian chuyển tiếp giữa đường giao thông vào từng nhà và là nơi tổ chức một số sự kiện. Để triển khai Đề án hiệu quả, cần nghiên cứu sâu hơn về vai trò và chức năng của vỉa hè, lòng đường, từ đó đưa ra định nghĩa cụ thể và phù hợp.
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn cho rằng, hè phố là đối tượng nghiên cứu phong phú, phức tạp vì không chỉ là của người đi bộ, người bán hàng mà cần xem xét đến hoạt động và lợi ích của cả cộng đồng dân cư, cộng đồng xã hội.
Theo ông Tô Anh Tuấn, thực trạng hè phố được quản lý, sử dụng phức tạp, lộn xộn, trông giữ xe bừa bãi chỉ xảy ra ở một số tuyến đường, trong khi đa số giữ được trật tự, thông thoáng cần thiết. Nếu ra quy định được áp dụng cả ở những nơi không cần thiết thì sẽ tạo ra cảnh "trăm hoa đua nở", hiện trạng hè phố sẽ lộn xộn hơn hiện nay; vì vậy, cần quy định điều kiện áp dụng chặt chẽ, rõ ràng để kiểm soát.
Nguyên Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Bạch Thành Định cũng cho rằng, các quy định về khai thác, quản lý một phần lòng đường, hè phố sẽ "đụng chạm" đến mọi mặt của đời sống đô thị nên không thể xem xét riêng vấn đề quản lý giao thông, lòng lề đường mà còn phải chú trọng đến mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử Thủ đô.
Hài hòa lợi ích và xem xét toàn diện đối tượng sử dụng vỉa hè
Đánh giá cao những quan điểm tiến bộ của đề án quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố so với các chính sách trước đây, ông Tô Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng đề án có nhiều tiến bộ và ưu điểm. Tuy nhiên, ông cho rằng người đi bộ chưa hẳn phải là ưu tiên số một trên vỉa hè, bởi bản chất vỉa hè là không gian chuyển tiếp giữa lòng đường và các công trình hai bên.
Theo ông Tô Anh Tuấn, đề án cần có cách tiếp cận toàn diện hơn, tính đến nhu cầu sử dụng của nhiều nhóm đối tượng, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hoạt động cho thuê vỉa hè và lòng đường. Việc chỉ tập trung vào người đi bộ hoặc hộ kinh doanh sẽ không phản ánh đúng bản chất sử dụng vỉa hè trong đô thị.
"Vỉa hè không chỉ liên quan đến người đi bộ hay người bán hàng rong, mà còn tác động đến cả cộng đồng dân cư và các hoạt động kinh tế - xã hội xung quanh. Một chính sách chỉ có thể đi vào thực tiễn nếu phản ánh đúng nhu cầu chung của các nhóm đối tượng này," ông Tuấn phân tích.
Quan điểm này cho thấy, để đề án thực sự khả thi, cần một cách tiếp cận đa chiều, không chỉ giải quyết vấn đề trật tự đô thị mà còn đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa các nhóm dân cư và hoạt động kinh tế xã hội trên địa bàn.
Dự thảo đề án về quản lý, khai thác vỉa hè, lòng đường của Hà Nội nhận được nhiều ý kiến đa chiều, từ việc bảo đảm giao thông, quy hoạch đô thị đến lợi ích kinh tế. Các chuyên gia cho rằng, nếu không có cơ chế quản lý đồng bộ, rõ ràng, việc khai thác có thể gây ra mâu thuẫn lợi ích và ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị.
Trong bối cảnh nhiều thành phố lớn trên thế giới cũng triển khai mô hình sử dụng vỉa hè vào mục đích kinh doanh, Hà Nội cần có những bước đi cẩn trọng, vừa phát huy giá trị kinh tế vừa bảo đảm trật tự đô thị, tránh biến vỉa hè thành nơi lộn xộn, gây ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của người dân.
Dự thảo đề án của UBND thành phố về quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố quy định vỉa hè đủ điều kiện cho thuê phải có chiều rộng tối thiểu 3m, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt tại khu vực phố cổ.
Đối với hoạt động kinh doanh trên vỉa hè, các hộ kinh doanh phải bảo đảm diện tích đỗ xe cho khách. Nếu không có chỗ đỗ xe riêng, có thể được xem xét cấp phép với điều kiện địa điểm kinh doanh cách bãi đỗ xe hoặc ga, bến xe công cộng gần nhất không quá 500m.
Với những vỉa hè rộng trên 4m nhưng không tổ chức kinh doanh, UBND cấp huyện có thể cấp phép trông giữ xe máy tùy theo nhu cầu thực tế, đồng thời đảm bảo dành ít nhất 1,5m vỉa hè cho người đi bộ.
Sau khi khảo sát 273 tuyến phố trên địa bàn, cơ quan xây dựng đề án đề xuất 9 mô hình hè phố có thể khai thác tạm thời để kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế đô thị và trông giữ phương tiện giao thông. Một số tuyến phố dự kiến được khai thác gồm Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Dã Tượng, Tràng Tiền, Hàng Khay, Ngô Quyền, Hàm Long, Chùa Bộc, Huỳnh Thúc Kháng, Giảng Võ, Trần Đại Nghĩa, Trần Khát Chân...
Dự thảo cũng nêu rõ việc cấp mới, điều chỉnh, thu hồi giấy phép sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện hoặc kinh doanh sẽ do Sở Giao thông Vận tải và UBND cấp huyện thực hiện theo phân cấp quản lý. Mức phí sử dụng tạm thời vỉa hè sẽ được tính toán theo Nghị quyết của HĐND TP. Hà Nội nhằm bảo đảm công khai, minh bạch và phù hợp với điều kiện thực tế.
Ứng dụng khoa học, chuyển đổi số trong quản lý khai thác lòng đường, hè phố
Trên thực tế, việc sử dụng lòng đường, hè phố ở những nơi có điều kiện để kinh doanh dịch vụ được đặt ra từ lâu, với những yêu cầu khắt khe trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện. Nhiều tuyến đường, tuyến phố đã thay đổi trong quá trình đầu tư, cải tạo và xây dựng mới, trong khi những quy định cụ thể về quản lý, khai thác, sử dụng chưa kịp thời thay đổi cho phù hợp.
Theo KTS. Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, đầu năm 2025, Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã được công bố và thành phố bắt đầu lập kế hoạch triển khai. Cùng với đó, Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực đã mở đường cho việc xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Đây là những căn cứ quan trọng để triển khai thiết kế đô thị, tổ chức giao thông, khai thác không gian ngầm. Trong quá trình triển khai quy hoạch chi tiết tại các địa phương, nếu phát hiện những nơi có vỉa hè, lòng đường chưa dùng đến, hoặc vỉa hè, lòng đường đã có nay không phù hợp với kế hoạch phát triển của địa phương…, thành phố cần thu hồi giao lại cho các tổ chức, cá nhân thuê kinh doanh dịch vụ hay cho thuê bãi đỗ xe, đầu tư kết cấu phù hợp, tổ chức di chuyển hợp lý. Cách làm này vừa đúng luật, vừa hợp lý về sở hữu khai thác tài sản công - tư tách bạch rõ ràng, vừa kết hợp chỉnh trang đô thị.
Cũng theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, tại các khu vực có hoạt động đô thị đặc thù có thể chia sẻ không gian giao thông với dịch vụ thương mại như phố đi bộ cuối tuần, hội chợ, kinh tế đêm…, cần có phương án tổ chức khai thác không gian lòng đường, hè phố phù hợp, hiệu quả, công bằng, đúng quy định.
Có đại diện tham gia từ đầu quá trình nghiên cứu, xây dựng Đề án, quận Hoàn Kiếm là một trong những đơn vị được lựa chọn thí điểm thực hiện. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng cho biết, quận đang xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, tập trung vào nội dung chính là xây dựng quy chế quản lý.
"Quận dự kiến ban hành quy định cụ thể, xây dựng bộ tiêu chí để xác định các tuyến phố được khai thác một phần hè phố. Quận cũng sẽ triển khai đến từng phường trên cơ sở thực trạng, dự kiến sẽ triển khai trước tuyến phố Quang Trung. Hiện công tác chuẩn bị cơ bản hoàn thành", ông Trịnh Hoàng Tùng chia sẻ.
Ông Võ Nguyên Phong, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Đề án, tổ công tác và đơn vị tư vấn rà soát đánh giá công tác quản lý, khai thác, sử dụng trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã, sau đó chọn lọc các tuyến đường, đoạn phố có đủ điều kiện đưa vào quản lý, khai thác sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố.
Một trong những nhóm vấn đề thuộc Đề án được tập trung hoàn thiện là tổ chức thực hiện, phân công, phân cấp, ủy quyền có liên quan đến việc thực hiện tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy mà thành phố đang thực hiện quyết liệt; đồng thời ứng dụng khoa học, chuyển đổi số trong quản lý khai thác một phần lòng đường, hè phố trong thời gian tới.
Thùy Chi