Quản lý tài sản công: Ưu tiên trong chỉ đạo để khai thác có hiệu quả
(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội đang trong quá trình xây dựng Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả quỹ tài sản công, đặc biệt là đối với quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công: Trọng tâm ưu tiên của nhiệm kỳ
TP. Hà Nội đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng "Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030".
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, đến nay, Đề án đã được Ban cán sự đảng UBND Thành phố chuẩn bị công phu, khoa học, nội dung khá đầy đủ, toàn diện với dung lượng 74 trang, kèm theo hệ thống 23 phụ lục chi tiết.
Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Thành ủy đã xác định việc nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của Hà Nội là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ này và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Đề án sẽ nêu rõ quan điểm, mục tiêu và các giải pháp khắc phục nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công; đặc biệt là đối với quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho thuê; quỹ đất 20-25%; quỹ đất, nhà tái định cư…
Trong thời gian qua, HĐND TP. Hà Nội đã thực hiện nhiều cuộc giám sát chuyên đề "Việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của Thành phố". Tại cuộc làm việc với Sở Xây dựng, đơn vị cho biết nhà chuyên dùng trên địa bàn Hà Nội còn 838 địa điểm với diện tích nhà là trên 178.000 m2, diện tích đất là trên 155.000 m2.
Nhiều tồn tại, vướng mắc cũng được nêu qua các cuộc giám sát, Đoàn Giám sát của HĐND cũng nhận định, việc để tồn tại, khó khăn vướng mắc lớn trong quản lý nhà chuyên dùng cho thấy các sở, ngành liên quan chưa quan tâm triệt để. Việc còn nhiều căn hộ, nhiều diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 tại các chung cư tái định cư, các căn hộ tái định cư còn để trống cho thấy việc điều tiết, trách nhiệm quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước, còn chưa hiệu quả, gây lãng phí tài sản nhà nước của Thành phố.
Tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP. Hà Nội vừa diễn ra, công tác quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của Hà Nội là một trong những vấn đề đại biểu hết sức quan tâm.
Làm rõ hơn về công tác này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Sở Xây dựng đã phối hợp với Sở Tài chính kê khai các thông tin và báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý; cung cấp các thông tin có liên quan đến việc rà soát đánh giá, phân tích thực trạng quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của Thành phố từ ngày 01/01/2018 đến nay.
Điều này để phục vụ việc lập đề cương Đề án quản lý sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030.
Kiên quyết thu hồi nhà thuộc quản lý Nhà nước có vướng mắc, vi phạm
Cũng cho biết tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP. Hà Nội vừa diễn ra, Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn cũng cho biết, các sở liên quan cũng tổ kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm liên quan đến nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của Thành phố của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn.
Sở Xây dựng đã chủ trì cùng Liên ngành: Sở Tài chính, Cục Thuế, UBND các quận có nhà chuyên dùng kiểm tra công tác quản lý của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và các Xí nghiệp trực thuộc; thống nhất phương án xử lý thu hồi đối với 7 địa điểm nhà chuyên dùng có vướng mắc, vi phạm nổi cộm tại các quận: Hoàn Kiếm (05 địa điểm), Đống Đa (01 địa điểm), Ba Đình (01 địa điểm).
Sở Xây dựng đã tham mưu UBND Thành phố ban hành quyết định thu hồi tại 02 địa điểm tại 41 Hàng Bồ và 121 Phủ Doãn, quận Hoàn Kiếm; tham mưu UBND Thành phố ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi tại 06 địa điểm tại 36 Bà Triệu, 58-60 Hàng Buồm, 41 Hàng Điếu, quận Hoàn Kiếm, tại 45 Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa, tại tầng 1 nhà A và tầng 1 nhà G khu 7,2ha Vĩnh Phúc, quận Ba Đình.
Cho biết về công tác rà soát, đề xuất phương án giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công vụ được đầu tư xây dựng từ ngân sách Nhà nước; giá bán hoặc giá thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật về nhà ở, Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn cho biết, UBND Thành phố đang xem xét để thống nhất chỉ đạo trên cơ sở phân định rõ chức năng quản lý giá và chức năng khai thác sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước. Đến nay, Sở Xây dựng đã có báo cáo về tình hình thực hiện xây dựng các loại giá cho thuê, giá dịch vụ quản lý vận hành tại các quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước trong năm 2022 và các năm tiếp theo, đề xuất để lập dự toán thu, chi năm 2023.
Đối với công tác đề xuất các chế tài, biện pháp xử lý cứng rắn để giải quyết các trường hợp chây ỳ nợ tiền thuê nhà, sử dụng sai mục đích, vi phạm trong quá trình sử dụng quỹ nhà của Nhà nước,tại Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND ngày 12/11/2012 của UBND Thành phố đã có những chế tài, biện pháp xử lý để giải quyết các trường hợp chây ỳ nợ tiền thuê nhà, sử dụng sai mục đích, vi phạm trong quá trình sử dụng quỹ nhà của Nhà nước.
Trên cơ sở báo cáo của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Sở Tài chính đã có văn bản phân loại các khoản nợ phải thu của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đến thời điểm ngày 30/9/2022; theo đó số nợ phải thu đến thời điểm ngày 30/9/2022 là trên 190 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn, các đơn vị đã thực hiện công tác kiểm kê toàn bộ quỹ nhà chuyên dùng; kiểm tra việc quản lý, sử dụng các địa điểm nhà chuyên dùng đang có vướng mắc, vi phạm để phân loại, đề xuất biện pháp giải quyết dứt điểm đối với từng loại vướng mắc, vi phạm
Hiện nay, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đang quản lý 803 địa điểm nhà chuyên dùng.
Sở Xây dựng đã ban hành Kế hoạch triển khai và Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra công tác quản lý, sử dụng nhà thuộc sở hữu Nhà nước sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ, trụ sở làm việc và các mục đích khác không phải để ở do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý trên địa bàn Hà Nội. Đoàn kiểm tra đã kiểm tra quỹ nhà chuyên dùng trên địa bàn các quận gồm: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên và Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.
Đoàn Kiểm tra đã đề nghị các Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội rà soát, thống kê số lượng nhà chuyên dùng đang quản lý, trên cơ sở đó phân loại, đề xuất biện pháp giải quyết dứt điểm đối với từng loại vướng mắc để xin ý kiến Sở Tài chính, Cục Thuế và các đơn vị có liên quan để báo cáo UBND Thành phố.
Hiện nay, Đoàn kiểm tra đang tổng hợp để báo cáo UBND Thành phố kết quả kiểm tra và đề xuất phương án xử lý đối với trường hợp vi phạm.
Gia Huy